Hai chữ “giá mà”...

VOV.VN -Mọi người ai cũng có nghĩa vụ chung sức ngăn ngừa hoặc thúc đẩy những hành động của ai đó, đừng để các thế hệ sau phải đau buồn chép miệng: Giá mà...

Đúng vào ngày nhân dân ta kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bên cạnh những tin tức về sự kiện mãi mãi làm nức lòng người ấy, trên trang đầu các báo hằng ngày rộ lên một tin thời sự nóng hổi: Cuba và Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, kết thúc 53 năm gián đoạn ngoại giao. Một sự cố kéo dài 11 đời Tổng thống Hoa Kỳ đã làm cho nền kinh tế Cuba thiệt hại 117 tỉ USD, tính theo giá hiện hành, và bản thân nước Mỹ cũng mất đi 1,2 tỉ USD/năm - xin các nhà kinh tế học tính hộ cho, số tiền ấy nhân với 53 năm, theo thời giá ngày nay là bao nhiêu tỉ.

Con số ấy lớn lắm, tuy nhiên đối với một nước siêu giàu như Mỹ chắc cũng chẳng là gì so với nỗi buồn của mấy thế hệ người dân Hoa Kỳ không được xả láng nốc rượu Rum Cuba và mút xì gà La Habana như thời trước. Đích thân Tổng thống Mỹ John Kennedy, trước khi hạ bút ký lệnh “trừng phạt” nước láng giềng nhỏ bé về diện tích vì cái tội đòi vươn lên độc lập, tự chủ hơn, đã kín đáo mua dự trữ 1.200 điếu xì gà to bự, sẽ gây khoái cảm ngây ngất cho người nghiện chất ấy, mà cả một nền kinh tế khổng lồ và hiện đại nhất toàn cầu của ông có làm ra vẫn không sao sánh nổi.

 Người dân Cuba ra đường sau khi Chủ tịch Raul Castro tuyên bố Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (ảnh: AFP)

Vốn từng chịu bao thiệt thòi vì chủ trương cấm vận của Mỹ đồng thời yêu mến hết lòng những người Cuba cách xa đúng nửa vòng trái đất mà thân thiết hơn anh em, người dân Việt Nam ta thông qua báo chí, truyền thông bộc lộ cảm nhận của mình: “Chấm dứt một trang sử lỗi thời” (Lao động), “Bước ngoặt lịch sử (Hà Nội mới), “Quốc hội Cuba ủng hộ sự tan băng” (Tuổi trẻ), “Trang sử mới” (Nhân dân), “Chương mới” (Sài Gòn Giải phóng), “Đôi bên cùng có lợi” (Người lao động)…

Sau nhiều cuộc họp bí mật giữa hai bên ở một nước thứ ba và cuộc điện đàm trực tiếp lịch sử giữa nguyên thủ hai nước, đến thời điểm thỏa thuận, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barak Obama cùng lên truyền hình công bố tin với toàn thế giới. Cũng mới là bước đột phá. Cái căn cơ hơn, thực chất hơn là Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận. Làm chúng ta nhớ lại 20 năm trước đây, ngày 11/7/1995 từng diễn ra sự kiện tương tự. Sau hai thập niên kết thúc cuộc chiến tranh đã gây nên biết bao tổn thất và hy sinh, Việt Nam giải phóng hoàn toàn, thống nhất đất nước, và Hoa Kỳ lần đầu tiên trong lịch sử đắng cay nếm mùi thất bại một cuộc chiến tranh, hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ mới thỏa thuận khép lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Vào thời điểm có sự nhất trí giữa hai bên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Bill Clinton cùng lên truyền hình thông báo với nhân dân hai nước cùng bạn bè thế giới cái tin nhiều người chờ đợi.

Sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã mang lại những kết quả như thế nào, nhiều người đã rõ, thiết nghĩ chẳng cần phải kể ra đây. Chúng ta vẫn chờ đợi Hoa Kỳ đi những bước tiếp. Về phía mình, chúng ta luôn bày tỏ thiện chí và quyết tâm.

Giá mà... Các bậc minh triết xưa nay đều khẳng định: Lịch sử không có giá mà. Các chính khách đứng đầu những nước tự cho mình có sứ mệnh lãnh đạo thế giới lại càng không có giá mà, bởi quyết định cái gì, họ đều đã cân nhắc tính toán thiệt hơn. Dù vậy, những người dân thường thuộc thế hệ, mỗi khi nhìn thấy những chuyện khổ đau do con người gây nên cho con người, lại chép miệng thở dài buông hai tiếng ấy. Mỗi lần nước ta đến một ngày kỷ niệm tưởng nhớ và tri ân những đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh để có được hôm nay, chúng ta lại nghĩ giá mà!

Giá mà... một người được Pháp coi là anh hùng dân tộc của họ là tướng De Gaulle không phạm sai lầm phái đội quân viễn chinh hùng hậu sang Viễn Đông nhằm thực hiện ước mơ khôi phục chế độ thực dân - quyết định mà chẳng bao lâu sau chính ông đã nhận ra sai lầm - thì nhân dân ta đã bớt đau khổ đến chừng nào, và nước Pháp đã không phải hứng chịu thảm bại Điện Biên Phủ.

Giá mà... mấy đời Tổng thống Mỹ không phạm sai lầm có người cố tình, có người gánh hậu quả vị tiền nhiệm để lại, thì trong lịch sử Hoa Kỳ đã không có những trang hổ thẹn với mấy từ “chiến tranh Việt Nam”, “hậu Việt Nam” không bao giờ nhòa nhạt. Những người làm báo đứng ở trung tâm thời sự và có sứ mệnh truyền thông bản chất thời cuộc đến người dân đúng, càng có nhiều dịp để chép miệng giá mà.

Nhân nổi bật lên vấn đề thời sự bình thường hóa quan hệ Cuba - Hoa Kỳ, xin kể lại một mẩu chuyện về một nhà báo Pháp lừng danh hết năm nay tuổi đời đạt mốc 95.

Ông tên là Jean Daniel (tên khai sinh Jean Daniel Bensaid, người gốc Algérie), nhà sáng lập và cây xã thuyết của tuần báo Le Nouvel Observateur. Ông là nhà trí thức suốt đời dấn thân vì chính nghĩa. Từng là chiến sĩ chống phát xít, thành viên Sư đoàn của tướng Leclerc tiến vào giải phóng Paris ngày 24/10/1944. Với tư cách nhà báo, ông phản đối quyết liệt cuộc chiến tranh Pháp gây ra ở Việt Nam, sau đó hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu giành lại độc lập của các dân tộc Bắc Phi. Jean Daniel nhiều lần nhận được lời dọa sẽ bị thủ tiêu. Tháng 7/1961, trong khi đang tác nghiệp tại Tunisie, ông hứng cả một loạt đạn liên thanh vào người.

Trả lời phỏng vấn tại giường bệnh, ông nói: “Tại vì tôi, một nhà báo Pháp đã lãnh đủ vào người một đạn loạt súng liên thanh của một đơn vị quân Pháp, loạt súng vốn dành chĩa vào những người dân thường nước Tunisie đòi độc lập, tôi cảm thấy lúc này mình tuyệt nhiên không tốt hơn hoặc xấu hơn trước để phát biểu một điều gì khác so với những điều tôi từng viết lên báo từ trước tới nay (là phản đối chiến tranh)... Lúc này tôi chỉ muốn bày tỏ lòng biết ơn các thầy thuốc người Tunisie, học trò của các giáo sư Pháp, đã hết lòng cấp cứu tôi giữa đạn lửa, ngay tại chỗ, rồi cùng đi theo đưa tôi về nhà thương tại Paris chữa chạy. Lúc này tôi chỉ muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người dân thường Tunisie, không có họ đến kịp thời thì tôi đã phải trải qua đau đớn đến đâu và có lẽ đã chết ngay tại chỗ rồi...”

Cuộc điều trị kéo dài chín tháng trời. Và người y tá chăm sóc ông suốt thời gian ông nguy kịch giữa cái sống và cái chết đã trở thành người bạn đời của Jean Daniel.

Đến khi sức khoẻ hồi phục tạm cho ông đủ tiếp tục hành nghề, cái nghề làm phóng viên báo chí luôn ở tuyến đầu, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tình hình châu Mỹ cực kỳ căng thẳng. Ba tháng trước, nhân loại suýt hứng chịu một cuộc chiến tranh hạt nhân khi Khrutsốp đưa tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ  Liên Xô sang bố trí tại Cuba cận kề nước Mỹ. Sau chuyện ấy có vẻ như Tổng thống Mỹ đương nhiệm John Kennedy đã nhận thấy sai lầm trong việc cấm vận, gây căng thẳng với Cuba, ông muốn tìm giải pháp xử lý êm thấm mà không phải mất mặt cường quốc Hoa Kỳ.

Theo gợi ý của chính Jean Daniel, tuần báo Pháp L’Express nơi ông làm việc phối hợp với tạp chí Mỹ New Repulic tài trợ cho ông cùng người vợ là cô y tá Michèle thực hiện một “chuyến đi dưỡng bệnh” sang châu Mỹ. Ông được Tổng thống Mỹ John Kennedy đón tiếp nồng hậu. Lẽ đương nhiên, bằng nhiều nguồn thông tin, nhà lãnh đạo nước Mỹ đã biết John Daniel rồi sẽ đi tiếp sang Cuba với tư cách một người bạn, và sẽ gặp thân mật Thủ tướng Fidel Castro thông qua sự dàn xếp Anh hùng Che Guevara và văn hào Mỹ la tinh Alejo Carpentier - hai người bạn chí cốt của lãnh tụ Fidel. Dù không nói trắng ra, Tổng thống Mỹ muốn nhờ nhà báo Pháp chuyển đến các nhà lãnh đạo nước Cuba một thông điệp - và chúng ta hoàn toàn có thể tin, Jean Daniel cũng chỉ mong có thế qua cuộc trò chuyện với John Kennedy.

Tổng thống Mỹ nói đại ý: nước Cuba có tiến tới chủ nghĩa xã hội hay không, việc ấy ông ta chẳng quan tâm nhiều lắm, tuy nhiên mọi sự liên minh quân sự giữa Cuba với Liên Xô là không thể nào chấp nhận được đối với nước Mỹ. Nếu bài học về cách xử lý cuộc khủng hoảng tên lửa ba tháng trước đây còn có giá trị thì rồi sẽ có khả năng xử lý vô vàn việc khác trong mối quan hệ giữa hai nước Mỹ- Cuba...

Mấy hôm sau, ngày 22/11/1963, vào lúc xế trưa, hai vợ chồng Jean Daniel đang ngồi ở bàn ăn cùng nhà lãnh đạo Fidel tại nhà riêng của Thủ tướng, bỗng có chuông điện thoại réo. Jean Daniel nghe Thủ tướng Fidel Castro thảng thốt hỏi người đối thoại ở đầu dây bên kia: “Bị bắn hả? Liệu có nặng lắm không?”. Nghe xong lời đáp, Fidel Castro buồn rầu đặt máy xuống và thốt ra: “Es una mala noticia - Một tin tồi tệ” - tin Tổng thống Mỹ vừa hứng đạn tại thành phố Dallas, Hoa Kỳ. Nhà lãnh đạo Cuba không buồn che giấu nét mặt buồn thiu, hơi thất vọng nữa là khác, trước hai người khách cùng bàn.

Nửa giờ sau, Đài phát thanh La Habana chính thức đưa tin Tổng thống Hoa kỳ John Kennedy vừa bị ám sát.

Giá mà... Vâng, giá mà không có loạt đạn giết người hôm ấy làm Tổng thống Mỹ John Kennedy qua đời, biết đâu chẳng có khả năng không diễn ra cuộc bao vây cấm vận nước Cuba kéo dài tới 53 năm - già nửa thế kỷ! Jean Daniel và Fidel Castro, người dân Cuba cũng như chúng ta có quyền thốt lên Giá mà lắm chứ.

Ngày nay, nhìn qua truyền hình thấy những cảnh máu me của hàng chục, hàng trăm người chết bởi những cuộc đánh bom liền mình ở Iraq, nhiều người dân thuộc  chính kiến và tôn giáo khác nhau trên thế giới, dù có thốt ra lời hay không, vẫn đau đáu trong lòng: Giá mà...

Giá mà mười mấy năm trước đây, Tổng thống Mỹ George Bush đã không cố tình lừa dối, tìm đủ cách thuyết phục nhân dân Mỹ rằng, nhà lãnh đạo Iraq Sadam Hussein đang nắm trong tay nhiều vũ khí giết người hàng loạt, cho nên Mỹ phải ra tay trước, phải khử cái lão độc tài ấy đi vì an ninh của nước Mỹ, thì làm sao đất nước “Nghìn lẻ một đêm” ra nông nỗi này!

Người Việt Nam chúng ta mỗi lần qua báo chí, truyền hình nhìn thấy cảnh các chiến sĩ Việt Nam bơ phờ vất vả trèo rừng lội suối đi tìm di cốt đồng đội quân tình nguyện tại Campuchia - đã 30 năm rồi công việc vẫn chưa hoàn tất - chúng ta thật khó cầm nước mắt. Giá mà... bọn đồ tể Khơme đỏ 30 năm trước không được các thế lực nào đó ở nước ngoài ủng hộ và chi viện, thì biết bao người chiến sĩ bộ đội Việt Nam đã không phải ngã xuống vùng biên giới Campuchia - Thái Lan hay tại biên giới Việt Trung năm 1979!

Giá mà... Giá mà… Lịch sử không có giá mà. Tuy nhiên, hai chữ "Giá mà" luôn có giá trị trường tồn, cần từ đó xử lý các mối bang giao trong quan hệ quốc tế, trước mắt là trong các điểm nóng nhất thế giới ngày nay: Biển Đông với mưu đồ đường chín đoạn sai lầm và phi lý của Trung Quốc, biên giới Trung - Ấn, cuộc đấu tranh Trung- Nhật tranh chấp mấy hòn đảo đá…

Giá mà... Lịch sử không có giá mà. Tuy nhiên, mọi người chúng ta ai cũng có nghĩa vụ phải chung sức ngăn ngừa hoặc thúc đẩy những hành động của ai đó, đừng để các thế hệ sau phải đau buồn chép miệng: Giá mà.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dư luận hoan nghênh quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba
Dư luận hoan nghênh quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

VOV.VN - Dư luận cộng đồng Cuba ở Mỹ hoan nghênh quyết định này.

Dư luận hoan nghênh quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

Dư luận hoan nghênh quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

VOV.VN - Dư luận cộng đồng Cuba ở Mỹ hoan nghênh quyết định này.

Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba: Bước đột phá lịch sử
Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba: Bước đột phá lịch sử

Ngày 18/12 (giờ Hà Nội), Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng có bài phát biểu trên truyền hình về bước đội phá trong quan hệ 2 nước.

Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba: Bước đột phá lịch sử

Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba: Bước đột phá lịch sử

Ngày 18/12 (giờ Hà Nội), Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng có bài phát biểu trên truyền hình về bước đội phá trong quan hệ 2 nước.

Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba: Những bước đi cụ thể
Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba: Những bước đi cụ thể

VOV.VN - Mỹ cho biết hai nước đang thảo luận về khả năng nâng cấp tại cuộc đối thoại về vấn đề nhập cư sắp tới, tạo tiền đề để đề cập các vấn đề khác.

Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba: Những bước đi cụ thể

Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba: Những bước đi cụ thể

VOV.VN - Mỹ cho biết hai nước đang thảo luận về khả năng nâng cấp tại cuộc đối thoại về vấn đề nhập cư sắp tới, tạo tiền đề để đề cập các vấn đề khác.

Mỹ - Cuba thảo luận nối lại dịch vụ bưu chính trực tiếp
Mỹ - Cuba thảo luận nối lại dịch vụ bưu chính trực tiếp

(VOV) - Mỹ và Cuba sẽ thảo luận khả năng khôi phục dịch vụ bưu chính trực tiếp giữa 2 nước sau gần 50 năm Mỹ bao vây cấm vận Cuba.

Mỹ - Cuba thảo luận nối lại dịch vụ bưu chính trực tiếp

Mỹ - Cuba thảo luận nối lại dịch vụ bưu chính trực tiếp

(VOV) - Mỹ và Cuba sẽ thảo luận khả năng khôi phục dịch vụ bưu chính trực tiếp giữa 2 nước sau gần 50 năm Mỹ bao vây cấm vận Cuba.

Ý nghĩa thực sự của cái bắt tay lịch sử Mỹ - Cuba
Ý nghĩa thực sự của cái bắt tay lịch sử Mỹ - Cuba

VOV.VN - Liệu đây có phải là dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba hay không thì vẫn chưa ai rõ.

Ý nghĩa thực sự của cái bắt tay lịch sử Mỹ - Cuba

Ý nghĩa thực sự của cái bắt tay lịch sử Mỹ - Cuba

VOV.VN - Liệu đây có phải là dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba hay không thì vẫn chưa ai rõ.

Mỹ, Cuba nhất trí đối thoại về vấn đề di trú
Mỹ, Cuba nhất trí đối thoại về vấn đề di trú

(VOV) - Có thể xem đây là một quyết định tích cực nữa cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang dần tan băng.

Mỹ, Cuba nhất trí đối thoại về vấn đề di trú

Mỹ, Cuba nhất trí đối thoại về vấn đề di trú

(VOV) - Có thể xem đây là một quyết định tích cực nữa cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang dần tan băng.

Thêm một dấu hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Cuba
Thêm một dấu hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Cuba

VOV.VN - Các quan chức Mỹ và Cuba đã bắt đầu thảo luận về việc thực hiện các hiệp định di trú giữa hai nước ký năm 1994 và 1995.

Thêm một dấu hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Cuba

Thêm một dấu hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Cuba

VOV.VN - Các quan chức Mỹ và Cuba đã bắt đầu thảo luận về việc thực hiện các hiệp định di trú giữa hai nước ký năm 1994 và 1995.

Giáo hoàng Francis - Người đứng sau thỏa thuận lịch sử Mỹ - Cuba
Giáo hoàng Francis - Người đứng sau thỏa thuận lịch sử Mỹ - Cuba

VOV.VN - Giáo hoàng Francis lên tiếng chúc mừng quyết định lịch sử nhằm hướng tới bình thường hóa quan hệ của Mỹ và Cuba.

Giáo hoàng Francis - Người đứng sau thỏa thuận lịch sử Mỹ - Cuba

Giáo hoàng Francis - Người đứng sau thỏa thuận lịch sử Mỹ - Cuba

VOV.VN - Giáo hoàng Francis lên tiếng chúc mừng quyết định lịch sử nhằm hướng tới bình thường hóa quan hệ của Mỹ và Cuba.