Hàng Tết và câu chuyện bình ổn giá
VOV.VN -Để hàng bình ổn giá đến được đúng đối tượng thì các doanh nghiệp tham gia chương trình phải rất chủ động và linh hoạt.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sẽ về với mọi gia đình. Vì vậy, đây là thời điểm mua sắm cấp tập của mọi nhà, mọi người để mong đón một cái Tết đủ đầy, tươm tất. Do vậy, thời điểm này mà giá cả hàng hóa có thể tăng đột biến. Đây chính là lúc chương trình bình ổn giá có thể phát huy hiệu quả nhưng không phải lúc nào và ở đâu chương trình này cũng làm được điều đó. Còn rất nhiều việc phải làm để “bình ổn giá” thực sự đến được với những đối tượng cần thiết.
Chương trình bình ổn giá do các địa phương triển khai đến nay đã được gần 10 năm. Chương trình này được thực hiện theo phương thức, địa phương cho doanh nghiệp vay tiền với lãi suất thấp, 0 - 3%, doanh nghiệp sử dụng vốn ưu đãi đó để mua hàng hóa cung ứng ra thị trường với mức giá phải thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm 10 - 15%.
Bình ổn giá dịp Tết là việc làm thiết thực (Ảnh chỉ mang tính minh họa cho bài viết) |
Thời gian đầu, hầu hết các doanh nghiệp đều làm được điều đó, và chương trình bình ổn giá đã phát huy được tác dụng bình ổn thực sự, đặc biệt là khi giá cả có những biến động bất thường. Tuy vậy, sau gần 10 năm, khi thị trường có nhiều biến đổi thì chương trình này đã bộc lộ những hạn chế đáng kể, dẫn tới một thực tế là giá một số loại hàng hóa nông sản tại các siêu thị tham gia bình ổn giá còn cao hơn cả giá thị trường. Ví dụ như giá trứng gà ta ở ngoài chợ chỉ 3.000 đồng/quả, nhưng ở các siêu thị tham gia bình ổn giá lên tới 4.400 đồng/quả. Hay giá rau cũng cao hơn giá bán lẻ ngoài chợ khoảng 10%.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến thực tế này như chi phí kinh doanh của siêu thị cao, hàng hóa nông sản lại chậm luân chuyển nên không theo kịp diễn biến thị trường, hay nhà cung cấp (chủ yếu là người nông dân) chưa tuân thủ đúng hợp đồng… Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là phương thức thực hiện đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Điểm yếu được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra là chương trình bình ổn giá đã được triển khai một cách dàn trải. Ở nhiều địa phương, vốn của chương trình này được rải ra cho rất nhiều loại hàng hóa như thịt, cá, trứng, rau, dầu ăn, gạo…. dẫn tới nguồn vốn dành cho chương trình này đã ít lại còn bị san sẻ nên không thể có tác dụng chi phối thị trường.
Thử làm một phép tính đơn giản, mỗi năm, Hà Nội dành ra khoảng 300 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá, trong khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thành phố là 5000 tỷ đồng. Như vậy, nếu san sẻ ra cho hàng chục doanh nghiệp với hàng chục mặt hàng khác nhau thì số tiền cho mỗi ngành hàng chẳng khác nào muối bỏ bể. Bởi vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần thay đổi chương trình bình ổn giá, theo hướng chuyên đề và linh hoạt. Ví dụ, sữa là mặt hàng có biến động giá thì toàn bộ vốn tập trung vào mặt hàng này để góp phần “ép” giá sữa xuống. Tương tự, cũng cần rà soát lại các mặt hàng được lựa chọn để bình ổn, tránh dàn trải và không phù hợp thực tiễn.
Ngoài ra, chương trình bình ổn giá cũng cần hướng đến những đối tượng cụ thể như công nhân trong các khu công nghiệp, nông dân, người lao động nghèo, sinh viên…
Để hàng bình ổn giá đến được đúng đối tượng thì bản thân các doanh nghiệp tham gia chương trình này phải rất chủ động và linh hoạt. Ví dụ như ở TPHCM, các doanh nghiệp tổ chức khoảng 700 chuyến bán hàng lưu động để đưa hàng hóa phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố, trong đó có những doanh nghiệp không vay vốn của Nhà nước nhưng vẫn tham gia chương trình bình ổn.
Đối với những địa phương mà thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả hàng hóa ít biến động hoặc các cơ quan chức năng có thể kiểm soát tốt thì nên mạnh dạn loại bỏ chương trình bình ổn giá để tránh phân tán nguồn vốn, như cách mà Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác đã làm trong 2 năm nay.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, chương trình bình ổn giá dịp Tết Giáp Ngọ 2014 sẽ hỗ trợ cả 3 đối tượng là nhà sản xuất, nhà phân phối và doanh nghiệp vận tải, lưu thông hàng hóa. Ngoài những điểm bán hàng cố định, sẽ có các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp.
Cùng với đó, các điểm bán hàng bình ổn không chỉ phục vụ trước và trong Tết mà còn kéo dài cả sau Tết để đảm bảo bình ổn giá bền vững. Nếu như những cách làm này được triển khai hợp lý song song với việc nắm vững thông tin từ thị trường và cách điều hành linh hoạt của Sở Công thương các địa phương, thì bình ổn giá sẽ phát huy hiệu quả bình ổn thực sự./.