Hãy trả lại sự trong sáng cho các lễ hội truyền thống!
VOV.VN -Các địa phương cần nghiêm túc tăng cường công tác quản lý, nhằm tiết kiệm ngân sách, khắc phục bệnh hình thức phô trương và các tệ nạn ăn theo lễ hội.
Lễ hội là hoạt động có ý nghĩa tích cực với đời sống tinh thần của con người, góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Thế nhưng, những năm gần đây, một số lễ hội đã bị biến tướng với các biểu hiện thương mại hóa, mê tín dị đoan, vụ lợi, gây bức xúc trong dư luận. Cảnh chen lấn xô đẩy, tranh giành, thậm chí là ẩu đả nhau để tranh giành lộc thánh xảy ra ở một số lễ hội đầu năm nay, thêm một lần nữa cho thấy cần phải siết chặt quản lý để lễ hội thực sự là sinh hoạt bổ ích, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Mùa Xuân là mùa của lễ hội. Người Việt Nam có thói quen đi hội đầu năm để thư giãn tinh thần, trút bỏ những nặng nề phiền muộn trong năm cũ, hy vọng về những điều tốt đẹp cho năm mới. Đi chùa để gửi một lời nguyện cầu bình an cho bản thân và gia đình, cho cuộc sống tốt đẹp là một nhu cầu chính đáng, cần tôn trọng. Nhất là trong xã hội hiện đại với nhiều đổi thay và bất trắc, thì nhu cầu ấy âu cũng là điều cần thiết. Thế nhưng, với một số người bây giờ, tâm linh đã biến thành một nhu cầu mang tính thực dụng.
Trong khi cảnh chen lấn xô đẩy xin ấn đền Trần vẫn chưa chấm dứt thì hành động ẩu đả cướp hoa tre lấy lộc thánh tại Hội Gióng mới đây là câu chuyện đáng xấu hổ ở một lễ hội được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Thành viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng: “Đó là sự lợi dụng truyền thống để thỏa mãn lòng tham và cuồng vọng cá nhân, chứ không có chút gì là văn hóa”. Không “kém cạnh” Hội Gióng, hình ảnh thanh niên vung dao cướp phết cầu may ở đình Đông Lai (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cũng thể hiện một bộ mặt xấu xí, khiến người dân thưởng lãm lễ hội thì ít, mà ngán ngẩm thì nhiều; rồi cảnh chen nhau đến ngất xỉu tại chợ Viềng (Nam Định) đêm mùng 7 vừa rồi... cũng khiến dư luận bức xúc.
Người đi chùa, đi hội thực dụng đã đành một nhẽ, tính thực dụng còn lan sang nhà tổ chức, nhà tài trợ cho lễ hội mới là điều đáng bàn. Lễ hội nào cũng cố mời cho được các vị lãnh đạo tới dự, theo kiểu lãnh đạo càng cao, lễ hội càng hoành tráng; Lợi dụng danh nghĩa đổi mới lễ hội, gắn lễ hội với phát triển du lịch, ở nhiều nơi, Ban tổ chức với những mức độ khác nhau đã áp đặt một số kịch bản có sẵn, làm mất tính chủ động, sáng tạo của người dân; tình trạng vật chất hóa “tiền giọt dầu”, tiền công đức. Hoạt động đổi tiền lẻ, đặt tiền cúng lễ khắp nơi, loạn hòm công đức... đã trở một thứ tệ nạn diễn ra tràn lan ở các lễ hội.
Dư luận đã từng nghiêm khắc cảnh báo về một trò chơi gây phản cảm cho cộng đồng là “trò chơi kỷ lục” ở các lễ hội truyền thống. Từ chuyện kỷ lục bánh chưng, bánh dày nặng hàng mấy tạ dâng lên các vua Hùng mấy năm trước, khiến những chiếc bánh này ôi thiu khi được dâng lễ trở thành trò bất kính, phản văn hóa. Mới đây, tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam dự kiến phục vụ 1.000 khách ở Sa Đéc đã phải đổ bỏ ngay sau khi được xác nhận kỷ lục, vừa phản cảm vừa lãng phí tiền bạc.
Hướng cộng đồng về lẽ thiện một cách vô tư trong sáng, văn hóa, tín ngưỡng không bao giờ đồng nghĩa với thực dụng và ích kỷ. Nói thế để thấy rằng, nếu thánh thần hiển linh, cũng không bao giờ phù hộ cho những ai muốn lợi dụng thánh thần để kiếm chức tước, mưu cầu lợi lộc cho riêng mình, bất chấp cộng đồng và cả những điều răn dạy thiêng liêng.
Sau Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cũng có công điện yêu cầu chấn chỉnh hoạt động lễ hội. Chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo này, tăng cường công tác quản lý, giảm tần suất tổ chức lễ hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Việc làm này nhằm tiết kiệm ngân sách, khắc phục bệnh hình thức phô trương và các tệ nạn ăn theo lễ hội, để lễ hội chỉ là sinh hoạt văn hóa truyền thống, thể hiện tính nhân bản, khát vọng dân chủ của người dân về một cuộc sống yên bình./.