Khi người bệnh là “thượng đế”!
VOV.VN -Chuyển đổi từ tư duy “ban ơn” sang “phục vụ” khách hàng cần có thời gian nhưng người bệnh mong các bệnh viện chú trọng hơn tới chăm sóc bệnh nhân...
Sau 62 năm phát triển, ngành Y Việt Nam có thể tự hào với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phát triển ngang tầm khu vực và thế giới. Với việc làm chủ nhiều kỹ thuật, công nghệ, đội ngũ thầy thuốc chuyên môn giỏi, rất nhiều người bệnh hiểm nghèo đã được chữa, cứu sống.
Thế nhưng, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra điều mà ngành y cần phải thực hiện, đó phải coi bệnh nhân là khách hàng quan trọng, cần được chăm sóc theo đúng nghĩa. Chuyển đổi từ tư duy “ban ơn” sang tư duy “phục vụ” khách hàng cần có thời gian, nhưng chắc chắn người bệnh mong càng sớm càng tốt để hành động phục vụ rõ nét hơn.
Theo góc độ thị trường, người bệnh khám chữa bệnh, trả phí dịch vụ thì có quyền đòi hỏi được nhân viên y tế thăm khám, điều trị tận tình. Ở nước ta, ngành y tế tính toán đến hết năm 2018, giá dịch vụ sẽ tiến tới tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai |
Từ nhiều năm nay, trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã được đánh giá tương đương các nước trong khu vực, thậm chí, nhiều kỹ thuật trong ngoại khoa, ghép tạng, sản khoa… được đánh giá ngang tầm các nước phát triển trên thế giới.
Song nói về các dịch vụ đi kèm thì chúng ta còn thua xa. Điều đó trả lời cho câu hỏi vì sao thời gian qua có hàng nghìn người Việt Nam vẫn đổ ra nước ngoài chữa bệnh, khiến mỗi năm nước ta mất đi nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỉ đô la. Nếu ngành Y tế quyết liệt hơn với việc thay đổi chất lượng dịch vụ, phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, 2 tỉ USD sẽ là con số đảm bảo để các bệnh viện lo được đời sống, thu nhập cho đội ngũ nhân viên y tế của mình.
Ở góc độ nghề nghiệp, tư duy coi bệnh nhân là khách hàng chính là thực hiện lời dạy của Bác Hồ với nhân viên y tế cách đây 62 năm, rằng “phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn”! Hơn lúc nào hết, ngành y tế đã thực sự thấy sự chuyển đổi tư duy từ “ban ơn” sang “phục vụ” có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi cơ sở y tế công lập, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối.
Trong quá trình chuyển đổi tư duy này, cả nước đã có hơn 6.000 nhân viên y tế bị kỷ luật, trong đó có hàng trăm người bị buộc thôi việc hoặc điều chuyển công tác vì các hành vi không đúng mực với người bệnh!
Ngành y là một ngành đặc biệt, đặt mục tiêu cứu người, vì người bệnh lên hàng đầu. Nói như người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc đổi mới phong cách, thái độ với mỗi cán bộ y tế là trách nhiệm phải thực thi! Và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng mong muốn, việc đổi mới phải xuất phát từ “tâm” mỗi cán bộ, nhân viên y tế chứ không chỉ dừng lại ở việc ký cam kết, thực hiện theo phong trào.
Từ sự quyết liệt đó, cho đến nay, 100% các bệnh viện trên toàn tuyến đều đã ký cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh! Số cuộc gọi phàn nàn về tinh thần, thái độ không đúng mực của nhân viên y tế đã giảm xuống còn dưới 1% trong tổng số hàng nghìn cuộc gọi về Bộ Y tế mỗi tháng!
Hiện nay, xã hội đều nhận thấy, thu nhập của thầy thuốc chưa tương xứng với trình độ, với công sức, đóng góp. Nhiều bệnh viện còn chật chội, quá tải, áp lực công việc đổ lên vai các thầy thuốc. Việc đổi mới tư duy, coi người bệnh là “thượng đế” thông qua tăng chất lượng dịch vụ, đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ sẽ là “chìa khóa” để y học Việt Nam sánh ngang tầm các nước về mọi phương diện.
Trong quý 1, quý 2 năm nay, 26 tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có cơ cấu thêm lương của nhân viên y tế vào giá này. Trong khoảng 1.900 dịch vụ được điều chỉnh, nhiều dịch vụ sẽ tăng giá từ 2 lần trở lên.
Lãnh đạo ngành y tế một lần nữa lên tiếng khẳng định, khi mà viện phí được điều chỉnh, việc làm hài lòng người bệnh tiếp tục được coi là nhiệm vụ “sống còn” của ngành y tế. Bởi với cơ chế tài chính hiện nay, nếu không có người bệnh, bệnh viện sẽ không thể tồn tại! Thật đáng mừng khi người đứng đầu Bộ Y tế đã có tư duy đổi mới, nhưng điều người bệnh mong mỏi hơn là vị thuyền trưởng ấy truyền được cảm hứng để cả hệ thống chuyển biến, hành động mạnh mẽ hơn nữa, để người bệnh thấy mình thực sự là “thượng đế” mỗi khi đến các cơ sở khám chữa bệnh trong tương lai gần.
Cái gốc là thay đổi tư duy, từ đó thay đổi hành động. Một khi tư duy phục vụ được thể hiện qua từng hành động cụ thể, thì bệnh nhân mới thực sự trở thành “thượng đế” ./.
Công việc của bác sĩ thú y cũng áp lực như chữa bệnh cho người
Vụ bác sĩ đòi chi hoa hồng: Hạ bậc thi đua, hạ chức, chuyển công tác