Khi ông Nguyễn Bá Thanh khuyên doanh nghiệp mạnh dạn đi kiện

(VOV) -Đây là thái độ dứt khoát trong nỗ lực chấn chỉnh tình trạng trì trệ của các cơ quan công quyền…

Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vừa tuyên bố “ủng hộ doanh nghiệp kiện cơ quan Nhà nước ra tòa nếu những cơ quan này không làm tròn trách nhiệm, gây tắc trách, thiệt hại cho doanh nghiệp”. Đây được xem là thái độ dứt khoát của người đứng đầu một địa phương trong nỗ lực chấn chỉnh tình trạng trì trệ của các cơ quan công quyền, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ công chức trong quan hệ với người dân và doanh nghiệp.  

Lẽ thường, với lãnh đạo một địa phương, đơn vị, không ai muốn trong phạm vi quản lý của mình xảy ra nhiều vụ kiện tụng. Nếu có, họ cũng ém nhẹm đi vì ai lại “vạch áo cho người xem lưng”(!). Thế nên khi ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khuyến khích doanh nghiệp khởi kiện cơ quan Nhà nước, thì nhiều người rất ngạc nhiên, vì cho rằng đây là chuyện chẳng bình thường.

Với một người lãnh đạo có tiếng là quyết đoán, dám nghĩ dám làm, luôn ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn chân chính như ông Nguyễn Bá Thanh, thì thật khó có thể chấp nhận được trong thành phố do mình lãnh đạo lại có chuyện một doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nộp hơn chục tỷ đồng tiền sử dụng đất từ 2 năm trước, mà đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Nguyên nhân chỉ vì cơ quan chức năng của thành phố đã chưa làm tròn trách nhiệm, còn vòng vo né tránh, một mảnh đất đem cấp cho 2 nơi, chưa quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp. 

Không chỉ có vậy, mấy ngày qua, tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng, ông Nguyễn Bá Thanh lại tiếp tục thể hiện thái độ không khoan nhượng với tình trạng trì trệ của hệ thống hành chính khi đã truy đến cùng người đứng đầu các Sở, ngành của thành phố để tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội.

Từ những chuyện to lớn của thành phố như các biện pháp hạ lãi suất ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thu ngân sách, vấn đề nhập cư vào nội thành cho đến tình trạng tội phạm cướp giật, việc chấn chỉnh dạy thêm học thêm, dạy bơi cho học sinh tiểu học, lắp đặt camera giám sát để sẵn sàng loại khỏi hàng ngũ nếu phát hiện cảnh sát giao thông nhận hối lộ... Tất cả đều được ông đặt lên bàn nghị sự rồi quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với lãnh đạo các Sở, ngành của thành phố.

Cung cách điều hành dứt khoát, mà nói theo cách của ông là: "Phải có hiệu quả cụ thể, chứ không làm việc theo kiểu hô khẩu hiệu” đã phần nào làm thỏa mãn sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Đặt trong bối cảnh nhiều địa phương tiến hành kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm, cũng tổng kết đánh giá, cũng có chất vấn, có trả lời; cũng giơ tay biểu quyết chỉ tiêu nọ, chỉ tiêu kia, nhưng cử tri dường như vẫn chưa thỏa mãn mà lý do là một số đại biểu, lãnh đạo sở ngành còn vòng vo né tránh, những nghị quyết còn chung chung về những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, thì cách làm của ông Nguyễn Bá Thanh lại được nhiều người ủng hộ. Ông đã mạnh dạn đem bộ máy hành chính ra soi qua lăng kính nhân dân, lấy sự hài lòng của dân làm thước đo sự mạnh yếu của các cơ quan công quyền.    

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Cán bộ cách mạng là công bộc, là đày tớ của nhân dân”. Gọi là “công bộc” vì anh là cán bộ Nhà nước, làm việc công để phục vụ nhân dân - những người đã tin tưởng bầu cho mình. Bác còn dặn: “Người làm việc cho dân phải cần- kiệm- liêm- chính- chí công -vô tư”. Tức là phải “phục vụ dân chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân”, không để dân phàn nàn. 

Một khi người dân nộp thuế để trả lương cho bộ máy công quyền, họ có quyền ra đề bài và kiểm tra mức độ hoàn thành của bộ máy đó. Vì vậy, nêu cao tinh thần trách nhiệm công chức, công vụ là cách để bộ máy công quyền làm hài lòng dân. Đó là cách tốt nhất để xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh, hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân ủy thác.

Vì lẽ đó, khuyến khích người dân và doanh nghiệp đi kiện nếu xác định cơ quan Nhà nước nhũng nhiễu hoặc làm sai với dân, gây thiệt hại cho dân và doanh nghiệp cũng là một cách để chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong việc thực hiện nghĩa vụ công bộc với dân.

Một ý kiến chưa hài lòng của dân, dù được phản ánh trực tiếp ở cơ sở hay qua ý kiến của đại biểu ở Hội đồng nhân dân, đều là những kênh thông tin giúp bộ máy Nhà nước các cấp soi lại mình, làm tròn chức năng của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt”
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt”

 “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt”

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt”

 “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.

Chuyện thú vị của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh
Chuyện thú vị của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh

“Khi lên chức, các đồng chí phải nghĩ rằng khi về hưu người dân sẽ nhớ đến mình đã làm được cái gì cho dân chứ không phải dân sẽ nhớ mình đã giữ được chức vụ gì”.  

Chuyện thú vị của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh

Chuyện thú vị của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh

“Khi lên chức, các đồng chí phải nghĩ rằng khi về hưu người dân sẽ nhớ đến mình đã làm được cái gì cho dân chứ không phải dân sẽ nhớ mình đã giữ được chức vụ gì”.