Làm gì để “công bộc của dân” phục vụ dân?
“Một số cán bộ hiện nay đi làm là để kiếm chác, lo cho lợi ích cá nhân chứ không lo cho dân, cho nước…”
Hơn 10 nay, trên phạm vi cả nước, Chính phủ đã có chương trình cải cách hành chính và cũng đã tiến hành chỉ đạo thực hiện lĩnh vực này. Nhưng đến nay vẫn chưa tạo được chuyển biến cơ bản, tức cũng chưa thực sự thành công, làm xuất hiện một loại mâu thuẫn hành chính - mâu thuẫn giữa chính quyền và nhân dân trong đời sống hành chính.
Nói về mâu thuẫn giữa công dân và chính quyền, cụ thể là bộ máy công quyền và đội ngũ công chức hành chính với nhân dân trong quá trình thực hành công vụ và giao tiếp hành chính, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải băn khoăn: “Chúng ta có bộ máy chính trị từ Trung ương đến cơ sở để lo cho dân, nhưng sao đi đâu tôi cũng nghe thấy người dân than phiền, trách móc. Từ vấn đề quy hoạch “treo” cho đến việc đền bù giải toả, tái định cư, thủ tục hành chính…”.
Dẫn chứng về vấn đề này, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải kể: “Tôi có một người bạn xây dựng căn nhà trên diện tích chỉ 40m2, mặc dù đã được cấp phép đầy đủ nhưng trong quá trình xây dựng anh bạn tôi đã phải tiếp 21 lần kiểm tra của các cơ quan chức năng”. Ông nói: “Tôi không dám nói hết, nhưng một số cán bộ hiện nay đi làm là để kiếm chác, lo cho lợi ích cá nhân chứ không lo cho dân, cho nước. Vì vậy, cần phải có cơ chế tăng cường kiểm tra chặt chẽ tất cả cán bộ, nếu không tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân sẽ còn tiếp tục xảy ra”.
Những tiêu cực như vừa nêu đang ngày càng lan rộng và nghiệm trọng.
Chính quyền là của dân, do dân và vì dân nhưng với phong cách hành xử quan liêu, gia trưởng như quan phong kiến thì chỉ hành dân là chính. Cậy quyền, cậy thế, không ít đội ngũ công chức đã quay lưng lại với lợi ích và quyền chính đáng, hợp pháp của người dân, không làm hết trách nhiệm và giúp đỡ nhân dân. Họ dựa vào thủ tục để gây khó, kiếm chác bổng lộc.
Có một thực tế khác rất đáng quan tâm: Theo một kết quả thống kê mới đây, hiện vẫn còn khoảng 25% cán bộ cấp cơ sở và 10% cán bộ cấp quận được bố trí không phù hợp với công việc. Điều này khiến một số bộ máy hành chính bị “ì”. Bởi chính thế, có người ví von rằng, hệ thống chính quyền của chúng ta giống như một cỗ xe đang chạy trên con đường gồ ghề, máy móc rất cồng kềnh, tốn rất nhiều xăng mà lại không đi được nhanh.
Rõ ràng, khuyết điểm từ chính trong hệ thống công quyền.
Nhìn từ khía cạnh khác, công dân, nhân dân có tâm lý cam chịu, nhiều khi muốn được việc và đỡ mất thời gian vô lý đã vô tình góp phần “làm hư” cán bộ công quyền. Họ nhờ cậy công chức thân quen, hoặc dùng vật chất “bôi trơn bộ máy”.
Điều đáng nói là cả hai phía không chỉ thể hiện ở bề mặt hành chính, hay ở lợi ích thực dụng phía sau mà đã thành thói quen vô thức, chiều sâu.
Từ đây mới thấy, khâu đột phá trong cải cách hành chính phải bắt đầu tư khâu cán bộ. Một kết quả của đề tài nghiên cứu do Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ đã chỉ ra rằng, đã đến lúc cần phải phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hành vi của công chức khi thực thi công vụ.
Theo đó, mỗi công vụ phải được giao những nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm và thẩm quyền rõ ràng. Trước hết là thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước phải kiểm tra chặt chẽ việc mỗi công chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; xây dựng thể chế để nội bộ tự kiểm tra lẫn nhau.
Điều quan trọng hơn là có cơ chế và thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị và chức phận của mỗi công chức, trước hết là những công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Có thể thông qua hình thức hòm thư góp ý, điện thoại trực tiếp cho thủ trưởng cơ quan, thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Cơ quan có bộ phận xem xét, xử lý và trả lời khi có ý kiến phản ảnh của dân, doanh nghiệp. Đồng thời phải xem xét, xử lý nghiêm đối với công chức vi phạm đạo đức công vụ qua ý kiến phản ảnh đúng của dân.
Có chính sách khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh cả về vật chất và tinh thần. Chính sách phải khuyến kích phát triển tài năng, để công chức luôn rèn luyện phẩm chất, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, thật sự “sinh vì nghiệp, tử vì nghiệp” và tiến thân theo con đường chức nghiệp. Khắc phục tình trạng khuyến khích thăng tiến bằng con đường quan chức, tạo cho một bộ phận công chức lo lót để thăng tiến mà ít chăm lo thăng tiến bằng con đường chức nghiệp, trong khi đất nước ta đang rất thiếu một đội ngũ chuyên gia lành nghề.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, tác giả cuốn sách Đổi mới nội dung hoạt động các cấp chính quyền địa phương trong kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, cho rằng cần tham khảo kinh nghiệm của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tại đó giám đốc quản lý đội ngũ công nhân, nhân viên rất chặt chẽ, thưởng phạt nghiêm minh.
Một công nhân sơ suất trong quy trình sản xuất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, một nhân viên bán hàng với thái độ không tốt với người mua, ảnh hưởng đến chữ tín của doanh nghiệp sẽ bị trừ lương hoặc bị sa thải. Vì chữ tín của doanh nghiệp quyết định chính sự sống còn của họ. Song cần phải hiểu rằng, chữ tín của cơ quan công quyền còn quan trọng hơn thế nhiều.
Điều đáng tiếc là nhiều công chức làm mất chữ tín của cơ quan công quyền nhưng chúng ta vẫn bỏ qua hoặc quá nương nhẹ nên khó có trật tự, kỷ cương trong bộ máy công quyền và việc hành dân, hành doanh nghiệp, tắc trách trong thi hành công vụ vẫn là điều được nhiều người quan tâm và lo ngại.
Hơn ai hết, người đứng đầu có quyền lực quyết định đối với đội ngũ công chức. Vì vậy, cơ quan, đơn vị nào để công chức gây phiền hà phải chịu trách nhiệm. Chỉ khi đó, “công bộc của dân” ăn cơm, mặc áo của dân mới phục vụ dân./.