Việt Nam trong tuần:

Ngày đầu cấm ô tô trên tuyến huyết mạch: Nhiều tài xế phớt lờ lệnh cấm

VOV.VN -Nghi án Phó phòng Bộ Công Thương nhận tiền "lót tay" của DN; diễn biến xung quanh vụ ba trẻ tử vong... là những tin tức nổi bật được dư luận quan tâm trong tuần

Phớt lờ lệnh cấm, nhiều ô tô vẫn đi vào tuyến phố huyết mạch

Bắt đầu từ 30/8, Hà Nội cấm các phương tiện ô tô (trừ xe bus, xe cứu thương, xe làm nhiệm vụ) lưu thông qua rào chắn thi công nhà ga số 6 (từ ngã tư đường Xuân Thủy cắt đường Phạm Hùng và đường Phạm Văn Đồng) đến nhà ga số 7, đường Cầu Giấy (ngã ba Cầu Giấy - Chùa Hà).

Thời gian rào chắn dự kiến đến cuối tháng 11/2014.  

 

Mặc dù Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chính thức cấm ô tô lưu thông vào khu vực tuyến đường Cầu Giấy trong sáng 30/8 nhưng nhiều ô tô vẫn phớt lờ lệnh cấm đi qua tuyến phố đã có biển báo cấm xe.

Tại nút giao Cầu Giấy - Trần Đăng Ninh chỉ trong vòng từ 10 giờ 30 phút tới 11 giờ trưa nay có hàng chục lượt ô tô các loại 4 chỗ, 7 chỗ thậm chí xe tải hạng nhỏ đi vào làn đường đã cấm phương tiện di chuyển.

Thậm chí ngay cả khi lực lượng cảnh sát giao thông có mặt ở chốt, có trường hợp vẫn cố tình di chuyển qua. Khi cảnh sát giao thông dừng xe, hầu hết các chủ phương tiện đều ngỡ ngàng cho rằng “chưa biết quy định”.

Trong tuần  còn có những tin tức nổi bật được dư luận quan tâm gồm: Chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nghi vấn Phó phòng Bộ Công Thương nhận tiền "lót tay"; Thực hư con số 10.000 lao động Trung Quốc vào Vũng Áng; Diễn biến vụ 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch; Kết thúc điều tra bổ sung vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng... 

Thúc đẩy quan hệ chiến lược Việt - Trung lành mạnh, ổn định

>> Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh thăm Trung Quốc
>> Ngày đầu chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng Bí thư đến Trung Quốc
>> Mục đích chuyến thăm Trung Quốc của Đặc phái viên Tổng Bí thư

Ngày 27/8, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc. Hai bên cùng nhất trí tuân thủ nguyên tắc kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp;  Hai bên cùng nhất trí tuân thủ nguyên tắc kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hoà bình, ổn định trên Biển Đông.


Đồng chí Lê Hồng Anh (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 

Về vấn đề trên biển, đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ trước khó khăn, căng thẳng xảy ra trong quan hệ Việt – Trung vừa qua, lãnh đạo cấp cao hai nước cần trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao và “Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, kiên trì đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển theo tinh thần dễ trước khó sau, cố gắng tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; đồng thời tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên…

Bộ Công Thương sẽ mở rộng điều tra vụ cán bộ bị nghi nhận tiền "lót tay"

>> Đình chỉ Phó phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng 
>> Video: Nghi án cán bộ Bộ Công Thương nhận tiền lót tay tại trụ sở? 

Vừa qua, VOV.VN nhận được đoạn video tố cáo bà Phạm Thanh Hương – Phó trưởng phòng – Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng công khai nhận tiền “lót tay” của doanh nghiệp ngay tại văn phòng làm việc.

Mỗi doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất nhập khẩu tại văn phòng này phải nộp một khoản lệ phí không có trong qui định với mức từ 50.000 đến 500.000 đồng/bộ hồ sơ, bất kể là doanh nghiệp đã nộp đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo qui định.

Ngoài ra, nếu hồ sơ có sai sót thì phải có khoản lót tay riêng. Đoạn video cho thấy hành vi đưa tiền và nhận tiền diễn ra rất công khai, phổ biến.


Trả lời câu hỏi của báo chí về  clip này, ông Đỗ Thắng Hải cho biết: Trước mắt đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với bà Phạm Thanh Hương.

 “Bộ Công Thương đã cử 1 đoàn công tác gồm Thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Xuất nhập khẩu để nghe báo cáo tình hình. Dựa vào video, đoàn kiểm tra đã tìm được 2 doanh nghiệp, và hai doanh nghiệp này có nói đó là tiền lệ phí làm CO. Tôi đã có trong tay biên bản xác minh sự việc. Đây mới chỉ là xác minh bước đầu. Chúng tôi sẽ mở rộng và làm tổng thể, làm lại cả quá trình, tìm hiểu một cách khách quan nhất” – ông Đỗ Thắng Hải nói.

Như Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói, đây mới là thông tin ban đầu của Bộ, chưa phải kết luận cuối cùng. VOV.VN sẽ chờ kết luận điều tra chính thức của Bộ Công thương, trên cơ sở đó sẽ có thông tin tiếp theo về vụ việc này.

Thực hư con số 10.000 lao động Trung Quốc vào Vũng Áng

Thời gian gần đây, báo chí đưa tin các nhà thầu Trung Quốc sẽ tuyển 10.000 lao động từ Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam, trong khi lao động ở nước ta đang thiếu việc làm, ít nhất là lao động từ Libya trở về…

 
Thông tin gần 10.000 lao động nước ngoài chuẩn bị vào làm việc tại Dự án Formosa của tỉnh Hà Tĩnh là không xác thực

Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều 28/8, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định thông tin gần 10.000 lao động nước ngoài chuẩn bị vào làm việc tại Dự án Formosa của tỉnh Hà Tĩnh là không xác thực.

Trả lời câu hỏi của đông đảo phóng viên báo chí liên quan đến việc Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa và các nhà thầu đang đầu tư xây dựng tại khu kinh tế Vũng Áng xin tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận số lượng gần 10.000 lao động nước ngoài, trong đó 90% là lao động Trung Quốc vào làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, tính đến ngày 21/08/2014 đã có 34.161 lao động đang làm việc tại các dự án ở Khu kinh tế Vũng Áng. Trong số này, có 3.547 lao động là người nước ngoài, gồm 1.913 người Trung Quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Các nhà thầu đang đề xuất thêm khoảng 2.700 chỉ tiêu mới nhưng chưa được chấp thuận. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước nói chung cấp phép cho từng nhà thầu đang được thực hiện nghiêm túc, quản lý lao động nước ngoài và tình hình cập nhật được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý hết sức chặt chẽ.

Giá xăng giảm lần thứ 3 trong tháng 8

Giá xăng giảm tiếp 470 đồng/lít từ 12h trưa ngày 29/8 và đây là lần giảm thứ 3 trong tháng 8, theo phương án điều hành của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Tuy giá xăng đã nhiều lần giảm, nhưng giá hàng hóa không chịu giảm theo, dù khi giá xăng tăng thì giá hàng hóa tăng với lý do tăng giá xăng....

Diễn biến vụ 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch

>> 3 trẻ tử vong ở Khánh Hòa: Nhiều câu hỏi đặt ra
>> Vụ 3 trẻ tử vong: Trung tâm OSCA có nhiều sai sót
>> Y tế Khánh Hòa rút kinh nghiệm sau vụ 3 trẻ tử vong
>> Vụ 3 trẻ tử vong: Giám đốc OSCA là ông chủ thẩm mỹ viện làm chết người

Ngày 28/8, Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ việc ba trẻ tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí. Hội đồng chuyên môn kết luận, vụ tử vong có liên quan đến gây mê. 

Trước đó, ngày 22/8, trong chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị hở hàm ếch do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA - Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Quân y 87, Khánh Hòa tổ chức cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận đã có 3 trẻ bị tử vong. 

Ngay sau đó, tối 25/8, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị liên quan và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa lập Hội đồng chuyên môn đánh giá tai biến cũng như quy trình phẫu thuật và cấp cứu.

Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa để tiếp tục điều tra nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của các bên trong vụ việc này. 

Tăng chuyến, xử lý nạn “hét giá” vé xe dịp nghỉ lễ 2/9

>> Giá vé xe dịp nghỉ lễ 2/9 tăng từ 30 - 40%

Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo giá vé xe ổn định, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đi lại thuận tiện, tiết kiệm trong đợt nghỉ lễ 2/9.


Trong khi đó, việc tăng giá vé đã xuất hiện ở một số bến xe tại TP. HCM. Theo quy định của Sở GTVT Thành phố, trong kỳ nghỉ lễ lần này, các hãng xe có quyền được tăng 30% giá vé so với ngày thường. Và, các hãng xe đều tăng tối đa kịch trần theo quy định này dù quãng đường dài hay ngắn.

Đặc biệt, một số xe dù còn có thể tăng tới 40% nhưng người dân vẫn chấp nhận vì nhiều hãng xe đều hết vé.

Kết thúc điều tra bổ sung vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng

>> Đã tìm thấy xác nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường
>> Tình tiết chưa từng công bố trong vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân
>> Bác sĩ vứt xác bệnh nhân quyết phẫu thuật vì... thương hiệu
>> Bác sĩ vứt xác phi tang đã phẫu thuật thủ công cho nạn nhân?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng luật sư Nguyễn Anh thông tin, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã kết thúc điều tra bổ sung theo yêu cầu của HĐXX, TAND TP Hà Nội đối với vụ án bác sĩ vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng. Ông Thơm là luật sư chỉ định bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Đào Quang Khánh – bảo vệ của Thẩm mỹ viện Cát Tường.

Theo đó, cơ quan điều tra tiếp tục đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố bị cáo Nguyễn Mạnh Tường – cựu Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường hai tội danh: “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 3, điều 242, Bộ luật hình sự và “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2, điều 246, Bộ luật hình sự.

Bị cáo Đào Quang Khánh bị đề nghị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo khoản 2, điều 246, Bộ luật hình sự và “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1, điều 138, Bộ luật hình sự.

 

Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại cơ quan điều tra

Trước đó, ngày 14/4/2014, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh về các tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt; Trộm cắp tài sản”.

Do có một số vấn đề phát sinh về chuyên môn mà HĐXX không thể giải quyết được tại phiên tòa, nên HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Điều đáng nói ở vụ án bác sĩ vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng, thi thể của bị hại Lê Thị Thanh Huyền bị mất tích dù cơ quan chức năng và gia đình ra sức tìm kiếm. Tuy nhiên, ngày 18/7 vừa qua, thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã được tìm thấy ở bến đò Văn Đức (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) sau gần 10 tháng kể từ khi vụ án xảy ra.

Theo luật sư Thơm, theo kết luận điều tra không có cơ sở để xác định nguyên nhân chết của chị Lê Thị Thanh Huyền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên