Nghề của lòng nhân ái
(VOV) - Người thầy thuốc vừa có tài năng vừa có lòng nhân ái là mong mỏi của cả xã hội với nghề nghiệp cao quý này.
Hải Thượng Lãn Ông từng nói “Thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, họa phúc một tay mình giữ”. Để trở thành một bác sỹ giỏi, con đường mà người thầy thuốc đi qua trải đầy gian truân với những hy sinh thầm lặng. Sau khi ra trường, một bác sỹ khó trở thành thầy thuốc giỏi nếu ngày ngày không được cọ xát chuyên môn, tiếp xúc với các ca bệnh và liên tục học hỏi những kỹ năng, kỹ thuật mới.
Nỗ lực, hy sinh như vậy nhưng họ chưa được đãi ngộ, hưởng thụ xứng đáng. Hầu hết các y bác sỹ, nhất là y bác sỹ tuyến cơ sở hiện nay chỉ có thu nhập khiêm tốn từ hai đến vài triệu đồng/tháng, trong khi họ cũng có mọi nhu cầu như những người khác, nên gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.
Đã chọn nghề y thì khám chữa bệnh cứu người là bổn phận và trách nhiệm rồi, đừng đòi hỏi bệnh nhân nhớ tới mình khi làm công việc đầy nhân ái này một cách vô cảm, cho xong việc. Đành rằng trong thời buổi kinh tế thị trường, ngành y có không ít “con sâu làm rầu nồi canh” khi chỉ trực chờ vào các khoản thu nhập không chính đáng từ nghề nghiệp, có cả thu nhập ngoài nghề nghiệp.
Nhiều gia đình đã rơi nước mắt, khi chứng kiến người thân của mình nằm viện được bác sỹ chăm sóc, điều trị tận tình như người thân thiết, ruột thịt trong gia đình (Ảnh: MD) |
Không ít trường hợp thiếu tận tâm, tận lực với công việc nên chỉ riêng năm 2012, các cơ sở y tế cả nước đã để xảy ra nhiều ca tai biến sản khoa, nhiều sơ suất chuyên môn dẫn đến hậu quả đau lòng, gây bất bình cho gia đình người bệnh và xã hội.
Thế nhưng, cũng trong thời buổi kim tiền ấy vẫn có ngày càng nhiều bác sỹ cấp cứu thành công cho hàng nghìn bệnh nhân, mà không nhận phong bì cảm ơn, dù đó là sự biết ơn chân thành. Có bác sỹ sẵn sàng bỏ tiền túi để mua thuốc khi thấy gia cảnh bệnh nhân quá nghèo. Có những người nhận quà cám ơn của bệnh nhân sau điều trị, nhưng dùng toàn bộ số tiền ấy góp vào quỹ chung để lo cho những bệnh nhân khốn khó còn điều trị dài ngày. Nhiều gia đình đã rơi nước mắt, khi chứng kiến người thân của mình nằm viện được bác sỹ chăm sóc, điều trị tận tình như người thân thiết, ruột thịt trong gia đình.
Cũng trong thời buổi kim tiền ấy vẫn có ngày càng nhiều bác sỹ từ chối các cơ hội kiếm tiền ngoài giờ tại các phòng khám tư, các bệnh viện quốc tế để dành thời gian tự học, tự nghiên cứu. Nếu không như vậy thì ngành y nhiều năm qua làm gì có những thành tựu như can thiệp tim mạch, ghép tạng, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, nhãn khoa, thụ tinh trong ống nghiệm... ngang tầm với khu vực và thế giới.
Hiện nay, có không ít người trong ngành y coi tiêu chuẩn thành công của nghề nghiệp là cuộc sống sung túc, thu nhập làm thêm lên đến hàng trăm triệu đồng một tháng. Nhưng cũng có nhiều thầy thuốc giỏi, liên tục cống hiến và khẳng định tài năng trong nghề. Họ luôn luôn tâm niệm rằng, nếu mình không tin tưởng, gắn bó với nghề thì làm sao người bệnh tin tưởng vào thày thuốc? Song cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, những người nghĩ được như vậy đang có xu hướng trở thành thiểu số.
Vậy nên, trong ngày thày thuốc hôm nay chúng tôi thấy cần nhắc lại lời dạy của Bác Hồ, đó là “Lương y như từ mẫu”. Mong rằng các y bác sỹ, nhất là những người trẻ hôm nay khắc ghi để trau dồi, rèn luyện, coi đó như đòi hỏi tất yếu của nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Bởi, nghề y dù ở bất cứ thời kỳ nào cũng là nghề của tài năng và lòng nhân ái./.