“Nhịp đập” của tiến trình dân chủ

(VOV) -Quốc hội đang bàn về việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là nội dung phù hợp với tiến trình thực hiện dân chủ.

Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của một xã hội văn minh. Ở mỗi quốc gia, tiến trình dân chủ được thực hiện, phát triển ở các cấp độ cũng như hình thái khác nhau.

Nó phụ thuộc vào các yếu tố về thể chế chính trị cũng như về đặc điểm tình hình, tập quán văn hoá, điều kiện kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của mỗi nước.

Tuy ở xuất phát điểm khác nhau nhưng mỗi quốc gia luôn hướng đến dân chủ, lấy dân chủ làm tiêu chí, làm mục tiêu để thúc đẩy xã hội phát triển.

Dân chủ và nội hàm của nó sẽ cùng với xã hội và con người làm nên giá trị của những nấc thang trí tuệ và tinh thần, đồng thời dân chủ cũng là một thiết chế nhằm diễn đạt một xã hội mà ở đó sự minh bạch được biểu hiện bởi các định chế, chính sách nhằm tạo động lực để phát triển đất nước.

Đại biểu Quốc hội TP HCM thảo luận về lấy phiếu tín nhiệm (Ảnh: SGGP)

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII đang bàn định về việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đây là một nội dung phù hợp với tiến trình thực hiện dân chủ, đáp ứng với mong mỏi của xã hội.

Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hằng năm để đánh giá mức độ tín nhiệm làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ. Còn việc bỏ phiếu tín nhiệm là để đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm đối với cán bộ, làm cơ sở cho việc miễn nhiệm chức vụ người này khi không còn tín nhiệm.

Tờ trình nêu 5 trường hợp phải bỏ phiếu tín nhiệm đó là: Thứ nhất, là khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; thứ hai, khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; thứ ba, khi có kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội; thứ tư, người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; thứ năm, người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Xung quanh việc thẩm quyền và phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm; những căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm và thời điểm cũng như quy trình lấy phiếu tín nhiệm nêu trên, đang được Quốc hội bàn và quyết nghị trong kỳ họp này.

Mục đích của việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân giám sát người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Qua việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn nhận biết rõ sự đánh giá của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân về mức độ tín nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, mặt khác, qua việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm sẽ đáp ứng tốt hơn, chính xác hơn yêu cầu của công tác cán bộ; bổ sung căn cứ để thực hiện quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc, khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, quản lý những người không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tiếp cận việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm một cách khách quan, biện chứng và phải căn cứ vào tình hình thực tế cụ thể của đất nước, không để ai đó lợi dụng dân chủ để kích động, bôi nhọ, làm phương hại quan điểm, đường lối chính sách đúng đắn của ta, tạo cớ gây bất ổn xã hội.

Mặt khác, cũng cần đề phòng tình trạng nội bộ “mượn” dân chủ để đả kích, bè phái, tìm cách nói xấu, tung tin thất thiệt, hạ bệ nhau một cách thiếu nhân văn, không khách quan. Ngược lại, nếu chậm việc thực thi thiết chế dân chủ thì sẽ tạo ra sức ì cho sự phát triển của xã hội, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

Dân chủ cùng với nền tảng của dân trí và những thiết chế của nó sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đặc biệt là Quốc hội huy động được trí tuệ của các Đại biểu Quốc hội và các tầng lớp nhân dân trong xã hội tham gia vào những vấn đề trọng đại của đất nước như lập hiến, lập pháp; công tác cán bộ; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; những vấn đề về quốc kế dân sinh, an ninh quốc gia, an toàn xã hội....

Kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khoá XIII này đang bàn định việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu. Đây chính là giải pháp vừa biểu hiện vừa điều tiết “nhịp đập” của tiến trình dân chủ. Nếu “nhịp đập” quá nhanh cũng không tốt và nếu quá chậm thì dễ tạo nên hệ lụy nguy hại. Vì vậy mỗi đại biểu Quốc hội cần phải tập trung trí tuệ và bản lĩnh của mình góp phần để Quốc hội thực hiện và điều chỉnh “nhịp đập” của tiến trình dân chủ đúng với ý Đảng hợp với lòng dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Niềm tin và kỳ vọng vào lấy phiếu tín nhiệm
Niềm tin và kỳ vọng vào lấy phiếu tín nhiệm

(VOV) -Đây sẽ là thước đo tín nhiệm với những người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước.

Niềm tin và kỳ vọng vào lấy phiếu tín nhiệm

Niềm tin và kỳ vọng vào lấy phiếu tín nhiệm

(VOV) -Đây sẽ là thước đo tín nhiệm với những người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước.

Lấy phiếu tín nhiệm: Đại biểu phải thể hiện chính kiến
Lấy phiếu tín nhiệm: Đại biểu phải thể hiện chính kiến

(VOV) - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng không nên có lựa chọn “Chưa có ý kiến” trong phiếu lấy tín nhiệm.

Lấy phiếu tín nhiệm: Đại biểu phải thể hiện chính kiến

Lấy phiếu tín nhiệm: Đại biểu phải thể hiện chính kiến

(VOV) - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng không nên có lựa chọn “Chưa có ý kiến” trong phiếu lấy tín nhiệm.