Nông sản Việt muốn không thua thiệt thì phải chuyên nghiệp
VOV.VN - Thế giới giờ đây đã sang thời của “kinh tế sáng tạo”, nơi giá trị chất xám nằm trong các sản phẩm xuất khẩu rất nhiều.
Ảnh minh họa: Hoài Nam |
Điệp khúc “được mùa mất giá” diễn ra với nhiều loại nông sản của Việt Nam là hệ quả của một quá trình dài trì trệ, chậm đổi mới trong nông nghiệp. Đi cùng với đó, không tránh khỏi là nước mắt của hàng vạn nông dân, vừa đó thôi còn sung sướng vì niềm vui được mùa…
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng câu chuyện nông sản ùn ứ có nguyên nhân sâu xa từ việc người sản xuất chưa lắng nghe thị trường. Một thống kê gần đây cho thấy, tại thị trường châu Âu, người dân hiện chỉ còn dành khoảng 10% thu nhập cho các khoản chi tiêu cho lương thực, thực phẩm.
Đã qua rồi thời của “ăn chắc, mặc bền”, dễ dàng chấp nhận các sản phẩm nông sản giá rẻ; người tiêu dùng ở nhiều nước nhập khẩu giờ đã chuyển sang sử dụng những thực phẩm thực sự an toàn, bổ dưỡng và mang yếu tố văn hóa đặc sắc… Nếu biết “lắng nghe”, nông nghiệp Việt Nam sẽ biết điều chỉnh sản xuất, chẳng hạn tiến tới giảm diện tích trồng lúa, tăng nuôi trồng thủy sản sạch, tăng diện tích trái cây đặc sản gắn với thương hiệu vùng miền…
Thay vì mua nông sản giá rẻ, người tiêu dùng thế giới giờ đã sẵn sàng trả giá cao để có thực phẩm thực sự vì sức khỏe, môi trường và mang đậm tính văn hóa. Một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam từng sửng sốt khi một quả xoài bán tại Vancouver (Canada) có giá tới 20 USD nhưng xoài Việt Nam chưa đặt chân tới đó được! Và đó thực sự là điều đáng tiếc, trong khi tại nhiều tỉnh phía Nam, xoài chỉ được bán với giá 5.000-7.000 đồng/kg.
Có một thực tế là thế giới giờ đây đã sang thời của “kinh tế sáng tạo”, nơi giá trị chất xám nằm trong các sản phẩm xuất khẩu rất nhiều. Nếu xuất khẩu gạo thông thường để “cạnh tranh” với những con chip của chiếc điện thoại thông minh, chúng ta luôn ở thế không cân sức. Phải làm sao để những bao gạo Việt Nam đem xuất khẩu phải chứa đựng chất xám - sản phẩm của tư duy sáng tạo.
Nếu hiểu được người tiêu dùng thế giới chuộng nông sản tốt cho sức khỏe thì người trồng phải làm sao nghiên cứu ra những loại gạo mới giải quyết được những căn bệnh của thời kỳ công nghiệp như giảm được huyết áp cao, chống béo phì…Vấn đề còn lại là tổ chức như thế nào để đưa khoa học công nghệ vào nghiên cứu, sản xuất và gắn kết các chuỗi giá trị với nhau.
“Lắng nghe” thị trường còn để biết cách đưa yếu tố văn hóa vào trong nông sản xuất khẩu. Ai cũng biết phở Việt Nam là món ăn độc đáo làm từ gạo nổi tiếng cả thế giới, nhưng không phải ai cũng biết phát huy nó thành tinh hoa ẩm thực Việt. Chẳng hạn, để bán một tô phở Việt ở nước ngoài với giá gấp 10 lần trong nước, phải làm sao gạo làm ra bánh phở phải là gạo Việt Nam, cọng rau thơm, cọng hành đi theo nó cũng phải là của Việt Nam; thưởng thức bát phở ấy cũng phải trong một không gian mang đậm văn hóa Việt. Ấy là cách tạo giá trị gia tăng cho nông sản xuất khẩu từ nét đặc sắc của văn hóa.
Nói cho cùng, dư thừa nông sản có nguyên nhân từ việc người nông dân gần như phải tự xoay xở trong chuỗi nghiên cứu, cung ứng sản xuất giống - chế biến nông sản từ rất nhiều năm nay. Trong trồng trọt chăn nuôi, người nông dân biết cách tốt nhất để sản xuất nhưng lại không biết cách tốt nhất để đưa hàng hóa ra thị trường. Họ cần những doanh nghiệp và cả những nhà đàm phán chuyên nghiệp khi con cá, quả dưa mà họ chăm trồng bước ra thị trường thế giới.
Cái khó của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tái cơ cấu khi nông nghiệp nhiều nước đã tái cơ cấu từ lâu. Điều này đòi hỏi phải có một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tổ chức hơn, có doanh nghiệp tham gia và thực sự đưa công nghệ cao vào sản xuất. Chính sách cho nông nghiệp vì thế cũng phải thay đổi theo. Nếu trước đây là chính sách ưu tiên kinh tế hộ thì nay phải ưu tiên cho mô hình hợp tác, trang trại… Là doanh nghiệp chứ không ai khác sẽ giúp người nông dân gắn kết các chuỗi giá trị từ quy hoạch, sản xuất đến thị trường.
Toàn cầu hóa không chỉ cần những nhà đàm phán chuyên nghiệp. Toàn cầu hóa cần những nhà sản xuất được hướng dẫn kỹ năng biết “lắng nghe” thị trường để tạo giá trị riêng biệt cho hàng nông sản của mình ra thế giới. Và đó mới là cách làm chuyên nghiệp để không thua thiệt trong guồng quay toàn cầu hóa…/.