Pháp luật không thể mơ hồ
(VOV) -Sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải khắc phục những khiếm khuyết của Luật Đất đai hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của những quy định liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước. Đặc biệt là nguyên tắc định giá đất nhằm đảm bảo quyền lợi của người có đất bị Nhà nước thu hồi.
Việc chọn cách định giá theo nguyên tắc “sát với thị trường” hay “phù hợp với thị trường” sẽ quyết định rất lớn đến tính khả thi của pháp luật khi áp dụng vào cuộc sống. Bởi giá đất khi thu hồi, đền bù cho dân được xem là nút thắt, là nguyên nhân của hầu hết những vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong số hơn 1,22 triệu đơn thư khiếu nại tố cáo mà cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp nhận và xử lý trong vòng 7 năm, từ 2003 - 2010, đã có 70% liên quan đến đất đai. Thực tế các vụ việc khiếu nại, có cái đúng, cái sai, hoặc chỉ đúng một phần, nhưng rõ ràng, tình hình khiếu nại tố cáo của dân liên quan đến đất đai là rất nghiêm trọng.
Nhưng nghiêm trọng hơn là có đến một nửa số quyết định hành chính của các cơ quan Nhà nước bị sai, có những vụ tranh chấp đất đai kéo dài hàng chục năm vẫn chưa giải quyết xong, chứng tỏ chính sách pháp luật và thi hành pháp luật về đất đai có phần chưa hợp lý và chưa hiệu quả.
Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, đưa công tác quản lý, sử dụng đất đai đi vào nền nếp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.
Sự hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai còn hướng đến việc hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu nại, tranh chấp đất đai - vốn được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra bất ổn xã hội, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự gần đây. Trong đó, xác định giá đất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là nút thắt cơ bản cần phải tháo gỡ. Bởi quyền quản lý, sử dụng đất đai suy cho cùng, cũng phải được quy ra thành một giá trị cụ thể.
Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì “Giá đất do Nhà nước quyết định, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”. Tuy nhiên thế nào là “phù hợp thị trường”, và đó là thị trường nào thì chưa ai đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Bởi vậy mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng tình với khái niệm này, do Ban soạn thảo đưa ra.
Thực tế, tồn tại lớn nhất trong vấn đề đất đai hiện vẫn là giá đền bù cho dân có đất bị thu hồi. Hiện có nhiều loại giá đất: Giá đất lúc Nhà nước định giá trên sổ sách, giá đất lúc thu hồi, giá đất tính trên quy hoạch sử dụng đất, giá đất khi xây dựng dự án…
Người dân dễ dàng nhận ra giá đất mà họ được đền bù khi bị thu hồi với giá sau khi hình thành dự án, nhất là các dự án xây dựng khu đô thị, chênh nhau rất lớn, có khi hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần. Vì vậy, một khi chưa xác định rõ thị trường đất đai mà nói là “định giá phù hợp với thị trường” là một cách nói “mơ hồ”, dễ dẫn đến những cách hiểu, cách làm khác nhau; dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp, và một bộ phận thì lợi dụng để trục lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích. Mà lúc đó, phần thiệt, sẽ thuộc về người có đất bị thu hồi.
Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải khắc phục những khiếm khuyết của Luật Đất đai hiện hành, xác định đúng giá trị của đất đai, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất, nhất là trong công tác giải tỏa đền bù, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời cũng là để nhà đầu tư có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng đất được nhà nước giao sao cho hiệu quả nhất. Tránh tình trạng nhận đất rẻ rồi bỏ hoang, hoặc đầu cơ trục lợi.
Luật pháp không thể mơ hồ. Luật pháp phải đúng và rõ ràng, dễ hiểu để người dân dễ áp dụng. Nhà nước cũng dựa vào đó mà thực thi hiệu quả quyền quản lý đất nước của mình. Đó cũng chính là mục tiêu hướng đến của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.