Quyền của người tiêu dùng không phải là lời nói suông
(VOV) -Các cơ quan chức năng vẫn chỉ lặp lại khuyến cáo cũ: Người tiêu dùng hãy phấn đấu trở thành người tiêu dùng thông thái!.
Cách đây 30 năm, ngày 15/3 được Liên Hợp Quốc lựa chọn làm ngày Quốc tế người tiêu dùng. Ở Việt Nam, công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng từng bước được luật hóa, từ Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 trở thành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Tuy nhiên, có thể thấy, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống. Đây là một trong những điều kiện để Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn chủ đề cho ngày Quốc tế người tiêu dùng năm nay là: “Thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin có thể xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, hay còn gọi là mũ bảo hiểm giả. Mặc dù việc cấm lưu hành mũ bảo hiểm kém chất lượng là đúng, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, nhưng nếu lựa chọn người đi xe máy cũng là người tiêu dùng mua và sử dụng mũ bảo hiểm là đối tượng xử lý, thay vì xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh tràn lan khắp nơi, thì người tiêu dùng đang bị đối xử không công bằng.
Những mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ không được bày bán (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Không công bằng khi có quá ít thông tin về mũ đảm bảo quy chuẩn cũng như còn quá ít loại mũ phù hợp với khả năng tiêu dùng chung của xã hội để lựa chọn. Quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm phạm khi mua phải mũ kém chất lượng. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy, dù đã có một hành lang pháp lý được quy định bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng một loạt luật chuyên ngành khác như: Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Giá, Luật Cạnh tranh, Luật Điện lực, Luật Kinh doanh bảo hiểm…nhưng quyền lợi của người tiêu dùng vẫn không được đảm bảo.
Khi nhắc tới quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng vẫn chỉ lặp lại khuyến cáo cũ: Người tiêu dùng hãy phấn đấu trở thành người tiêu dùng thông thái! Nhưng liệu có trở thành thông thái được không, nếu như các quy định về giá, về chất lượng, về ghi nhãn hàng hóa, về điều kiện kinh doanh không được cụ thể hóa và tuyên truyền đến tận người tiêu dùng? Có thể thông thái được không, nếu như hầu hết doanh nghiệp đều bỏ qua các điều kiện đã được quy định rõ trong hệ thống các văn bản pháp luật, như đăng ký chất lượng, mẫu mã sản phẩm, ghi nhãn, niêm yết giá, bảo hành…?
Trong khi đó, gác cửa cho chất lượng các sản phẩm hàng hóa dịch vụ là cơ quan chức năng lại bị động trong nhiều thời điểm, thậm chí bất lực trước việc giá một số loại hàng hóa tăng mà không kiểm soát được. Chỉ tính riêng đối với mặt hàng sữa, nếu như các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các quy định đã được ghi trong các Nghị định 24 và 69 về công bố chỉ số chất lượng, thành phần, quảng cáo, ghi nhãn….thì chúng ta đã có thể loại trừ được những yếu tố tăng giá bất hợp lý. Từ đó có thể xử lý được những doanh nghiệp vi phạm, cố tình tăng giá sữa, giảm gánh nặng cho người tiêu dùng. Đến đây thì nhiều người đặt vấn đề: vì sao người tiêu dùng không đứng ra mà kiện cơ sở sản xuất? Thế nhưng, chính nhận thức của người tiêu dùng về quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình còn yếu. Chưa có một điều tra chính thức, nhưng mới đây, khi chúng tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn bỏ túi với 5 người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk thì chỉ có duy nhất một người nói là có nghe về quyền của người tiêu dùng, và biết mình có quyền được lựa chọn. Khi người tiêu dùng còn thụ động và thiếu kiến thức để bảo vệ chính mình, thì tình trạng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng bị xâm phạm vẫn còn kéo dài.
Thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cả một quá trình dài, không chỉ đơn thuần là thực hiện đúng các điều khoản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là phối hợp giữa các luật và quy định khác. Điều đó, người tiêu dùng dù có thông thái đến đâu cũng không thể tự làm, nếu không có sự phân định của các cơ quan chức năng, sự tư vấn của các công ty Luật cũng như sự hỗ trợ của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng không thể chỉ là công việc của một Bộ, ban, ngành mà thực sự phải là công việc chung của toàn xã hội. Trong đó, người tiêu dùng cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Để tự bảo vệ quyền lợi của mình, mỗi người tiêu dùng cần tự trang bị những kiến thức cơ bản nhất, cụ thể là 8 quyền và 2 nghĩa vụ đã được quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Mặt khác, sự đoàn kết giữa người tiêu dùng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm mới là điều kiện đủ để thực thi 8 quyền của người tiêu dùng, và cũng là một cách để thể hiện sức mạnh của người tiêu dùng, buộc doanh nghiệp, người kinh doanh phải có hành xử đúng đắn theo quy định của pháp luật./.