Sập cầu, hầm nứt, đường lún...và niềm tin
Đường lún, hầm nứt, nhà sập và vừa hôm qua là cầu sập chỉ sau 2 tuần sử dụng ở Long An, đang gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng công trình nói chung.
Câu hỏi được đặt ra là, chúng ta đã có cả một hệ thống quy phạm pháp luật về các tiêu chuẩn trong thi công, xây dựng công trình nhưng rồi tình trạng trên vẫn diễn ra.
Có một điểm chung ở tất cả các công trình, nơi xảy ra sự cố thời gian vừa qua, đó đều là các công trình (dù lớn hay nhỏ) sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc ODA. Các công trình tư nhân được giám sát chặt chẽ, chuyên nghiệp rất ít xảy ra sự cố.
Hiện trường cầu Vĩnh Bình, thuộc địa phận xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An bị sập vào ngày 27/5 (Ảnh: An Long/Tuổi Trẻ) |
PGS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), từng lý giải rằng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do năng lực hạn chế của nhà thầu và thái độ dễ dãi của chủ đầu tư. Tóm lại, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là yếu tố con người. Người không đủ năng lực, thiếu chuyên nghiệp, người không đủ trách nhiệm và thái độ làm việc nghiêm túc.
Nếu nhìn lại hàng loạt những sự cố liên quan đến chất lượng các công trình xây dựng: sập cầu Chu Va, lún nứt hầm đường bộ Ðèo Ngang, lún nứt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... sẽ thấy một nguyên nhân khác khiến cho tình trạng này chưa từng được giải quyết, đó là mỗi khi xảy ra sự cố, các đơn vị liên quan chỉ “rút kinh nghiệm” là xong.
Theo luật Xây dựng tư vấn giám sát là người đại diện cho chủ đầu tư, giám sát công trình xây dựng, chịu trách nhiệm về chất lượng và tiến độ của công trình, tư vấn giám sát độc lập với nhà thầu thi công. Nhưng ở ta, chế độ Bộ chủ quản doanh nghiệp nên hầu hết tư vấn giám sát và nhà thầu đều có quan hệ “anh, em” và có quan hệ “cha, con” với chủ đầu tư; hoặc chí ít là có quan hệ rất “dễ chịu” với nhau, không loại trừ cả việc nhà thầu từ thi công đến giám sát đều là “sân sau” của chủ đầu tư.
Chính điều này khiến chủ đầu tư chả khi nào có thể xuống tay với nhà thầu vi phạm, chưa kể nhiều trường hợp dung túng cho cái sai của nhà thầu, kéo theo công trình chậm tiến độ và kém chất lượng.
Phải thẳng thắn rằng, chất lượng các công trình xây dựng (cả dân dụng và công nghiệp) kém, thể hiện qua những sự cố liên tiếp, nghiêm trọng, đang gây những bức xúc rất lớn trong xã hội, tác động bất lợi tới cuộc sống của người dân và đương nhiên, nó gây ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Nếu nhìn rộng ra, vấn đề chất lượng công trình kém còn ảnh hưởng đến niềm tin quốc gia.
Luật pháp không thiếu, chỉ là chúng ta thiếu những người đủ quyết tâm, đủ năng lực để có thể thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc các quy định luật pháp, nhằm bảo đảm chất lượng công trình xây dựng./.