Tăng thuế VAT hay không tăng mà chỉ cần chống thất thu thuế?
VOV.VN - Tăng thuế VAT hiểu đơn giản là giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng, hạn chế tiêu thụ khiến việc đầu tư sản xuất, kinh doanh đình trệ.
Bộ Tài chính vừa đề xuất hai phương án tăng thuế VAT. Theo đó, phương án 1, thuế VAT tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Bộ đề nghị cân nhắc phương án 1.
Tăng VAT (thuế giá trị gia tăng) thực sự gây sự quan tâm, chú ý đối với tất cả mọi thành phần trong xã hội. Bởi đây là sắc thuế đánh vào hàng hóa tiêu dùng, trực tiếp người mua hàng hóa đó phải chịu.
Tăng VAT không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. |
VAT “đánh” vào khâu cuối cùng của sản xuất kinh doanh, đó là tiêu dùng, liệu có ảnh hưởng gì đến sản xuất của các doanh nghiệp? Chắc chắn là có. Bởi khi giá cả hàng hóa cộng thêm thuế tăng chắc chắn người tiêu dùng sẽ cân nhắc đến hành vi mua sắm. Khi khâu tiêu thụ hàng hóa bị ngưng trệ vì sức mua bị hạn chế thì chắc chắn việc đầu tư, sản xuất cũng bị đình trệ theo.
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải tận thu các loại thuế mà cần có các giải pháp giúp kinh tế tăng trưởng, tạo nguồn thu hiệu quả, bền vững.
Vì sao phải tăng thuế trong khi công tác quản lý thuế của chúng ta còn kẽ hở… khiến cho người nộp thuế, DN nộp thuế và cán bộ thuế có nhiều cơ hội cấu kết với nhau để chiếm đoạt, gian lận gây thất thoát thuế.
Chẳng cần phải nhìn đâu xa, đơn cử như thuế sang nhượng, chuyển quyền sử dụng đất, mua bán ô tô – xe máy, hoặc nhiều tài sản giá trị khác qui định còn rất lỏng lẻo, trong khi lượng tiền giao dịch trong lĩnh vực này lại vô cùng lớn.
Tình trạng thất thu thuế tại các tập đoàn FDI lớn có doanh thu lớn, thường xuyên mở rộng quy mô nhưng lại liên tục báo lỗ. Hay việc lợi dụng các chính sách về đầu tư, kinh doanh, nhiều pháp nhân thành lập nhiều doanh nghiệp khác nhau ở các tỉnh, thành khác nhau để chuyển giá nội bộ, Nhà nước bị xói mòn về cơ sở thuế.
Con số báo cáo hằng năm của cơ quan thuế liên tục khẳng định số thuế năm sau thu cao hơn năm trước. Tuy nhiên, vì chúng ta chưa dự báo chính xác số thu thuế tiềm năng, từ đó có căn cứ đánh giá mức độ tuân thủ và thất thoát nguồn thu thuế, trên cơ sở đó hoạch định cơ chế chính sách chống thất thoát nguồn thu thuế nên không thể hiện rõ được việc đang thất thu ở đâu.
Phải thừa nhận một thực trạng là công tác quản lý thuế của ta còn yếu, không hiệu quả và không công bằng, tỷ lệ thất thoát, gian lận thuế hàng năm vẫn ở mức cao.
Nợ thuế, thất thu thuế đang là vấn đề rất trầm kha. Chỉ cần có những biện pháp tăng cường kỷ luật chấp hành thuế, có các giải pháp, khung pháp lý để có thể thu được thuế những dịch vụ bán hàng hóa, dịch vụ qua biên giới, quảng cáo, giao dịch trên mạng… không cần tăng thuế, tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo nguồn thu.
Ngoài ra, việc minh bạch trong sử dụng các nguồn thu thuế - phí cũng cần được thực hiện nghiêm túc. Rõ ràng, các loại thuế phí đều tăng nhưng chất lượng đầu tư, dịch vụ, cải thiện chất lượng sống lại không có gì nổi bật, chưa kể thỉnh thoảng lại có một vụ thất thoát hàng nghìn tỷ tiền ngân sách… nên người dân hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về tính hiệu quả việc sử dụng ngân sách.
Chính vì thế, ngoài những giải pháp nhằm tăng thu, giảm chi thì một biện pháp quan trọng để đảm bảo cân đối cán cân ngân sách đó chính là kiểm soát chặt chẽ thu – chi, chống thất thu, trốn thuế song song với chống lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước. Một khi tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách Nhà nước chưa được khắc phục hiệu quả, ngân sách vẫn phải oằn mình chi trả cho một bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả thì mọi cố gắng trong thu ngân sách cũng chỉ như cho vào một cái túi thủng./.