Thiếu trường mầm non hay thiếu ưu tiên đầu tư?

Thành phố Hà Nội cần xác định việc đầu tư cho giáo dục là quan trọng hơn cả...

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV ngày 14/7, tình trạng thiếu trường mầm non là một vấn đề bức xúc được nhiều đại biểu chất vấn. Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã giải trình nhiều vấn đề và đưa ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thể yên tâm và chưa thể khẳng định việc “thức trắng đêm xếp hàng xin học cho con” có chấm dứt trong những năm tới hay không?

Theo báo cáo giải trình của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có 837 trường mầm non, trong đó có 683 trường mầm non công lập. Số trẻ được học trường mầm non công lập chiếm 85,5%. Bà Ngọc thừa nhận, việc bố trí các trường mầm non công lập như hiện nay chưa đủ theo yêu cầu, trong khi dân số cơ học tăng quá nhanh, có nơi tăng gấp 2 lần, dẫn đến qúa tải về chỗ học mầm non.

Về giải pháp khắc phục trước mắt, bà Ngọc cho biết, Thành phố đã cho phép một số quận như Ba Đình, Hai Bà Trưng được thí điểm nâng thêm tầng như quy định cho xây 2 thì cho phép xây 4 tầng. Đồng thời, bà Ngọc cũng khuyến cáo phụ huynh không nên coi trường công lập là lựa chọn duy nhất.

Về giải pháp lâu dài, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, sau khi xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, chắc chắn sẽ đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn và các khu đô thị có ít nhất một trường mầm non công lập và 100% học sinh mầm non có nhu cầu học đều có chỗ học.

Tuy vậy, những giải pháp mà bà Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội đưa ra không làm người dân yên tâm. Ngược lại, nó cho thấy sự chưa sâu sát thực tế của lãnh đạo Thành phố Hà Nội

Vì sao phụ huynh lại phải chịu khổ “thức trắng đêm” để cố chen chân cho con vào học trường công lập? Nguyên nhân trước hết là do học phí trường công lập thấp hơn rất nhiều lần so với trường tư thục. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, học sinh trường công lập phải đóng khoảng 500.000 - 600.000 đồng/tháng, trong khi đó, trường tư thục phải đóng từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Do đó, người dân sẵn sàng chịu khổ thức trắng đêm xin học cho con để mỗi tháng tiết kiệm được 2 - 3 triệu, bằng tiền lương trung bình của một người làm ở khu vực công. Mặt khác, chất lượng đào tạo trong các cơ sở mầm non tư thục, dân lập hiện nay chưa đảm bảo, việc giám sát của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, cho nên, người dân chưa yên tâm khi gửi con vào các trường tư thục, dân lập.

Hơn nữa, mỗi năm, số trẻ đến tuổi học mầm non ở một phường là bao nhiêu, lãnh đạo phường, quận đều nắm được thông qua quản lý hộ khẩu. Do vậy, Thành phố hoàn toàn có thể dự liệu trước được từ 2 - 3 năm để tìm biện pháp giải quyết. Biện pháp xây thêm tầng cũng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Không thể phủ nhận nỗ lực của chính quyền Hà Nội trong việc giải quyết chuyển đổi hơn 500 trường tư thục sang công lập và chủ trương xây thêm trường đạt tiêu chuẩn mỗi phường một trường mầm non trong tương lai. Song, như Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu, không phải cứ làm đúng quy định đó là “xong chuyện”, là “hết trách nhiệm”. Vấn đề sâu xa là ở chỗ, Thành phố cần phải xác định việc đầu tư cho giáo dục là quan trọng hơn hết. Bởi đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai và bền vững nhất.

Hiện nay, không khó khăn để thấy ở Hà Nội, các trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng, nhà ở, khu đô thị… đang mọc lên với tốc độ nhanh chóng mặt. Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án này cũng được thực hiện rất quyết liệt. Mới đây, khu đất vàng ở 22 - 24 Hàng Bài với giá đền bù kỷ lục 500 triệu/m2 vẫn giải toả xong, đã có một doanh nghiệp mua để xây dựng trung tâm thương mại.

Ai cũng biết ở Hà Nội và các thành phố lớn, “tấc đất, nhiều tấc vàng”, người ta luôn viện dẫn lý do thiếu đất xây trường mầm non, nhưng rõ ràng, việc dành đất xây trường không khó hơn việc giải toả các khu đất vàng để xây dựng trung tâm thương mại như ví dụ vừa nêu. Vấn đề chỉ là ở tư duy người lãnh đạo và quyết tâm của họ.

Chỉ mong việc dành đất đầu tư xây dựng các trường mầm non cũng được thực hiện với tốc độ và thái độ như vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên