Thủ tướng nói chuyện với sinh viên và ngẫm về người trẻ!
VOV.VN -Thủ tướng cho rằng, sinh viên phải có hoài bão, phải nuôi dưỡng ước mơ, không ngừng rèn luyện, tích cực học tập, bồi dưỡng phẩm chất.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ở các nước, các chính khách thường tham gia nhiều buổi nói chuyện với sinh viên các trường đại học. Song ở Việt Nam tập quán này chưa phổ biến.
Chỉ một chi tiết khác thôi được người đứng đầu Chính phủ nói ra đã làm cho giáo dục Việt Nam trở nên vô cùng khác biệt với thế giới. Khác biệt tới mức, chúng ta có nhiều người tài, nhiều người giỏi nhưng lại không có nguồn nhân lực đủ tầm để xây dựng đất nước, để hội nhập quốc tế và để làm nhiều việc quan trọng khác.
Thực tế hiện nay, các ngành, các nghề đều kêu ca về chất lượng nguồn nhân lực của mình, rằng nhà trường đào tạo không đúng nhu cầu, năng lực yếu kém, nếu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có tuyển dụng thì cũng phải đào tạo lại từ đầu. Kêu ca là vậy, nhưng có lẽ vô cùng hiếm hoi khi có một bộ trưởng, trưởng ngành hay một vị giám đốc một doanh nghiệp lớn nào đó tới các trường đại học để nói chuyện với sinh viên về nhu cầu nhân lực hiện nay của đơn vị mình. Các trường đại học và sinh viên đang mò mẫm đường đi, đào tạo, sản xuất ra những cử nhân, thạc sĩ mang tính “hên – xui” mà không biết xã hội có đang cần mình không.
Với đội ngũ những người giảng dạy, đào tạo, sau bao nhiêu năm, giáo dục đại học Việt Nam vẫn lúng túng với phương pháp giảng dạy. Tình trạng cô nói – trò chép từ thời phổ thông ra sao lên tới đại học vẫn “na ná” vậy. Giảng viên thì cư “thao thao” trên bục giảng, còn sinh viên thì chán ngắt với những bài giảng nặng tính hàn lâm. Chính vì thế, hình ảnh sinh viên ngồi trong giờ học nhưng gục mặt xuống bàn ngủ ngon không phải là chuyện hiếm.
Còn sinh viên thì sao? Họ theo học ngành A, ngành B theo sở thích cá nhân, theo trào lưu xã hội… chứ không cần biết năng lực, sở trường, nhu cầu việc làm của xã hội ra sao. Tình trạng sinh viên học hộ, học thay, trốn học để kiếm việc làm thêm cũng không phải là chuyện lạ. Nhiều sinh viên không học nhưng vẫn tốt nghiệp như ai. Điều này càng khiến các em coi thường nhà trường, thầy cô, thậm chí lên mặt với bạn bè, đàn em rằng ta đâu có học mà vẫn có bằng đại học, cao đẳng như ai. Ấy là chưa kể nạn bằng giả, bằng nhái, bằng biếu, bằng cho… đang tràn lan trong xã hội khiến các em càng coi thường chuyện rèn luyện, học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho công việc sau này.
Hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp mỗi năm. Con số ấy được công bố khiến không ít người xót xa vì tiền của đổ cho bằng ấy con người để có được bằng ấy tấm bằng thạc sĩ, cử nhân không ai đong đếm, tính toán nổi. Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp hàng loạt có lạ không? Không lạ và không làm người ta giật mình. Vì với thực tế giáo dục, quản lý sinh viên như hiện nay thì chuyện sinh viên thất nghiệp, không đủ năng lực, trình độ chẳng có gì là lạ.
Nhiều người nghi ngờ, sinh viên bây giờ không có hoài bão, lý tưởng. Cũng có phần đúng, bởi nhiều em trong số đó được sinh ra trong những gia đình khá giả, đời sống vật chất, tinh thần khá đầy đủ. Mô hình gia đình từ 1-2 con khiến nhiều em như những hoàng tử, công chúa, được chăm sóc, nâng niu quá đà, khiến các em trở nên trì trệ, không biết chăm lo cho chính bản thân mình chứ chưa nói tới trách nhiệm với gia đình và xã hội. Thực tế này khiến các em có tâm lý ỷ lại, thụ động, thiếu bản lĩnh và không dám tự quyết định bất kỳ việc gì cho bản thân mình. Trong khi đó, họ lại luôn nghĩ cho bản thân mình và sống khá thực dụng. Nhiều em chọn ngành, chọn nghề, chọn trường để sau này tìm được công việc tốt, thu nhập cao mà chưa nghĩ tới công việc của mình sau này mang lợi gì cho cộng đồng, cho xã hội, thậm chí công việc đó có giúp gì cho cha mẹ họ hay không, bởi có em nghĩ “Lo cho thân mình còn chưa xong thì sao lo được cho người khác”.
Thử hỏi, với một thực trạng như vậy, có thể hy vọng có một thế hệ người trẻ có hoài, bão, lý tưởng và có trình độ?
Lý tưởng, hoài bão và trình độ chuyên môn là những hành trang cần thiết mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn mỗi bạn trẻ cần có để bước vào cuộc sống của mình. Hành trang ấy lấy từ đâu? Từ chính ngôi trường các em theo học, từ gia đình và từ sự quan tâm của các cấp, ngành trong hệ thống chính trị. Hành trình này không thể một tay của ngành giáo dục làm nên được./.