Từ việc lấn sông Hàn: Nguy cơ phát “bệnh” rà soát, chấn chỉnh dự án
VOV.VN - Nhiều sai phạm với những công trình đồ sộ được ngang nhiên xây dựng mà dường như cơ quan chức năng không thấy hoặc bất lực trước sai phạm.
Sau khi báo chí liên tục phản ánh về việc dự án Marina Complex (dự án bất động sản và bến du thuyền) ở bờ đông sông Hàn, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, tại Đà Nẵng, khiến dư luận lo ngại những công trình này có thể ảnh hưởng đến dòng chảy và gây ra những hệ lụy khó lường cho không gian đô thị, cảnh quan, môi trường... của Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo đúng quy định.
Đây không phải dự án đầu tiên trên cả nước phải có lệnh kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm nếu có sai phạm, khi mà các công trình này nghễm nghệ “mọc” lên giữa thanh thiên bạch nhật nhiều ngày tháng.
Dự án Marina Complex đang triển khai. (ảnh: Người Lao động) |
Chúng ta đã thấy rất nhiều những dự án kiểu “con voi chui… lỗ kim” khiến không chỉ dư luận xã hội bức xúc mà đến cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ… hẳn cũng đau đầu.
Có thể kể ra hàng loạt những dự án kiểu đó, như: Tòa nhà 8B Lê Trực tại Hà Nội, chủ đầu tư đã xây vượt giấy phép 16 m về chiều cao, vượt 6.000 m2 mặt sàn, và đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm sai phạm; năm 2017 báo chí rộ tin về công trình 18 tầng tại dự án The Garden City được xây dựng chưa có giấy phép; trạm thu phí Cai Lậy đặt sai vị trí tại tỉnh Tiền Giang; Trạm BOT Tân Đệ tại Thái Bình cũng bị buộc di dời vì sai vị trí; nhiều công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng tại Sóc Sơn, Hà Nội; hay vi phạm xây dựng sai phép và xây dựng không phép tại "biệt phủ" của một cán bộ tại Yên Bái…
Điều lạ là đất nước ta có một hệ thống khung pháp lý liên tục được ban hành mới hoặc rà soát, bổ sung để dần hoàn thiện, phục vụ tốt hơn công tác quản lý xã hội; và cũng có hệ thống các cơ quan chức năng cả ngành dọc và liên ngành từ Trung ương đến tận xã, phường tham gia vào việc quản lý, giám sát xã hội. Vậy mà rất nhiều sai phạm với những công trình đồ sộ được ngang nhiên xây dựng nhiều ngày tháng mà dường như cơ quan chức năng không thấy hoặc bất lực trước sai phạm. Thành ra, nhiều sai phạm nghiêm trọng, hàng loạt “con voi” cứ thản nhiên “chui qua lỗ kim” và khi báo chí phản ánh, khiến dư luận dần thành quen với thực trạng và thấy đó không còn là điều lạ nữa.
Trở lại câu chuyện một số dự án lấn sông Hàn ở Đà Nẵng đang hâm nóng dư luận và đến mức Thủ tướng lại phải chỉ đạo kiểm tra. Rồi bản thân UBND thành phố Đà Nẵng cũng có công văn yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý của các dự án đang triển khai ven sông Hàn. Đồng thời, chính quyền thành phố cũng thông tin rằng, dự kiến đầu tháng 5 tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia về các dự án ven sông Hàn.
Ô hay, thế trước khi lấn sông chình ình ra đó, người ta không xin phép cơ quan chức năng, không tham vấn chuyên gia? Chả lẽ những công trình to như thế mà xây chui giữa thành phố tấp nập người qua lại? Nếu thế, các cơ quan giám sát và bảo vệ pháp luật, rồi cả cán bộ công quyền, nằm vùng trên địa bàn ở đâu mà không thể hiện vai trò, chức năng của mình?
Hơn thế, không riêng gì vụ việc ở Đà Nẵng, mà rất nhiều công trình, dự án khác có dấu hiệu khuất tất, sai phạm khiến dư luận sở tại bức xúc, rồi cũng chỉ thực sự gây sóng dư luận trên cả nước đấu tranh để làm sáng tỏ sự thật khi có báo chí vào cuộc.
Rõ ràng, trước khi có kết luận về những sai phạm, nếu có, của các công trình, dự án, chắc chắn không ai có thể phủ nhận về sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng trên địa bàn có công trình, dự án kiểu đó.
Cho nên, cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm thì quan trọng hơn là cần xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trên địa bàn để xảy ra sự việc, đặc biệt là cần chế tài xử phạt thật mạnh đối với trách nhiệm người đứng đầu tổ chức liên quan vụ việc sao cho để đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng có thể vì động cơ nào đó mà cố tình “làm ngơ”, tiếp tay cho sai phạm.
Một nhà nước pháp quyền không chấp nhận để lặp lại tình trạng mỗi khi báo chí truyền thông vào cuộc bóc mẽ những dấu hiệu sai phạm, thậm chí điểm mặt sai phạm đâu đó rồi thì cơ quan chức năng mới rục rịch vào cuộc kiểm tra, rà soát và tìm cách giải quyết hậu quả.
Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì sẽ còn rất nhiều công trình, dự án và vụ việc khác sẽ ung dung “làm xiếc” trước công luận, thách thức sự tôn nghiêm của pháp luật và làm yếu dần đi sức mạnh của pháp quyền. Như thế, việc liên tục phải rà soát, chấn chỉnh dự án có nguy cơ sẽ thành một loại "bệnh" mới trong xã hội./.