Văn hóa nhận lỗi nhìn từ vụ sập giàn giáo ở Formosa
VOV.VN - Đã sai thì phải nhận lỗi, nhận trách nhiệm để nhận được sự tha thứ. Đó không chỉ là nghệ thuật, là văn hóa lãnh đạo.
Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vừa xảy ra ở Hà Tĩnh để lại nỗi đau quá lớn. Thế nhưng hình ảnh 3 người đàn ông đại diện cho chủ đầu tư, nhà thầu cúi đầu xin lỗi nạn nhân, nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả một cách tích cực nhất đã phần nào làm dịu đi cơn giận của người trong cuộc. Hình ảnh khiến dư luận không thể không so sánh với thái độ và cách xử lý hậu quả trong một số vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây. Phải chăng đó là sự khác biệt trong văn hóa xin lỗi, văn hóa nhận trách nhiệm của những người có trách nhiệm.
Ngay lập tức, chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã cùng với các cơ quan chức năng tập trung xử lý hậu quả. Trong thời gian nhanh nhất có thể, lãnh đạo cao cấp của nhà thầu Samsung C&T, chủ đầu tư dự án Fomosa đã có mặt và công khai nhận trách nhiệm trước đông đảo cơ quan truyền thông, báo chí. Bởi họ biết phía sau truyền thông là hàng triệu con mắt của dư luận, là sự bức xúc của lòng người.
Nhìn hình ảnh 3 người đàn ông đại diện cho chủ đầu tư, nhà thầu công trình cúi rạp người xin lỗi, chia buồn với gia đình các nạn nhân, hứa tận lực khắc phục hậu quả, giúp đỡ người bị nạn giải quyết khó khăn sau sự cố hy hữu này, người ta phần nào thấy ấm lòng và tin tưởng vào thái độ chân thành, tinh thần chịu trách nhiệm đến cùng đối với người lao động. Thái độ ấy đã phần nào xoa dịu được cơn giận của gia đình nạn nhân và dư luận xã hội. Và sự thực thì mấy ngày qua, họ đã nỗ lực thực hiện lời hứa ấy. Họ đã hỗ trợ cho việc mai táng các nạn nhân, chung tay chăm sóc, chữa trị cho những công nhân bị thương tại các bệnh viện, thống nhất đền bù với mức cao nhất bằng 400 triệu đồng/ nạn nhân, giúp gia đình người bị nạn có thể khắc phục một phần khó khăn khi mất đi người lao động chính. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ công nhân mất việc làm do công trường bị đình đốn thi công.
Khắc phục hậu quả vụ tai nạn lao động sẽ còn nhiều vệc phải làm, để không còn những nỗi đau mất mát tái diễn. Người Việt Nam vốn có lòng vị tha, “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Đã sai thì nhận lỗi, đã nhận lỗi thì phải chân thành, cầu thị để sửa chữa, khắc phục. Người dân không chấp nhận kiểu kiểu nhận lỗi qua quít, nhận thiếu sót nhưng luôn khẳng định mình đúng, còn sai là do lỗi khách quan, do trình dộ có hạn, hay do anh A, chị B nào đấy dưới quyền chứ không phải mình.
Đã sai thì phải nhận lỗi, nhận trách nhiệm, hạn chế đối kháng, mong nhận được sự tha thứ. Đó không chỉ là nghệ thuật, là văn hóa lãnh đạo. Chân thành, cầu thị, trách nhiệm tới cùng để khắc phục hậu quả những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra (dù là vì bất cứ nguyên nhân gì), sẽ là cách tốt nhất của văn hóa nhận lỗi. Chứ không phải làm cho có, rồi loanh quanh, đổ vấy cho người khác để rồi lại tạo ra những bức xúc khác trong xã hội./.