VN trong tuần: "Nóng" sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội

(VOV) - Tuần này, sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh được phân công giữ chức Trưởng Ban Nội chính TW thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Bộ Chính trị chỉ thị lấy ý kiến sửa Hiến pháp

Ngày 23/11/2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành.

Để việc lấy ý kiến nhân dân bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân các cấp thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tổ chức triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương.


Thủ tướng gửi thông điệp nhân năm mới 2013

Đúng ngày đầu tiên của năm mới 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết với tiêu đề "Kiên quyết khắc phục yếu kém, vượt qua khó khăn, tiếp tục kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, đưa đất nước phát triển bền vững", trong đó nêu rõ mục tiêu tổng quát đặt ra cho năm 2013 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra các giải pháp trọng tâm, đó là: Nâng cao chất lượng thể chế và khả năng phản ứng chính sách, tạo lập niềm tin cho thị trường; Điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường và theo lạm phát mục tiêu; Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá; Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; Đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội...


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh: Chinhphu.vn)

Một số tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật

Ngày 2/1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo về nội dung kỳ họp thứ 17 của Ủy ban diễn ra từ ngày từ 25 đến 28/12/2012. Theo thông báo, tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thống nhất kết luận và giải quyết nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm; thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Huy Ban, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Đối với ông Lê Bạch Hồng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách về Đảng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật về chính quyền.

Còn đối với ông Diệp Kỉnh Tần, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, cần nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Bá Thanh giữ chức Trưởng ban Nội chính TW

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương.

Bộ Chính trị cũng ban hành các Quyết định số 655-QĐNS/TW về việc phân công ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương; Quyết định số 656-QĐNS/TW về việc phân công ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Quyết định điều động ông Nguyễn Bá Thanh ngay lập tức thu hút sự chú ý của người dân cả nước. Rất nhiều người dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung bày tỏ suy nghĩ, tình cảm với ông Nguyễn Bá Thanh, có cả niềm vui, nỗi buồn đan xen. Buồn vì Đà Nẵng sắp phải xa một vị lãnh đạo đáng mến, vui vì một vị trí quan trọng có một người lãnh đạo như ông Thanh nắm giữ trọng trách.

Tạm biệt Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh không chỉ để lại sau lưng ông một thành phố mà là một quá trình phát triển chắc chắn sẽ còn được nhiều người tranh luận, mổ xẻ sau này. Với hành trang mang theo, người dân mong ông sẽ làm được những việc có ích trong cương vị công tác mới, mặc dù việc mới ở Trung ương sẽ khó khăn, thử thách nhiều.


Phí bảo trì đường bộ: Thu rồi vẫn vướng trăm bề

Kể từ ngày 1/1, gần 40 triệu phương tiện giao thông đường bộ trên cả nước bắt đầu phải đóng phí bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo quy định, với ôtô, mức phí phải đóng thấp nhất là 130.000 đồng/tháng tháng (áp dụng cho xe dưới 9 chỗ). Mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn. Đối với xe máy, mức đóng phí đường bộ 50.000 đồng/năm được áp với xe máy dưới 100 cm3; xe có dung tích trên 100 cm3 được áp khung phí từ 100.000 - 150.000 đồng. Chủ xe máy nộp phí thông qua UBND xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn, thậm chí bức xúc đa chiều, nhưng nhìn chung vẫn quanh một vấn đề then chốt: Thu sao cho công bằng? Nhiều người cho biết, trước sau gì cũng phải nộp vì đây là qui định của Nhà nước mà không quan tâm đến chuyện phí này đã hợp lý hay chưa. Ở một luồng ý kiến khác thì cho rằng, có quá nhiều bất cập khi tiến hành thu loại phí này.



Đưa nữ CSGT ra điều khiển giao thông Hà Nội

Từ sáng sớm 3/1, hàng chục nữ CSGT đã có mặt tại các nút giao thông trọng điểm để tham gia điều tiết giao thông Hà Nội. Các nữ cảnh sát giao thông bắt đầu thực thi nhiệm vụ. Mặc dù là nữ giới, nhưng các thao tác điều khiển giao của các “bóng hồng” thuần thục, mạnh mẽ, dứt khoát không kém gì các nam CSGT. Một hình ảnh mới, lạ đã thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông. Nhiều người cho đây là một sáng kiến hay hy vọng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông nhưng cũng không ít người hoài nghi về tính bền vững lâu dài của nó! 

Vụ đắm tàu ở Quảng Bình: Tang thương bao phủ Cồn Sẻ

Bão số 1 đang hoành hành trên biển Đông, hàng chục nghìn tàu thuyền của ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung đã được kêu gọi vào bờ hoặc vào nơi tránh trú bão an toàn. Nhưng trước đó, một số tàu cá của ngư dân Quảng Bình đã bị chìm và mất tích. Đến nay, 13 nạn nhân vụ chìm tàu ngày 30/12/2012 ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hiện chưa tìm thấy thi thể.

Nỗi đau mất người thân, trông ngóng trong vô vọng lại đang vò xéo những người vợ, người mẹ, người con lam lũ, nghèo khó ở Cồn Sẻ, dù vẫn biết “nghề biển – hồn treo cột buồm”.

Chị Trang, vợ thuyền trưởng Nguyễn Phong vật vã, đau đớn chờ tin chồng (ảnh: Phụ nữ TPHCM)

Truy tố, khởi tố các cá nhân liên quan đến vụ Tiên Lãng

Tròn 1 năm xảy ra vụ việc cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng vào ngày 5/1/2012, chiều 4/1/2014, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã công bố quyết định truy tố các bị can trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ này.

Cụ thể: truy tố các bị can Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963), Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966) cùng trú tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Đoàn Văn Sịnh (sinh năm 1957), trú tại xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng và Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974) trú tại xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng về tội giết người quy định tại điểm D, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Bị can Phạm Thị Báu (sinh năm 1982, vợ của Đoàn Văn Quý), Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ của Đoàn Văn Vươn) bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm D, khoản 2, Điều 257 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Phòng cũng đã ra quyết định số 07 khởi tố bị can đối với ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng để điều tra, xử lý về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 của Bộ Luật Hình sự.

HLV Hoàng Anh Tuấn ngồi “ghế nóng” với mức lương 200 triệu/tháng

HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam đã được chọn. Đó là ông Hoàng Anh Tuấn, nguyên là HLV trưởng Khatoco Khánh Hòa. Ông Tuấn ký hợp đồng 3 năm với VFF theo mức lương 200 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm thưởng. Bên cạnh đó, ông Tuấn và ban huấn luyện cũng không bị “áp” mục tiêu phải vô địch mà chỉ cần giúp hai đội tuyển có thành tích tốt nhất.

HLV Hoàng Anh Tuấn (ảnh: Thể thao Văn hóa)

Đây là bản hợp đồng với HLV trưởng có thời hạn chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Kỉ lục cũ thuộc về ông Calisto với thời gian hai năm. Bản hợp đồng này gây không ít tranh cãi, nhiều nhà chuyên môn bóng đá không đánh giá cao trình độ cầm quân của ông Tuấn khi nhiều năm K.Khánh Hòa chỉ ở mức “trụ hạng” tại V-League. Trong khi đó, khán giả cũng không thực sự tin cậy ở trình độ dẫn dắt của HLV nội và cho rằng mức lương 200 triệu đồng/tháng là quá cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên