VN trong tuần: Sạt lở chết người ở Phấn Mễ, giá xăng bất ngờ tăng

20h tối 20/4, giá bán lẻ xăng dầu chính thức tăng thêm 900 đồng/lít. Đây là lần điều chỉnh thứ hai của năm 2012.

Giá xăng tăng thêm 900 đồng

Như tin đã đưa, giá bán xăng A92 tăng từ 22.900 đồng lên 23.800 đồng/lít, dầu diesel tăng tăng 500 đồng (từ 21.400 đồng lên 21.900 đồng/lít), trong khi dầu hỏa và dầu mazút tăng lần lượt 600 và 400 đồng/lít (từ 20.800 đồng/lít và 18.800 đồng/lít lên 21.400 đồng/lít và 19.200 đồng/lít).

Nhân viên cây xăng trên đường Trần Quang Khải- Hà Nội thay niêm yết giá bán lẻ xăng A92. (Ảnh: NY)

Như vậy, giá xăng dầu tăng chỉ sau mấy ngày khi 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăn dầu có văn bản xin tăng giá với lý do giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ nên doanh nghiệp đang bị lỗ. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, giá dầu thô giao tương lai vừa trải qua một tuần giảm giá.

Trước đó, ngày 7/3, giá xăng A92 đã tăng  2.100 đồng/lít (từ 20.800 đồng lên 22.900 đồng/lít).

Sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào rạng sáng 15/4, một khối lượng lớn đất đá từ Khu bãi thải số 3, mỏ than Phấn Mễ (thuộc công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) đã sạt lở xuống khu vực xóm Khuôn 1, xã Phục Linh huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên vùi lấp hoàn toàn 10 ngôi nhà, khiến 1 người bị thương, 1 người tử vong và 5 người đang bị vùi lấp trong đống đất đá khổng lồ.

Các nhà sư cầu siêu cho nạn nhân

Điều đáng nói là vụ việc kinh hoàng ở Phấn Mễ xảy ra trong điều kiện thời tiết hết sức bình thường. Không có mưa lớn, lũ quét, càng không có động đất... Vậy nên đây là “nhân tai” chứ không phải thiên tai.

Vụ việc đau lòng dù sao cũng đã xảy ra, nhưng cùng với ngành than, trách nhiệm của Công ty Gang thép Thái Nguyên, của các cơ quan chức năng và địa phương cần phải được làm rõ. Bởi đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng sạt lở ở Phấn Mễ, và người dân đã nhiều lần gửi đơn đề nghị tới các cơ quan chức năng và mỏ than, nhưng chưa một lần được hồi âm.

UBTV Quốc hội cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng

Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 10 - 20/4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về 2 Báo cáo giám sát: Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng và Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Về công tác lập pháp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của các dự án: Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Biển Việt Nam; Luật Giá; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giám định tư pháp và Luật Quảng cáo….

Liên quan đến những vấn đề quan trọng của đất nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010./.

2 câu chuyện buồn của cà phê ở Đắk Mil

Đầu tiên là về nguy cơ mất thương hiệu cà phê Đức Lập. Vì đói” vốn, một thương hiệu cà phê nổi tiếng tỉnh Đắk Nông dù đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cả trong lẫn ngoài nước vẫn có nguy cơ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài- đó là thương hiệu Caffee Đức Lập Đak Mil và nhãn hiệu Coffee Đức Lập M Đakmil.

Cà phê Đức Lập là một thương hiệu cà phê nổi tiếng ở Tây Nguyên

Trước thông tin đã có một công ty phía Trung Quốc đề nghị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh An xã Đức Minh, huyện Đắk Mil- bán thương hiệu Caffee Minh An Đức Lập giá 18 tỷ đồng, các ngành chức năng liên quan đã kiến nghị một số giải pháp để giữ lại thương hiệu cà phê này, tránh lũng đoạn thị trường cà phê trong nước và chuyển giao chữ Đức Lập cho địa phương.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là tạo điều kiện cho HTX vay vốn, và với số tiền khoảng 5 tỷ đồng mà HTX đề nghị hỗ trợ, thiết nghĩ, không đáng để đánh đổi một thương hiệu cà phê nổi tiếng của đất nước.

Cũng tại Đắk Mil- thủ phủ cà phê của tỉnh Đắk Nông, tuần qua lại chứng kiến cảnh vỡ nợ cà phê. Hàng trăm gia đình, hàng trăm số phận có nguy cơ bị cuốn trôi trong đợt sóng mới này. 

Thật buồn khi ngày ngày người dân đeo bám doanh nghiệp, thậm chí khóc lóc, van xin chủ doanh nghiệp trả nợ. Vay ngân hàng bây giờ không dễ, còn vay nóng- là cách được coi là “tự tử” đối với những nông dân cà phê, mỗi năm chỉ thu hoạch 1 mùa.

Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng giải quyết dứt điểm vụ Tiên Lãng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND TP Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại trong đó có việc sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn và những trường hợp tương tự theo đúng quy định của Luật Đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương có văn bản hướng dẫn việc sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn và những trường hợp tương tự theo đúng quy định của Luật Đất đai. Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá việc kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật của thành phố Hải Phòng đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố Hải Phòng khẩn trương giải quyết đúng pháp luật, vụ án "giết người, chống người thi hành công vụ" và vụ án "hủy hoại tài sản của công dân".

Hà Nội tiếp tục cấm trông xe trên hàng loạt tuyến phố

Thành phố Hà Nội vừa chấp thuận việc cấm tổ chức trông giữ phương tiện lòng đường, vỉa hè ở hàng loạt tuyến phố trên địa bàn quận Thanh Xuân trong thời gian tới.

Thêm nhiều tuyến phố ở Hà Nội sẽ bị cấm trông giữ xe

Cụ thể, cấm tổ chức trông giữ phương tiện trên vỉa hè, dưới lòng đường phố Nhân Hòa (điểm đầu giao với Vũ Trọng Phụng, điểm cuối giao với phố Quan Nhân); cấm trông giữ phương tiện dưới lòng đường Phố Ngụy Như Kom Tum (điểm đầu giao với đường Vũ Trọng Phụng, điểm cuối giao với Khuất Duy Tiến).

Đối với tuyến phố dọc sông Tô Lịch (điểm đầu ngã ba Khương Trung, điểm cuối hết địa bàn phường Khương Đình) và phố Nguyễn Tuân (điểm đầu giao với đưỡng Nguyễn Trãi, điểm cuối giao với Lê Văn Lương) cấm trông giữ phương tiện dưới lòng đường.

Hè đường Vũ Trọng Phụng (điểm đầu giao với đường Nguyễn Trãi, cuối giao Ngụy Như Kom Tum) cũng bị cấm trông giữ phương tiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên