VN trong tuần: Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau hơn 300 ngày lẩn trốn
VOV.VN -Đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường; Lũ quét khiến 33 người chết và mất tích... là những sự kiện đáng chú ý
Tổng Bí thư: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”
Sáng 31/7, tại Hà nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo, để thảo luận cho ý kiến về tiến độ, kết quả thực hiện chương trình công tác của Ban chỉ đạo 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017.
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội.
"Tôi cảm thấy kinh nghiệm đầu tiên là 6 tháng đầu năm nay tiếp tục đà của năm 2016 sau Đại hội. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản.
Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư chỉ đạo sớm kết luận vụ Mobifone mua AVG
Tổng Bí thư nêu rõ, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, sắp tới cần tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, báo chí cũng cần thông tin đúng, chuẩn xác, góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, không xây dựng.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, sắp tới, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào.
Lãnh đạo Thường trực BCĐ Tây Nam bộ vi phạm kỷ luật rất nghiêm trọng
Từ ngày 25 đến 27/7/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 16. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận các nội dung sau:
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011-2016 đã có các vi phạm, khuyết điểm sau: Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc, các quy định về công tác cán bộ, để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài tại Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Chưa phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể Thường trực Cơ quan Ban Chỉ đạo và Đảng ủy Cơ quan, để một số cá nhân vi phạm quy chế làm việc, quyết định tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm ngạch công chức, xếp bậc lương, bổ nhiệm, điều động cán bộ không đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, quy định về công tác cán bộ.
Buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để Văn phòng, bộ phận nghiệp vụ tài chính, kế toán Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (giai đoạn 2011-2016) vi phạm các quy định về quản lý tài chính, để ngoài sổ sách kế toán nguồn kinh phí vận động tài trợ số tiền trên một trăm tỷ đồng.
Cũng tại Kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng theo thẩm quyền 04 trường hợp; tham gia ý kiến về giải quyết khiếu nại kỷ luật 02 trường hợp thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương.
“Không có chuyện Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa xin thôi việc là xong”
** Từ ngày 25 đến 27/7/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 16. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương.
UBKT Trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004-5/2010) như đã kết luận tại Kỳ họp thứ 15 của UBKT Trung ương.
Mỹ tăng thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam
Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa tăng thuế chống bán phá giá đối với đợt rà soát hành chính lần 9 của tôm Việt Nam.
Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều chỉnh mức thuế đối với tôm Việt Nam. Do Việt Nam chưa được Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường nên Hoa Kỳ phải sử dụng một nước thay thế có nền kinh tế tương tự để tính toán.
Sau khi xem xét lại, Bộ Thương mại đã chọn cách đánh giá tôm của Việt Nam dựa trên số liệu lương từ Ấn Độ và lưu ý rằng nước đông dân thứ hai trên thế giới này không bị ghi nhận về tình trạng lạm dụng lao động trong ngành tôm như Bangladesh.
Quyết định này có nghĩa là các nhà nhập khẩu được lựa chọn phải chịu mức thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu cao hơn trong khoảng thời gian 12 tháng bắt đầu từ tháng 2 năm 2013 (đợt rà soát hành chính lần thứ 9). Mức thuế đã tăng từ 1,16% lên 1,42% do Tòa yêu cầu xác định lại mức thuế.
Các công ty nhập khẩu sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ phải nộp tiền đặt cọc, từ đó chính phủ trừ tiền thuế.
Sacombank lên tiếng về vụ ông Trầm Bê và Phan Huy Khang bị bắt
Liên quan đến thông tin về việc ông Trầm Bê - Nguyên Thành viên HĐQT và ông Phan Huy Khang - Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank bị khởi tố vào ngày 01/08/2017, Sacombank vừa có ý kiến.
Theo Sacombank, việc khởi tố ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng, theo kết luận giám định của NHNN, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4/2014.
Sacombank cũng khẳng định ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị - điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23/02/2017 và từ ngày 03/7/2017 đối với ông Phan Huy Khang.
Đại gia Trầm Bê: Từ đỉnh cao danh vọng rơi vào vòng lao lý
Ngày 30/6/2017, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2016, 2017 của Sacombank đã diễn ra thành công, bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2021 với Chủ tịch HĐQT là ông Dương Công Minh đang lãnh đạo Sacombank hoạt động theo Đề án tái cơ cấu Ngân hàng đã được NHNN phê duyệt. Sacombank khẳng định hiện ngân hàng này vẫn hoạt động bình thường và tăng trưởng ổn định.
Lũ quét khiến 33 người chết và mất tích, hơn 240 nhà bị hư hỏng
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, từ sáng 2/8 đến 3/8, các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Mưa lớn đã gây ra sạt lở đất, lũ quét tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và huyện Mường La (Sơn La); sạt lở đất tại huyện Nậm Pồ (Điên Biên), Lai Châu.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, tính đến 22h ngày 3/8, mưa lũ đã làm 33 người chết và mất tích; 240 ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi...
Cụ thể về người: 7 người chết (Yên Bái: 2, Sơn La: 4, Lai Châu: 1); 26 người mất tích (Yên Bái: 12, Sơn La: 12, Lai Châu: 2).
Ngoài ra, mưa lũ còn làm 240 nhà bị sạt lở, cuốn trôi (Yên Bái: 50, Sơn La: 183, Lai Châu: 7); Sạt lở 26.089 m3 (QL 12, QL279B, QL 279C, QL 4H tỉnh Điện Biên và QL32 tỉnh Yên Bái); Đường tỉnh lộ 16.137 m3 (ĐT.150, ĐT.142, ĐT.143 ở Điện Biên: 7.137 m3).
Ảnh: Mù Cang Chải, Mường La tan hoang sau lũ quét, lũ ống
Trước đó, do mưa lớn kéo dài, khoảng 4h30 ngày 3/8, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại thị trấn Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú
Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.
Với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự, ngày 15/9/2016, Trịnh Xuân Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can; đồng thời Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
“Trịnh Xuân Thanh là mắt xích quan trọng trong làm thất thoát tài sản“
Nguyễn Phước tộc gửi đơn kêu cứu về lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi
Ngày 1/8, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc ở Huế có đơn gửi đến Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sự việc mộ bà Tài nhân họ Lê, vợ Vua Tự Đức bị san ủi.
Nội dung đơn khẳng định, sau khi san ủi phần mộ của bà Tài nhân, dù ông Giám đốc Công Ty Chuỗi Giá Trị - Lê Quốc Tuấn đã xin lỗi và hứa khắc phục, nhưng rõ ràng hành vi đã vi phạm điều 319 của Bộ Luật hình sự nên phải được xử lý để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Trong đơn cũng nêu rõ, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị đã vi phạm pháp luật khi chưa nhận bàn giao mặt bằng, chưa biết giới hạn diện tích là bao nhiêu, chưa làm đúng thủ tục và chưa có sự đồng ý của người liên quan mà đã tiến hành san ủi các di tích trên đất.
Đại diện dòng họ Nguyễn Phước tộc mong muốn Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế điều chỉnh dự án; nghiêm túc xử lý hành vi trái pháp luật, buộc người gây ra sai phạm phải phục dựng lại lăng bà Tài Nhân có bản vẽ thiết kế theo kiến trúc dành cho các phi tần đời vua Tự Đức mà Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp./.
Vụ san ủi lăng mộ vợ vua Tự Đức: Bộ VH-TT&DL lên tiếng