Vụ JTC: Không để tham nhũng làm xấu hình ảnh quốc gia
VOV.VN -Xử lý nghiêm các sai phạm, tham nhũng là giải pháp kiên quyết nhằm ngăn chặn việc làm xấu đi hình ảnh của quốc gia.
Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm tới nghi án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ một số lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam để nhận được phần việc từ các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản.
Như VOV đã thông tin, chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi vụ việc được một số tờ báo lớn của Nhật Bản đăng tải, cho dù phía Chính phủ Nhật Bản chưa chính thức có yêu cầu chúng ta tham gia xử lý vụ việc, Bộ Giao thông Vận tải đã nhanh chóng vào cuộc, để xác minh và làm rõ vụ việc, đồng thời triển khai thanh tra toàn bộ các dự án có sử dụng vốn vay nước ngoài. Vấn đề đặt ra là làm sao để ngăn ngừa, giảm thiểu những hành vi tiêu cực trong triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án có vốn vay nước ngoài, tránh thất thoát và nâng cao hiệu quả đầu tư, chứ không phải chạy theo xử lý vụ việc, khi sự đã rồi.
Đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản về nghi án hối lộ dự án đường sắt sử dụng vốn ODA |
Cho dù còn đang là nghi vấn, cho dù còn phải mất nhiều thời gian nữa để xác minh sự thật các cáo buộc từ phía cơ quan chức năng Nhật Bản, nhưng vụ JTC này khiến nhiều người liên tưởng đến vụ nhận hối lộ khủng mang tên PCI bị khởi tố cách đây đúng 4 năm, liên quan tới dự án Đại lộ Đông - Tây, TP HCM. Và dư luận đã gọi những vụ đưa – nhận hối lộ tầm quốc tế để có dự án kiểu này là những “bóng ma”, đe dọa làm tiêu tan nhiều nỗ lực cải cách, xây dựng hình ảnh một Việt Nam có ý chí vươn lên, với những cải cách phù hợp trong quá trình hội nhập, những cam kết sử dụng đồng vốn Quốc tế hỗ trợ một cách hiệu quả nhất phục vụ phát triển.
Vốn ODA - nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, không phải là thứ cho không. Đã vay là phải trả. Chỉ có điều, đây là nguồn vốn với chi phí giá vốn “rẻ” nhất hiện nay chúng ta có được, bởi lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài, và trung bình khoảng 1/4 số tiền trong gói ODA của Quốc gia, hay tổ chức quốc tế tài trợ vốn cho Việt Nam sẽ là khoản không phải hoàn trả. Như vậy, vẫn còn 3/4 số vốn đó, chúng ta dứt khoát sẽ phải trả. Làm sao để từng đồng vốn vay phải được sử dụng hiệu quả, là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta luôn hướng đến.
Ba năm qua, Việt Nam đã gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, các điều kiện được hưởng những nguồn vốn hỗ trợ quốc tế giảm đi, lãi suất vay vốn ODA theo lẽ thường, sẽ tăng lên, nhưng chúng ta vẫn nhận được nguồn vốn đáng kể với lãi suất thấp, trong đó Nhật Bản nổi lên là quốc gia dẫn đầu về vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam.
Trong 20 năm qua, Nhật Bản đã cam kết viện trợ phát triển hơn 20 tỷ USD, trở thành nhà tài trợ song phương lớn nhất của nước ta. Mới đây nhất, vào ngày 5/3 này, tại Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada thay mặt Chính phủ Nhật Bản đã cùng ký kết Công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản ODA vốn vay tài khóa 2013 trị giá 25 tỷ yên (tương đương khoảng 5.075 tỷ đồng). Khoản vốn này được cung cấp để giúp chúng ta triển khai một số chương trình trọng điểm liên quan đến hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ quản lý kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có được sự hỗ trợ tài chính quý báu đó từ phía Nhật Bản. Những nỗ lực không ngừng, kể từ dấu mốc hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản đã nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, qua chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Chủ tịch nước ta, quan hệ hai nước đã được xác lập ở tầm cao mới: đối tác chiến lược sâu rộng.
Chính vì vậy, chúng ta càng không thể để những chuyện như vụ PCI năm nào và nay lại là nghi vấn từ vụ hối lộ của Công ty JTC Nhật Bản với công chức ngành đường sắt Việt Nam làm ảnh hưởng xấu tới thành quả, nỗ lực trong xây dựng quan hệ hợp tác quốc tế với Nhật Bản nói riêng, và các đối tác kinh tế quốc tế nói chung trong quá trình đẩy mạnh hội nhập.
Việc minh bạch các dự án đầu tư công, giám sát chặt quá trình triển khai, giảm phiền nhiễu từ thủ tục hành chính, sẽ là cách tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực từ đầu. Sự chủ động, tích cực trong điều tra, làm rõ thông tin, công khai trước dư luận, với quyết tâm xử lý nghiêm các sai phạm, như cách mà Bộ Giao thông Vận tải đang làm trong mấy ngày vừa qua, liên quan đến nghi án Công ty Nhật hối lộ cán bộ đường sắt Việt Nam để có dự án, cũng sẽ là giải pháp tốt để ngăn chặn “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế.
Những nỗ lực đó, cũng nhằm mục đích quan trọng, là sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, khi mà còn những điều tiếng về hiệu quả của các dự án đầu tư công. Theo thống kê từ Bản đồ nợ công toàn cầu ngày 23/3 vừa rồi, đến nay, trung bình mỗi người dân Việt Nam đang chịu gần 869 USD nợ công (khoảng 20 triệu đồng).
Như vậy, năm nay, mỗi người chịu thêm 27 USD nợ công so với năm trước. Vốn vay ODA cũng là một phần trong nợ công. Là quốc gia đang phát triển, tăng nợ công cũng là điều bình thường. Người dân sẵn sàng chấp nhận, nếu số tiền ấy được đầu tư đúng cách, đúng chỗ. Tuy nhiên, những đồng tiền ấy nếu bị sử dụng lãng phí, hoặc bị xà xẻo, mới là điều đáng lo ngại!./.