Chưa thể khẳng định con rể cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc phạm tội?
VOV.VN -Tại phần đối đáp, kiểm sát viên đã nêu quan điểm việc không xem xét trách nhiệm hình sự con rể của Cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc.
Vì sao ông Dũng gọi điện cho các bị cáo?
Trong phần đối đáp của phiên tòa xét xử vụ “quan tài diễu phố” ở Vĩnh Phúc chiều 14/7, gia đình bị hại đưa nghi vấn ông Trần Khánh Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Minh Giang – con rể của cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc có liên quan đến vụ án nhưng không được xem xét tại phiên tòa. Việc không truy xét ông Dũng bị gia đình bị hại đặt câu hỏi phải chăng trong vụ án này đã bỏ lọt tội phạm.
Đối đáp với quan điểm của gia đình bị hại, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, lời khai của ông Dũng đã được công bố tại tòa. “Tôi là người kiểm sát điều tra, việc điều tra với vụ án này là đầy đủ”.
Đặng Quốc Tú một mức kêu oan |
Theo kiểm sát viên, những cuộc điện thoại, nhắn tin của ông Dũng tới các bị cáo trong vụ án này là theo yêu cầu của lãnh đạo công an thành phố, đề nghị ông Dũng gọi các can phạm ra công an làm việc. “Chưa thể khẳng định ông Dũng phạm tội”, kiểm sát viên nói.
Trước đó, tại phiên tòa sáng nay, trả lời câu hỏi của luật sư về những cuộc điện thoại của ông Dũng đến các bị cáo trong vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Tình cho biết, ông Dũng không nhờ bị cáo đánh nhau hộ. Trong 2 ngày 15-16/3/3013, Tình cũng cho hay, không nhận được điện thoại của ông Dũng.
Cũng trả lời thẩm vấn của luật sư về vấn đề trên, Phùng Đắc Tú cho hay cũng không gọi điện lần nào.
Đối với câu hỏi trên của luật sư, bị cáo Đặng Quốc Tú cho biết, ngày 16/3, bị cáo có nhận được điện thoại của ông Dũng nhưng bị cáo không nghe. Thời điểm đó, bị cáo gặp ông Dũng tại cơ quan điều tra.
Vấn đề này cũng được bị cáo Nguyễn Văn Định cho biết, ngày 17/3, ông Dũng có gọi điện thông báo Định lên công an thành phố đầu thú.
Phùng Mạnh Tuấn cũng cho biết, bị cáo cũng có nhận được một cuộc điện thoại lạ nhưng không nghe máy, sau đó bị cáo nhận được tin nhắn: “Tuấn à, anh Dũng đây”.
Không nhận tội không có nghĩa là không có tội?
Ngoài phần bào chữa của luật sư, Đặng Quốc Tú – bị cáo duy nhất trong vụ án này kêu oan đối đáp lại quan điểm luận tội của VKS rằng, vụ án chưa làm rõ, với mức độ cồn trong máu cao như vậy thì khi rơi xuống nước, nạn nhân Tuấn Anh không thể tự bò lên bờ được. Tú cũng đề nghị dựng lại hiện trường vụ án.
Trả lời câu hỏi của Đặng Quốc Tú, giám định viên cho biết, thời điểm đó nồng độ cồn trong máu của nạn nhân là 312,4mg/100ml máu. Giám định viên cho hay, đối với nồng độ cồn 432mg/100ml máu được xác định là say nặng. Cho nên tùy từng trường hợp và trạng thái của mỗi người, thời điểm đó không thể khẳng định được bị hại đã say nặng hay chưa.
Liên quan đến câu hỏi của Đặng Quốc Tú về việc, với lượng cồn trong máu nhiều như vậy thì liệu anh Tuấn Anh có thể trèo lên bờ được không?, kiểm sát viên cho biết, chứng cứ cho thấy, sau khi bị truy sát, anh Tuấn Anh đã nhảy xuống kênh, sau đó chạy và sang bờ kênh bên kia thì mới bị đạp xuống nước. “Anh Tuấn Anh còn chạy được, còn trèo được”, VKS nói.
Cũng tại phần đối đáp, Đặng Quốc Tú tiếp tục đưa ra quan điểm cho rằng mình không đánh anh Tuấn Anh và dẫn đến cái chết của anh này. “Nếu bị cáo đánh anh Tuấn Anh, thì bị cáo trốn ngay”. Quốc Tú cũng đưa ra quan điểm rằng, nếu bị cáo đánh Tuấn Anh thì bị cáo đã không đến nhà bị hại sau đó. “Bị cáo muốn làm sáng tỏ sự việc, bị cáo bị oan”.
Đối đáp với luận điểm kêu oan của Đặng Quốc Tú, kiểm sát viên chỉ ra rằng, bị cáo tham gia tích cực trong việc đuổi đánh anh Tuấn Anh. Chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra và được kiểm chứng tại phiên tòa. “Các bị cáo cũng khai Quốc Tú đã bắt giữ được anh Tuấn Anh đầu tiên”, viện kiểm sát bảo vệ quan điểm.
“Tú cho rằng không đánh anh Tuấn Anh. Việc bị cáo không nhận tội là việc của bị cáo. Lời khai của bị cáo chỉ là một nguồn để đánh giá hành vi phạm tội. Việc các bị cáo không nhận tội không có nghĩa là không có tội”, kiểm sát viên khẳng định.
Đối đáp với yêu cầu thực nghiệm điều tra của gia đình bị hại, kiểm sát viên cho hay, đã thực nghiệm điều tra trên cạn, thực nghiệm điều tra diễn tả nội dung bị cáo bị đánh ở trên bờ. Việc thực nghiệm ở dưới nước không thể thực hiện được vì anh Tuấn Anh chui qua cống là có thể xảy ra vì liên quan đến lưu lượng nước, dòng chảy….
Chỉ xin giảm nhẹ cho 2 bị cáo
Tại lời nói sau cùng, các bị cáo mong HĐXX xem xét giảm mức án. Các bị cáo cũng xin lỗi gia đình bị hại. Bị cáo Phùng Mạnh Tuấn mong tòa xem xét mức áp thấp để sớm về với xã hội, phụng dưỡng mẹ già.
Em họ của nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh là Nguyễn Duy Hiệp trong lời nói sau cùng cũng nhận thức được tội lỗi và hành vi của mình gây ra. Hiệp tỏ ra ăn năn và xin giảm nhẹ để sớm trở về với gia đình.
Đối với Đặng Quốc Tú – bị cáo duy nhất trong vụ án kêu oan, trong lời nói sau cùng, Tú mong tòa xem xét công bằng, minh oan cho bị cáo.
Cũng tại lời nói sau cùng, đại diện gia đình bị hại xin HĐXX xem xét giảm án cho bị cáo Nguyễn Văn Bính. Gia đình bị hại cho rằng, gia đình của Bính có trách nhiệm, thường xuyên đến nhà thăm hỏi. Gia đình Bính cũng vay mượn để lo cho Bính.
Đối với người em họ trong gia đình – cũng là bị cáo trong vụ án này Nguyễn Duy Hiệp, gia đình bị hại nói rằng, Hiệp là người cùng huyết thống. “Trong 2 năm qua, Hiệp cũng đã thể hiện sự hối lỗi, nhưng không biết đã thật hay chưa. Bị cáo là em tôi, mong HĐXX xem xét giảm án.
Đối với các bị cáo khác, do đang có hai luồng ý kiến và gia đình bị hại cho rằng các bị cáo vẫn chưa nói thật hết sự vụ án nên cho biết xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nào.
Chiều 15/7, HĐXX sẽ tuyên án vụ “quan tài diễu phố”./.