Đại án NH Xây Dựng: Một nửa sự thật thì không phải sự thật
Luật sư cho rằng: "Một nửa sự thật được cộng thêm sự suy diễn thì sự thật chắc chắn bị thay đổi”.
Với những câu hỏi xoáy, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Ngọc Bích từng làm cho Phạm Công Danh lúng túng và nổi cáu; Sáng 24/8, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đã trình bày ý kiến của mình trong phần tranh luận tại phiên tòa đại án Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng.
Phạm Công Danh được dẫn giải đến tòa sáng 24/8 |
Lẫn lộn thật, giả?
Theo luật sư, nhóm Trần Ngọc Bích có nguồn tiền hợp pháp, giao dịch thật, gửi tiền thật vào VNCB bằng số tiết kiệm và trên tài khoản tiền gửi thanh toán. Theo Luật các tổ chức tín dụng, VNCB có trách nhiệm quản lý sử dụng tiền và có trách nhiệm hoàn trả cho nhóm bà Bích cả gốc và lãi theo quy định. Bà Bích và VNCB ký 3 Hợp đồng tiền gửi với VNCB thỏa thuận về kỳ hạn, lãi suất tiền gửi trên tài khoản. Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng bà Bích dùng 3 Hợp đồng này để đòi tiền VNCB, 3 hợp đồng này không được hạch toán trên hệ thống của VNCB, 3 Hợp đồng này có sai sót về đánh máy, ngày tháng, từ “bà Trần Ngọc Bích” thành “ông Trần Ngọc Bích”. 3 hợp đồng này không có thật thì tiền cũng không có thật.
Luật sư Uyên khẳng định, 3 Hợp đồng tiền gửi là thật, VNCB ký thật, tiền chuyển vào thật, nếu vẫn bị coi là giả thì thế nào mới là thật? VNCB có hạch toán trên hệ thống hay không là việc nội bộ, là trách nhiệm của VNCB. Khách hàng chuyển tiền thật cho VNCB xong thì khách hàng không thể vào hệ thống của VNCB để hạch toán. Nếu sau khi nhận tiền, VNCB không hạch toán, khách hàng mất tiền thì đây sẽ là tiền lệ vô cùng nguy hiểm đe dọa lợi ích hợp pháp của hàng chục triệu người gửi tiền. Các sai sót chính tả không làm thay đổi hiệu lực Hợp đồng, “VNCB không thể nhận tiền gửi của “bà” Trần Ngọc Bích, sau đó không trả tiền cho “bà” Trần Ngọc Bích vì lý do Hợp đồng ghi là “ông” Trần Ngọc Bích”. Tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán của Bích, Hợp đồng tiền gửi chỉ là thỏa thuận về thời hạn và lãi suất, giá trị của Hợp đồng tiền gửi không làm thay đổi trách nhiệm của VNCB.
VNCB làm sai và phải chịu trách nhiệm
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên phân tích về sai phạm của VNCB “tiền của khách hàng đã được gửi vào tài khoản thanh toán không còn là tiền vật chất, mà được ghi nhận bằng hạch toán của NH. Khi mở tài khoản tại NH, các khách hàng không thể tự chuyển tiền, thanh toán tiền cho nhau. Cũng không hề có đồng tiền vật chất nào chạy từ tài khoản này sang tài khoản khác. Chuyển tiền là việc khách hàng lập chứng từ, NH là trung gian thanh toán, kiểm tra chứng từ để ghi nhận trong tài khoản của người trả, người nhận tiền. Không có chứng từ thì không có việc chuyển tiền. Không có chứng từ thì NH không thể hạch toán trên tài khoản của người trả và người nhận tiền. Với khoản tiền 5.190 tỉ đồng trên tài khoản thanh toán của Trần Ngọc Bích, bà Bích đã không lập chứng từ (lệnh chi) gửi đến VNCB thì không thể có việc chuyển tiển. Không có việc chuyển tiển thì tiền vẫn còn trên tài khoản. Không có chứng từ hợp lệ của bà Bích thì VNCB không thể hạch toán ghi chi tiền trên tài khoản của Bích. Việc VNCB ghi chi tiền (ghi nợ) 5.190 tỉ đồng trên tài khoản của Bích là hạch toán sai, không đúng quy định pháp luật.
Cáo trạng và luận tội của VKS tại phiên tòa đã đưa ra kết luận phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, phù hợp với quy định pháp luật: “VNCB bị thiệt hại 5.190 tỉ đồng từ hành vi của các bị cáo. Bản chất sự việc là VNCB đã tự ý ghi nhận, hạch toán trái pháp luật khi ghi chi (ghi nợ) trên tài khoản của Trần Ngọc Bích. VNCB có nghĩa vụ hạch toán lại, hoàn trả lại tiền vào tài khoản của Trần Ngọc Bích, đồng thời bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Trần Ngọc Bích theo quy định pháp luật”, luật sư Uyên tranh luận.
“Có quan điểm cho rằng VNCB đã “chuyển tiền không có chứng từ” hoặc “chuyển tiền có chứng từ nhưng không có chữ ký” trên tài khoản của Trần Ngọc Bích, các quan điểm này không đúng sự thật, không đúng bản chất, vì không có chứng từ thì không thể chuyển tiền, lệnh chi không có chữ ký thì không phải là chứng từ. Xuất phát từ quan điểm “chuyển tiền không có chứng từ”, “chứng từ không có chữ ký” đã có quan điểm khác suy diễn tiếp làm thay đổi bản chất sự việc là không có chứng từ nhưng có đồng thuận, có chứng từ nhưng cho nợ chữ ký”.
6 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 303,5 tỉ đồng là tài sản của nhóm Trần Ngọc Bích đã bị VNCB nhận cầm cố và cho vay 300 tỉ đồng. Tiền vay được chuyển cho Phạm Công Danh sử dụng. Tất cả các hồ sơ vay, hợp đồng cầm cố đều không có chữ ký của chủ sở hữu sổ tiết kiệm. Luật sư Uyên nêu: “Thiết nghĩ không cần thiết phải trích dẫn bất cứ quy định pháp luật nào về trường hợp này. Cả pháp lý, đạo lý đều rõ ràng, chủ sổ tiết kiệm không vay tiền, không ký hợp đồng và không ký hồ sơ vay, không nhận và không sử dụng tiền vay thì đương nhiên không phải chịu trách nhiệm”. Cáo trạng, luận tội của VKS tại phiên tòa cũng thể hiện VNCB phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi cho vay 300 tỉ đồng này.
Tài liệu, chứng cứ giả?
Tại phiên tòa đã có lời khai về bản tài liệu hồ sơ vay được cho là bản FAX, có chữ ký của cá nhân chủ sổ tiết kiệm. Lời khai này đã được luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh nêu; luật sư Uyên khẳng định: “Tài liệu được coi là bản FAX trên có dấu hiệu bị làm giả, ngụy tạo, không có giá trị, không xác thực và cũng không có ý nghĩa xác định sự đồng thuận của bất kỳ cá nhân chủ sở hữu sổ tiết kiệm nào. Kết quả điều tra, cáo trạng, phần thẩm vấn tại tòa, luận tội của VKS đã chứng minh điều này”.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh có nêu, đại diện VNCB có cung cấp chứng từ (bản sao y) chứng minh nhóm Trần Ngọc Bích có ký các chứng từ giao dịch liên quan đến 5.190 tỉ đồng. Luật sư Uyên khẳng định kiên quyết và đề nghị: “Thực tế cho thấy không có bất cứ chứng từ nào, kể cả bản sao y liên quan đến khoản tiền 5.190 tỉ đồng đã bị VNCB hạch toán chi trái pháp luật trên tài khoản của bà Bích. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tôi đề nghị HĐXX làm rõ việc khai báo này có đúng không và truy cứu trách nhiệm theo quy định pháp luật nếu có khai báo gian dối”.
VNCB huy động lãi suất 82%/năm?
Luật sư Uyên cho rằng, nhóm Trần Ngọc Bích không nhận lãi ngoài vì: “VNCB không có lý do để chi lãi ngoài (được NHNN đảm bảo về thanh khoản, thị trường thời điểm đó ổn định, đến mức lãi suất trần đã được NHNN dỡ bỏ ở kỳ hạn trên 6 tháng). VNCB, Phạm Công Danh không có tiền, không chứng minh được nguồn tiền để chi lãi ngoài. VNCB không thể chi lãi ngoài (bị NHNN kiểm soát, ảnh hưởng của vụ Huyền Như, bầu Kiên). Các lời khai chi lãi ngoài không phù hợp, không kiểm chứng được (không có quy trình, không có tổng số tiền, không có danh sách người nhận...), mức lãi ngoài, số tiền lãi các bị cáo khai không thống nhất và quá vô lý. Không có bất cứ chứng từ nào thể hiện nhóm Trần Ngọc Bích nhận lãi ngoài”.
Có lời khai VNCB trả lãi ngoài cho Trần Ngọc Bích tới 2.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi thẩm vấn, Phạm Công Danh, Phan Thành Mai đã không chứng minh được nguồn tiền ở đâu ra để chi lãi vượt trần, tổng số đã chi là bao nhiêu cho tất cả các khách hàng? Nếu tiền của cá nhân Phạm Công Danh, thì trước đó ở đâu, nếu tiền của Tập đoàn Thiên Thanh thì có thể hiện trên báo cáo tài chính của Tập đoàn không? Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, không xác định được nguồn tiền để trả lãi vượt trần.
Luật sư Uyên dẫn chứng: “Hồ sơ vụ án án, kết quả thẩm vấn tại tòa đều thể hiện Phạm Công Danh và Tập Đoàn Thiên Thanh chưa bỏ bất cứ đồng nào ra cho hoạt động của VNCB. Mua cổ phần, tăng vốn, trả nợ cũ, chi tiêu cá nhân đều có nguồn gốc rút ra từ VNCB”. Báo cáo tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh thể hiện vào ngày 31/12/2012, Thiên Thanh chỉ có 875 triệu đồng tiền mặt. Sau đó một năm, ngày 31/12/2013 thì con số này là 1,4 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2012 là 85 triệu, năm 2013 là 80 triệu. Vậy Tập đoàn Thiên Thanh này lấy đâu ra hàng ngàn tỉ đồng chi lãi ngoài? “Trong phần thẩm vấn, Phan Thành Mai, Phạm Công Danh đã không trả lời được các câu hỏi về quy trình chi lãi ngoài như thế nào? Nguồn tiền chi ở đâu ra? Ai là người đề xuất, ai là người quyết định, ai là người thực hiện? Hệ thống ghi chép, báo cáo, lưu trữ như thế nào? Giám đốc chi nhánh nào của VNCB đã lên đòi tiền nợ cho lãi ngoài?...” Đây cũng là các vấn đề chưa hề được làm rõ trong quá trình điều tra và truy tố nêu rõ.
Các lời khai của Phạm Công Danh là trốn tội, mâu thuẫn đã được luật sư Uyên chỉ rõ: “Nếu Danh khai lãi ngoài chênh lệch là 4%/tháng thì tổng mức lãi suất chênh lệch năm là 4x12=48%, cộng với mức lãi suất trên sổ là 10% thì lãi suất thực là 58%/năm. Nếu chênh lệch là 6%/tháng, thì tổng mức lãi suất chênh lệch năm là 6x12=72%, cộng với mức lãi suất trên sổ là 10% thì lãi suất thực là 82%/năm”. Luật sư này cũng dẫn Báo cáo chính thức của Chính phủ nêu rõ năm 2013 “Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm mạnh”, “Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 – 9%, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác 9 – 11%, một số doanh nghiệp tình hình tài chính lành mạnh được vay với lãi suất 6,5 – 7%”. Với lãi suất huy động 72%/năm, 58%/năm, trong khi VNCB cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm của mình với lãi suất 10,5% - 11,5%/năm. Đây là điều cực kỳ phi lý.
Quá trình thẩm vấn tại phiên tòa đã thể hiện không có bất cứ chứng cứ nào thể hiện nhóm Trần Ngọc Bích nhận lãi ngoài. Quá trình thẩm vấn tại Tòa cũng làm rõ chứng từ nhận tiền có dòng chữ “lãi ngoài” là do Nguyễn Thị Thu Hương, nhân viên của Phạm Công Danh ghi thêm sau này, Hương đã thừa nhận. Tại phiên tòa, luật sư Trương Thị Minh Thơ đã đề nghị xem xét trách nhiệm của Hương.
Luật sư kết luận: “Trần Ngọc Bích không nhận lãi ngoài. Các lời khai đơn phương từ phía các bị cáo không có căn cứ, đây là các lời khai không khách quan vì việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo”. Luật sư Uyên đề nghị HĐXX bác bỏ các lời khai, quan điểm về việc bà Bích nhận lãi ngoài, đồng thuận với việc chuyển tiền, vay tiền 300 tỉ đồng, nợ chữ ký, có dấu hiệu đồng phạm với Phạm Công Danh...
Kết thúc bài phát biểu của mình, luật sư này còn nêu: “Một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Một nửa sự thật được cộng thêm sự suy diễn thì sự thật chắc chắn bị thay đổi”./.