Huyền Như: 4 công ty gửi tiền vào VietinBank là do quan hệ với bị cáo
VOV.VN -Huyền Như khai trước tòa: Các nguyên đơn dân sự không có quan hệ với bị cáo thì không bao giờ giao tiền, chưa chắc đã giao dịch với Vietinbank (VTB)
Chiều 29/5, phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quê Tiền Giang) – cựu quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Ngân hàng Vietinbank và đồng phạm là Võ Anh Tuấn (SN 1972, quê Thái Bình) – cựu Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè kết thúc phần tranh luận.
Trước khi nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Tâm trạng khá mệt mỏi, Huyền Như trình bày: “Đến nay tội danh đã được xác định nhưng tâm trạng của bị cáo chưa được an tâm”.
Theo “siêu lừa” Huyền Như, bị cáo là người có lỗi khi chiếm đoạt tiền của các nguyên đơn dân sự. Bị cáo giao nộp toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử siêu lừa Huyền Như |
Tiếp tục trình bày, Huyền Như cho biết, rất ân hận vì sai phạm của mình. Bên nguyên đơn dân sự đòi Vietinbank bồi thường trong khi bản chất vụ án đã được làm rõ. Như cũng khẳng định rằng, mình không phải là người có chức vụ quyền hạn.
“Thực chất các nguyên đơn dân sự mà không có quan hệ với bị cáo trước đó thì không bao giờ giao tiền cho bị cáo. Chắc chắn nếu không qua bị cáo thì họ chưa chắc đã giao dịch với Vietinbank vì sẽ không có khoản tiền lãi suất ngoài mà bị cáo chi để chuyển cho họ. Mong HĐXX xem xét để bị cáo yên tâm cải tạo sớm về với gia đình”, Huyền Như nói.
Trong phiên tòa phúc thẩm lần hai, Huyền Như không kháng cáo.
Lời nói sau cùng, bị cáo Võ Anh Tuấn xin HĐXX cân nhắc, xem xét hành vi của mình. Tuấn cho rằng hành vi của mình chỉ thực hiện một lần, kể cả việc nhận thư từ Huyền Như. “Bị cáo cảm giác như bị xử chồng án (1 hành vi bị xét xử 2 lần -PV)”. Nếu theo quy định pháp luật vẫn quy buộc tội thì bị cáo mong HĐXX xem xét giảm án, vì mức án 27 năm quá nặng”.
Trước đó, tại phần tranh luận, nêu quan điểm đối đáp với ý kiến của các luật sư, công tố viên cho biết, Huyền Như vì làm ăn thua lỗ nên đã nảy sinh ý đồ chiếm đoạt tiền của 4 công ty.
“Siêu lừa” dùng nhiều thủ đoạn gian dối để tạo niềm tin cho các bên. Sau khi số tiền chuyển vào tài khoản của Vietinbank, Huyền Như đã giả mạo giấy tờ để chiếm đoạt. Ở phiên toà, Huyền Như khai nhận, đã dùng bẫy lãi suất cao để lừa các công ty.
Theo cơ quan công tố, đủ cơ sở xác định Huyền Như đã thực hiện chuỗi hành vi gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các công ty này cũng không theo dõi dòng tiền trong tài khoản, bỏ mặc tài khoản. Các công ty cũng không ký kết hợp đồng tại ngân hàng, nằm ngoài phạm vi của ngân hàng. Từ sơ hở này bị cáo Như đã làm giả giấy tờ hợp đồng.
Bởi vậy, Viện xác định, trong vụ án này, các công ty là nguyên đơn dân sự, Vietinbank là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Việc “siêu lừa” phải bồi thường cho các công ty là có căn cứ, Vietinbank không phải bồi thường.
Hai kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa |
Trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Minh Tâm – bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty CP Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS), cho rằng trong giai đoạn 1 của vụ án Huyền Như, chính đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao tại TP HCM (nay là Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP HCM) đã đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì Huyền Như phạm tội Tham ô tài sản. Luật sư cho rằng, nhưng bây giờ, Viện Kiểm sát lại thay đổi quan điểm mà theo luật sư là “180 độ”, khi vẫn cáo buộc Huyền Như tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về quan điểm của luật sư, công tố viên cho hay: “Luật sư phát biểu như vậy thì dư luận sẽ đánh giá thế nào?”. Theo Viện kiểm sát, tại bản án phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án Huyền Như, kiểm sát viên đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm vì có dấu hiệu của tội tham ô tài sản, chưa kết tội tham ô. Nhưng trong quá trình điều tra lại xét thấy không có dấu hiệu của tội tham ô mà là tội lừa đảo. Điều này được chứng minh trong diễn biến của các phiên tòa.
Công tố cũng chỉ ra rằng, tại sao Huyền Như không nhắm vào các đơn vị gửi tiền khác vì họ có quan hệ giao dịch ngay thẳng với Vietinbank. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của 4 công ty đang kháng cáo tại phiên tòa này do “siêu lừa” lợi dụng sự tin tưởng quá mức, sự hám lợi lãi ngoài hợp đồng khủng của các công ty. Hành vi lừa đảo của Huyền Như được chứng minh bằng chuỗi hành vi gian dối. Công tố cũng khẳng định Huyền Như chiếm đoạt của nguyên đơn dân sự, không chiếm đoạt của Vietinbank.
“Hành vi này đã được công bố và chứng minh rất nhiều lần. Vì thế, mong các luật sư hiểu rõ vấn đề”, VKS nêu.
Theo bản án sơ thẩm, Huyền Như đã chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty. Trong 5 nguyên đơn thì Công ty Hưng Yên không kháng cáo.
4 công ty gồm: Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc mất hơn 880 tỷ đồng đồng loạt kháng cáo đòi tiền từ Vietinbank.
Huyền Như bị tuyên án Chung thân, đồng phạm Võ Anh Tuấn bị tuyên phạt 27 năm tù giam (tổng hợp 2 bản án).
10 giờ ngày mai (30/5), Tòa sẽ đưa ra phán quyết cấp phúc thẩm đối với vụ án Huyền Như./.
Xét xử Huyền Như: Thỏa thuận ngầm và món lợi lãi suất ngoài hợp đồng
Vụ siêu lừa Huyền Như: Luật sư phản bác yêu cầu VietinBank bồi thường
Xét xử “siêu lừa” Huyền Như: VKS đề nghị bác 4 kháng cáo đòi tiền
Vai trò của nguyên Giám đốc TPBank trong vụ án Huyền Như