“Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tôn vinh dân tộc Việt Nam”
VOV.VN - Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là tôn vinh và giới thiệu dân tộc Việt Nam, đồng thời quảng bá tư tưởng vì hòa bình và nhân văn của Người ra thế giới.
Đó là những nội dung chính được PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đề cập trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV về những hoạt động nhằm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất - ở nước ngoài.
PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc |
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong thời gian vừa qua?
PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc: Tôi thấy các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài trong những năm vừa qua đã đạt nhiều thành công. Thông qua những hoạt động này các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu, chính khách và người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới đã hiểu sâu sắc hơn thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như đất nước và con người Việt Nam.
Có thể nói, những hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy là rất đáng trân trọng và cần phải tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra trong thời gian tới là làm sao để các hoạt động này được tổ chức thường xuyên, liên tục và có chiều sâu hơn nữa.
Theo tôi, có thể đi vào ba vấn đề lớn. Thứ nhất là, phải luôn thống nhất giữa danh hiệu Anh hùng giải phóng dân tộc với danh hiệu Nhà văn hóa kiệt xuất. Trong quá trình tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, không được tách rời 2 danh hiệu này. Bản thân sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác Hồ thường chứa đựng những giá trị văn hóa, nhân văn, đạo đức rất cao. Và chính những giá trị văn hóa, nhân văn, đạo đức ấy lại tác động trở lại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và khẳng định vị trí của dân tộc Việt Nam.
Một điểm nữa cần lưu ý, đó là phải luôn luôn gắn kết Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam. Nếu tách rời dân tộc mà chỉ nói riêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh thôi thì chưa đủ vì Người là hiện thân của dân tộc, là lãnh tụ của dân tộc và kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc.
Khi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy ở Người có ba yếu tố giúp hình thành lên những giá trị vẻ vang, đó là Bác đã kế thừa được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà chúng ta vẫn gọi là văn hiến Việt Nam. Đây là sự kết tinh từ bốn chữ: “Văn hóa-Trí tuệ-Đạo đức- Cái đẹp”.
Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là tôn vinh dân tộc, giới thiệu dân tộc Việt Nam ra thế giới. Bản thân sự gắn kết đó đã được ghi lại trong lời Điếu văn truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969. Đó là: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Cuối cùng, nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhắc tới sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước vì Bác là người sáng lập Đảng, sáng lập Nhà nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác gắn liền với quá trình lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của Nhà nước. Chính vì thế, không thể tách rời ba nhân tố: Hồ Chí Minh - Đảng Cộng sản Việt nam- Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nếu ta hòa quyện được những giá trị đó trong quá trình hướng tới thực hiện nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của đất nước hiện nay đó là đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và làm rõ hơn câu nói của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/20/1930-03/02/2019): “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay”, thì chúng ta sẽ thành công hơn nữa trong việc tôn vinh Hồ Chí Minh trên thế giới.
Nguyễn Ái Quốc và một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (tháng 7/1924). Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Phóng viên: Xin ông cho biết, đâu là những giá trị nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta cần tôn vinh và quảng bá rộng rãi hơn nữa trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn đã tạo ra những chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết?
PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc: Điểm nổi bật nhất trong Tư tưởng Hồ CHí Minh trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế hiện nay chính là tư tưởng, văn hóa vì hòa bình, nhân văn, nhân ái và thúc đẩy tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Điều này đã được nhà báo, nhà thơ Xô Viết Osip Emilyevich Mandelstam đề cập khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 23/12/1923 tức là gần 100 năm trước khi Người còn là một chàng thanh niên: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.
Tư tưởng hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, coi “Năm châu bốn biển đều là anh em” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cập hơn 70 năm trước cho đến nay vẫn có giá trị và ý nghĩa đặc biệt, khi thế giới vẫn phải chứng kiến nhiều bất hòa, căng thẳng, xung đột và nhiều vấn đề quan trọng cần có sự chung tay giải quyết của tất cả các quốc gia.
Cụ thể, khi trả lời nhà báo Mỹ Elie Massie, làm việc cho hãng International News Service, vào tháng 9/1949 về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chính sách đó là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Trước đó, vào năm 1946, Người cũng đã đề cập đến chính sách mở cửa, hợp tác với bên ngoài như: “Hoa-Việt thân thiện” hay “Hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.
Chính vì thế, theo tôi, tư tưởng về đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hòa hiếu với các nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến ngày nay vẫn có giá trị lớn lao. Nếu chúng ta có thể tập trung tuyên truyền quảng bá tư tưởng này thì hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước Việt Nam sẽ được cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa./.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.
Giám ngục người Pháp và kỷ vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh
3 bức thư “định mệnh” giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 Tổng thống Mỹ