Nghi phạm cướp Ngân hàng ở Huế có thể nhận mức án cao nhất?
VOV.VN - Trong trường hợp áp dụng Bộ luật Hình sự 1999 hay 2015, nghi phạm cướp ngân hàng ở Huế có thể sẽ không phải chịu mức án tử hình.
Như tin đã đưa, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng và Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã bắt được nghi can vụ cướp chi nhánh Ngân hàng BIDV ở Huế.
Đối tượng được xác định là Nguyễn Hoàng Tâm (29 tuổi, trú tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) bị công an bắt khi đang lẩn trốn ở Đà Nẵng.
Đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm dùng súng cướp ngân hàng đã bị bắt sau hơn 10 ngày lẩn trốn. |
Bước đầu, đối tượng khai nhận đã đi cướp tiền ở chi nhánh Ngân hàng BIDV trên đường Mai Thúc Loan (TP Huế) do cần tiền tiêu xài.
Đối tượng đã mua chiếc xe máy của một người bạn trên mạng để làm phương tiện đi gây án. Được biết, khẩu súng mà Tâm dùng để khống chế nhân viên Ngân hàng không phải vũ khí quân dụng, là súng bắn đạn bi, nén khí gas cũng được Tâm mua trên mạng.
Trong quá trình điều tra, truy xét, cơ quan công an đã tìm thấy chiếc xe máy Attila, gắn biển số 52Z5-396 và chiếc mũ bảo hiểm mà Tâm để lại ở khu vực chợ Đông Ba, thành phố Huế. Từ đó cơ quan công an đã lần theo đấu vết và bắt được nghi can tại thành phố Đà Nẵng.
Phân tích pháp lý về hành vi của Nguyễn Hoàng Tâm, luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) cho biết, với số tiền 725 triệu đối tượng đã cướp được, hành vi của Nguyễn Hoàng Tâm đã vi phạm tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 khoản 4 tiết b Bộ luật Hình sự 1999 với tình tiết định khung khi số tiền đối tượng chiếm đoạt là hơn 500 triệu đồng. Theo đó, mức phạt chính cho tội danh này là phạt tù từ 18-20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 144 năm 2016 của Quốc hội về lùi thời hạn hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015, vẫn áp dụng Bộ luật Hình sự 1999 để xét xử khi luật mới chưa có hiệu lực nhưng áp dụng quy định có lợi cho bị cáo, giảm nhẹ với một số tội danh, vì thế, đối tượng sẽ không bị áp dụng án tử hình, tối đa là chung thân.
Liên quan đến chi tiết khẩu súng bắn gas mà đối tượng sử dụng đi cướp ngân hàng, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, loại vũ khí này không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng. Tuy nhiên ở Điều 3 của Pháp lệnh này trong phần giải thích từ ngữ có nói đến các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
Do vậy, việc có khởi tố đối tượng Nguyễn Hoàng Tâm tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng hay không còn phụ thuộc vào việc cơ quan chức năng đánh giá xem loại súng đối tượng sử dụng có thuộc loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng hay không./.
Nghi phạm dùng súng cướp Ngân hàng BIDV ở Huế đã sa lưới như thế nào?