Nhập nhằng hợp tác đầu tư mỏ đá, “đại gia” Thái Lương Trí hầu tòa
VOV.VN -“Đại gia” Thái Lương Trí hầu tòa phúc thẩm khi quan đến việc chiếm đoạt cổ phần của các cổ đông góp vốn trong liên doanh đầu tư sang Lào.
Tòa án Cấp cao tại Hà Nội ngày 18/7, đưa vụ án Thái Lương Trí (SN 1940, quê Nghệ An) – cựu Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần khoáng sản Lào – Việt và Dương Minh Hải (SN 1958, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – cựu PGĐ Công ty Liên doanh khoáng sản Lào Việt ra xét xử phúc thẩm hai tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong hai bị cáo, Thái Lương Trí được biết đến là đại gia giàu có nức tiếng xứ Nghệ một thời.
Bị cáo Thái Lương Trí (tóc bạc) tại phiên tòa phúc thẩm |
Hai bị cáo kháng cáo kêu oan. Bản án sơ thẩm cho biết, Công ty CP Tập đoàn Thái Dương do ông Đoàn Văn Huấn làm giám đốc, Công ty TNHH Thiên Phú do bà Chu Thị Thành làm giám đốc và Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An do Thái Lương Trí làm giám đốc đã thỏa thuận hợp tác cùng nhau liên doanh góp vốn thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản mỏ Huổi Chừn (huyện Xẩm Tạy, tỉnh Hủa Phăn, Lào).
Trong hợp tác này, Công ty của Thái Lương Trí làm đại diện đã ký hợp đồng liên doanh với đối tác nước bạn là Công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Oong Khăm do ông Oong Khăm Sivilay (quốc tịch Lào) làm giám đốc.
Ngày 8/1/2008, khi Chính phủ Lào cho phép được thành lập công ty cổ phần khai thác khoáng sản Lào Việt thì 4 công ty trên chuyển từ hợp tác liên doanh sang công ty cổ phần để trực tiếp thực hiện nội dung của hợp đồng thăm dò, khai thác khoáng sản mỏ Huổi Chừn.
Các bên cử thành viên tham gia quản lý công ty. Cụ thể tham gia HĐQT có Thái Lương Trí – Chủ tịch HĐQT, Đoàn Văn Huấn và bà Chu Thị Thành là ủy viên HĐQT.
Tham gia ban giám đốc công ty cổ phần có ông Đoàn Văn Huấn – TGĐ, bà Chu Thị Thành – PTGĐ.
Bởi vậy, ngày 8/1/2008, tài sản do các bên góp vốn vào dự án cũng như việc thực hiện dự án thăm dò, khai thác mỏ Huổi Chừn là do Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Việt tiếp nhận và thực hiện.
Tính đến ngày 11/12/2007, Công ty TNHH Thiên Phú đã góp vốn vào dự án là hơn 11 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Thái Dương góp vốn hơn 10,3 tỷ đồng.
Trên cơ sở góp vốn của cổ đông, ngày 8/1/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài số 006-08 cho phép thành lập Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Việt, trong đó người đầu tư nước ngoài Thái Lương Trí giữ 37% cổ phần, ông Đoàn Văn Huấn giữ 18% cổ phần, bà Chu Thị Thành giữ 10% cổ phần. Vốn điều lệ của công ty là 1,5 triệu USD.
Sau khi giấy phép đầu tư 006-08 ngày 8/1/2008 được Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào cấp phép, Thái Lương Trí thấy thời kỳ khó khăn của dự án đã qua, lợi ích từ việc khai thác mỏ rất lớn, nếu căn cứ vào thỏa thuận tại hợp đồng liên doanh với công ty của ông Huấn và bà Thành và thỏa thuận trả một số cổ phần cho các doanh nghiệp khác khi huy động vốn của họ thì cổ phần của Trí trong Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Việt hầu như không còn.
Vì vậy Trí nảy sinh ý định chiếm đoạt cổ phần và tài sản của ông Huấn và bà Thành đại diện cho hai công ty trong Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Việt.
Để chiếm đoạt toàn bộ cổ phần và tài sản đã đầu tư vào dự án mỏ Huổi Chừn của hai cổ đông, Thái Lương Trí đã thực hiện một loạt thủ đoạn gian dối như: Mượn cổ phần của ông Huấn và bà Thành để làm Chủ tịch HĐQT, sau đó dùng quyền của mình tạo ra mâu thuẫn nội bộ (không ra quyết định bổ nhiệm các chức danh của công ty), tự xưng là giám đốc công ty để làm thủ tục giấy phép đăng ký kinh doanh, xin giấy phép khắc dấu, tự ý chỉ đạo Dương Minh Hải soạn thảo tờ trình gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào xin cấp giấy phép thành lập Công ty Liên doanh Khoáng sản Lào Việt, nhằm loại tên của cổ đông sáng lập là ông Huấn, bà Thành ra khỏi công ty.
Hải đã thống nhất và thực hiện theo chỉ đạo của Thái Lương Trí là chỉ đưa tên của ông ta làm cổ đông Việt Nam trong Công ty Liên doanh Khoáng sản Lào Việt, ông Oong Khăm Sivilay (quốc tịch Lào) làm đại diện cho phía Lào trong tờ trình xin xin cấp phép đầu tư và điều lệ công ty theo giấy phép được cấp mới là số 157-08 ngày 18/12/2008 cho Công ty Liên doanh Khoáng sản Lào Việt.
Chính vì vậy, ông Huấn và bà Thành mất quyền sở hữu đối với tài sản mà hai công ty đã góp vốn đầu tư vào dự án thăm dò, khai thác mỏ Huổi Chừn.
Việc Thái Lương Trí và Dương Minh Hải loại hai cổ đông ra khỏi công ty bằng thủ đoạn gian dối đã chiếm số cổ phần tương đương khoảng 7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng còn làm rõ, bị cáo Trí và Hải còn có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo đó, khi Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào Việt thành lập, dù con dấu của công ty chưa được cấp có thẩm quyền của Lào thừa nhận trên mặt pháp lý nhưng Trí và Hải đã sử dụng con dấu giả mang tên Công ty Cổ phần Khoáng sản Lào - Việt đóng vào 38 văn bản gửi đến các cơ quan chức năng của Lào và Việt Nam.
Với các hành vi nêu trên ngày 20/5/2016, Tòa án Hà Nội đã lần lượt tuyên phạt Thái Lương Trí 18 năm tù, Dương Minh Hải 15 năm tù cùng hai tội danh.
Đây là vụ án dai dẳng khoảng 10 năm, liên quan đến vấn đề đầu tư nước ngoài của các công ty Việt Nam ở Lào, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Dự kiến phiên tòa xét xử trong 3 ngày./.
"Đại gia" Cao Toàn Mỹ lý giải về hóa đơn ở nhà Hoa hậu Phương Nga
Sự bất cẩn của đại gia và mánh khóe liều lĩnh của tên trộm