Phan Văn Anh Vũ khai có thêm quốc tịch nước ngoài
VOV.VN - Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "Nhôm" khai có 2 quốc tịch trong phần kiểm tra căn cước. Hội đồng xét xử cho biết sẽ kiểm tra thêm thông tin này.
Sáng 27/11, Tòa án Nhân dân TPHCM mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, 43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Phan Văn Anh Vũ được dẫn giải đến tòa sáng 27/11 |
Trong buổi sáng nay, Hội đồng xét xử tiến hành thẩm tra lý lịch 26 bị cáo và kiểm tra danh sách hơn 300 đơn vị, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Trong đó, Ngân hàng DAB vừa là bị hại, vừa là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trả lời Hội đồng xét xử trong phần kiểm tra căn cước, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho biết ngoài tên như trên, Vũ còn có 2 tên khác là Phan Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Vũ cũng khai mình có 2 quốc tịch, một quốc tịch Việt Nam và một quốc tịch nước ngoài. Hội đồng xét xử cho biết sẽ kiểm tra thêm thông tin này.
Bị cáo Trần Phương Bình |
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ cho biết có chứng cứ mới xin cung cấp cho HĐXX. Chủ tọa yêu cầu nộp cho thư ký trước phiên xét xử buổi chiều.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ngân hàng Đông Á (DAB) được thành lập năm 1992, vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Trong đó, gia đình ông Bình chiếm hơn 10%; nhóm Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) 7,7%; Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 gần 13%; Văn phòng Thành ủy TP HCM gần 13%...
Quá trình giám sát, Ngân hàng phát hiện DAB có nhiều sai phạm nên tiến hành thanh tra, xác định tổng dư nợ tại DAB là 20.233 tỷ đồng. Trong đó, 7.960 tỷ đồng là nợ khó thu hồi, hơn 5.600 tỷ là nợ không có khả năng thu hồi. Tháng 8/2015, DAB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, buộc tiến hành kiểm tra kho quỹ trên hệ thống.
Quá trình điều tra xác định ông Trần Phương Bình đã lạm dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới gây hàng loạt sai phạm, khiến ngân hàng thiệt hại 3.608 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến DAB lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập hàng loạt phiếu thu khống hơn 1.160 tỷ đồng, mua 74 triệu cổ phần DAB đứng tên ông và người thân. Đến cuối năm 2007, ông Bình ra lệnh xuất 23.252 lượng vàng không lập chứng từ bán cho các hiệu vàng tại TP HCM, lấy tiền bù vào âm quỹ.
Phóng viên tham dự phiên tòa sáng 27/11 |
Đối với hành vi cố ý làm trái, ông Bình bị cáo buộc gây thiệt hại cho DAB hơn 1.551 tỷ đồng khi xuất quỹ sai nguyên tắc cho 219 công ty để chi lãi ngoài huy động vốn; kinh doanh ngoại hối; tất toán tài khoản với một khách hàng về khoản vay 1.900 lượng vàng...
Về vai trò của Vũ Nhôm trong vụ án, cáo trạng xác định: năm 2013, DAB bị thua lỗ kéo dài. Ông Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư, có tiền xử lý khó khăn. Năm 2014, ông Bình thống nhất bán cho Vũ Nhôm 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vũ Nhôm chỉ thế chấp cho ngân hàng 220 lô đất tại Đà Nẵng trị giá 400 tỷ đồng; 200 tỷ còn lại Vũ được ông Bình xuất quỹ của DAB ứng bù. Việc tăng vốn điều lệ sau đó không thành công nên DAB chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 79 số tiền gốc 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ tiền lãi. Trong vụ này, Vũ Nhôm chiếm đoạt của DAB 203 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu được 5 tờ giấy viết tay của Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở DAB) các khoản thu chi sai nguyên tắc. Theo lệnh ông Bình, từ tháng 10/2012 đến 3/2015, Hùng đã xuất quỹ chi 293 tỷ đổng để mua 13,9 triệu USD, trong đó có 13,4 triệu USD được cho là mua giúp Vũ Nhôm nhưng ông này chưa trả lại cho DAB.
Trước khi bị truy tố trong vụ án này, ngày 30/7, Vũ Nhôm bị TAND Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù về tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước"./.
Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á vừa bị đề nghị truy tố là ai?
Truy tố Vũ “nhôm” cùng 25 bị can gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á