Vì sao ông Đinh Tiến Công bất ngờ thay đổi lời khai vụ chạy thận?
VOV.VN - Trong phiên tòa chiều 22/5, ông Đinh Tiến Công nói lý do ghi thêm bác sỹ Lương vào sổ giao ban, phân công ông Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Chiều 22/5, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ án chạy thận tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. Tại tòa, ông Đinh Tiến Công (Điều dưỡng trưởng của khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình) khẳng định lại lời khai của ngày hôm qua là hoàn toàn chính xác.
Ông Đinh Tiến Công tại phiên tòa xét xử vụ án chạy thận. |
Ông Đinh Tiến Công khai trước tòa, việc này được thực hiện sau khi xảy ra sự cố y khoa làm 9 người chết ngày 29/5/2017 nhưng khi được hỏi thời điểm cụ thể thì ông Công nói "không nhớ rõ".
Ông Công trần tình, việc sửa chữa này là do chỉ đạo của Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu (hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện) và thực hiện khi ông Khiếu có mặt.
Điều đặc biệt là, biên bản cuộc họp cuối năm 2015 không thấy chữ ký của lãnh đạo khoa, ông Khiếu chỉ ký vào biên bản ngay sau khi điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công ghi bổ sung nội dung trên.
Sau đó, đại diện VKS đặt câu hỏi với ông Công về lý do thay đổi lời khai so với ở cơ quan điều tra thì ông Công đáp: “Khi đó tôi chưa hình dung được trách nhiệm của mình với việc ghi bổ sung nội dung trên. Tôi ghi thêm vào sổ chỉ nhằm mục đích hoàn thiện thủ tục hành chính chứ không nghĩ về vấn đề nào khác. Tôi với bác sỹ Lương cũng không có hằn thù gì. Tôi chỉ thực hiện theo chỉ chỉ đạo của cấp trên”, ông Đinh Tiến Công nói.
Đại diện Bộ Y tế: "Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm"
Trong phiên tòa chiều 22/5, khi được HĐXX hỏi trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc ban hành quy chế về chạy thận nhân tạo, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế) nói, đối với các quy định liên quan đến chuyên môn thì thực hiện theo quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành năm 1997. Còn theo quy định về hệ thống lọc RO thì thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tức là quản lý theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, các cơ sở tự mua sắm và nhà sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn do họ tự công bố.
Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế) tại phiên tòa chiều nay. |
Theo trình bày của người đại diện Bộ Y tế thì Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra công việc xã hội hóa đưa máy chạy thận vào bệnh viện trên địa bàn, Bộ Y tế chỉ thanh tra các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Việc phân cấp này căn cứ vào Luật Thanh tra và Nghị định số 07 hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra.
Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã rà soát các quy định liên quan đến quản lý thiết bị nói chung và quản lý quả thận nhân tạo, hệ thống RO nói riêng. Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định về quy trình liên quan đến quản lý hệ thống RO và các quy định chuyên môn kỹ thuật liên quan đến chạy thận cho bệnh nhân.
“Tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành 52 quy trình, trong đó có 7 quy trình liên quan đến lọc nước RO. Trước đây, chưa có quy định liên quan đến sửa chữa nhưng tất cả phải theo quy chuẩn của nhà sản xuất”, ông Quang khẳng định.
Sau khi thực hiện Luật Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, cùng với việc báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã rà soát lại và thấy quy trình sửa chữa, bảo dưỡng của các nhà sản xuất khác nhau, cần có sự thống nhất. Vậy nên, Bộ Y tế đã ban hành 52 quy trình nói trên.
Khi được HĐXX hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế trong công tác quản lý nhà nước? Tại sao đến tháng 4/2018 mới ban hành quy trình? thì ông Nguyễn Huy Quang nói: Trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế!
Ông Quang nói tiếp, để đảm bảo an toàn nước dùng trong lọc máu, Bộ Y tế áp dụng 2 Tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ KH&CN ban hành và 2 quy trình lọc máu chu kỳ do Bộ Y tế ban hành. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã phổ biến đến người đứng đầu các sở Y tế và đơn bị trực thuộc, sau đó, thủ trưởng đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phổ biến xuống đơn vị do mình quản lý.
Theo ông Quang, quy trình quản lý nước RO (theo quy định tại Quyết định 36 của Bộ Y tế) hiện nay áp dụng theo tiêu chuẩn của Việt Nam và sau đó nhà sản xuất có trách nhiệm công bố thực hiện. Nhà sản xuất phải căn cứ vào tiêu chuẩn cơ sở và 2 tiêu chuẩn của Việt Nam do Bộ KH&CN công bố.
Bộ Y tế có chủ trương xã hội hóa theo Nghị định 59 của Chính phủ (hiện nay là Nghị định 85, Nghị quyết 93 và một số văn bản hướng dẫn thi hành).
Ông Quang nói thêm: "Chính phủ có chủ trương cho phép xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong cơ sở công lập nhưng phải đáp ứng quy định tại Thông tư 15 hay không mới có thể xem xét tiếp được. Sở Y tế có thẩm quyền cấp phép hoạt động chạy thận nhân tạo đối với bệnh viện tỉnh".
Khi được hỏi về việc trước khi xảy ra sự việc, Bộ Y tế biết đến việc xã hội hóa trong chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình hay không? Ông Quang đáp: “Hiện nay, tôi chưa nhận được thông tin nào gửi về Bộ Y tế về việc này. Bộ Y tế không nhận được thông tin việc liên doanh liên kết này, nhưng Bộ có đợt đi kiểm tra và có công văn báo cáo các bệnh viện đã có sự liên danh liên kết. Sau khi có báo cáo, Bộ sẽ chọn một số đơn vị để đi kiểm tra thực tế”./.
Xét xử vụ chạy thận:Công ty Thiên Sơn không có trách nhiệm bồi thường?
Xét xử vụ chạy thận: Bất ngờ tình tiết có lợi cho bác sỹ Lương
Xét xử vụ chạy thận: Đề nghị điều tra bổ sung nguyên GĐ Bệnh viện