Vụ án oan Huỳnh Văn Nén: Phải khởi tố những người gây oan sai!
VOV.VN - Theo luật sư Trần Thu Nam, sau khi đình chỉ bị can với ông Huỳnh Văn Nén và xin lỗi công khai thì bước tiếp theo phải khởi tố vụ án với những người gây oan sai.
Như VOV đã đưa tin, sáng 3/12, tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén - người bị tù oan hơn 17 năm trong vụ án giết bà Lê Thị Bông.
Đây là vụ án oan với 2 cái nhất: Thời gian ngồi tù oan sai lâu nhất và người chịu cùng một lúc hai án oan sai. Vì sao lại để vụ án bị oan sai lâu đến thế và làm sao ngăn chặn để không còn những án oan như vậy? Phóng viên VOV.VN phỏng vấn luật sư Trần Thu Nam (Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự) về vấn đề này.
PV: Thưa luật sư Trần Thu Nam, dư luận đặt câu hỏi, vì sao trong quá trình điều tra, tố tục và xét xử vụ án có nhiều dấu hiệu vi phạm hoạt động tư pháp như vậy nhưng phải đến 17 năm ông Huỳnh Văn Nén mới chính thức được minh oan. Cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Trần Thu Nam: Quá trình tố tụng ở ta kéo dài rất lâu, một vụ án bị khởi tố với khung hình phạt đặc biệt nghiêm trọng thì tạm giam lần đầu 4 tháng và có quyền gia hạn 4 tháng nữa.
Riêng giai đoạn tạm giam và điều tra đã mất hơn 1 năm rồi, sau đó là thời gian xét xử. Như vậy, thời gian tố tụng một vụ án ở ta kéo dài rất lâu so với các nước trong khu vực và quốc tế.
Ông Huỳnh Văn Nén phát biểu trong buổi xin lỗi công khai sáng 3/12 tại Bình Thuận (Ảnh: Việt Quốc) |
Thứ hai là tòa án rất ít khi được tuyên vô tội mà cứ trả hồ sơ, hủy án, vòng đi vòng lại. Cho nên vụ án đã kéo đến mười mấy năm và nó đi vào lịch sử của ngành tư pháp Việt Nam. Vì thế, qua vụ việc này, chúng ta phải xem xét lại quy trình của các cơ quan tố tụng nếu không đủ chứng cứ thì phải tuyên vô tội chứ không thể trả hồ sơ hay hủy án được.
PV: Cơ quan điều tra vụ án này sai đã đành nhưng đến Viện Kiểm sát, rồi Tòa án khi xét xử cũng lại dựa vào các kết quả điều tra của Công an mà thiếu những đối chất và khách quan trong xét xử. Theo ông, vì sao lại như vậy?
Luật sư Trần Thu Nam: Theo tôi, bao gồm nhiều yếu tố vì thành tích, vì sự quản lý giám sát. Trong quá trình tố tụng, luật pháp Việt Nam cũng đã có quy định về giám sát nhưng những người làm công tác giám sát lại không giám sát. Mặt khác, ai giám sát những người đó?
Ví dụ như Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát tư pháp, kiểm sát quá trình điều tra. Thế nhưng, nếu Viện kiểm sát không làm hết trách nhiệm của mình thì ai là người kiểm sát lại, ai là người kiểm tra, theo dõi họ? Đó là vấn đề!
Ở đây, Viện kiểm sát chưa làm tròn trách nhiệm của mình dẫn đến việc để cơ quan điều tra quá lạm quyền. Từ việc muốn thành tích, khi đã khởi tố mà bị oan sai thì người đó phải chịu trách nhiệm, chịu kỷ luật, đền bù thiệt hại nên họ cố tình làm sai đến cùng. Họ biết sai nhưng vì quyền lợi của mình nên vẫn cố tình làm sai!
Nghe nội dung cuộc phỏng vấn:
PV: Như ông vừa phân tích thì rõ ràng đạo đức công vụ trong quá trình điều tra, xét xử đang có vấn đề?
Luật sư Trần Thu Nam: Đương nhiên là có vấn đề. Bởi vì những người làm tố tụng luôn luôn có suy nghĩ phải trừng trị. Đã là tội phạm thì tìm mọi cách đấu tranh bằng mọi giá tìm ra thủ phạm và phải trừng trị những người đó chứ không làm theo đúng các quy trình. Phải có đạo đức, phải có tư duy rằng khi bản án chưa có hiệu lực thì bị can vẫn là người vô tội và phải đối xử với họ như người chưa có tội.
Đáng lẽ phải tư duy như thế thì các hành vi tố tụng mới văn minh hơn, đạo đức hơn. Khi chưa có tư duy đó thì sẽ có những việc đối xử tàn nhẫn, không khách quan, ép buộc, mới cung, ép cung...như đã thấy.
PV: Vụ việc này thêm một lần nữa cảnh báo tình trạng án oan sai hiện nay, vậy phải làm gì để không còn để xảy ra những trường hợp như ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn nữa, thưa ông?
Luật sư Trần Thu Nam: Yếu tố tiên quyết nhất là các quy định của pháp luật. Phải đảm bảo quyền của người bị tạm giam, tạm giữ trong quá trình điều tra, trong đó có quyền tiếp cận người bào chữa một cách sớm nhất.
Việc giám sát trong quá trình khởi tố điều tra phải làm chặt chẽ và phải có những chế tài xử phạt đối với những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên) không làm tròn nhiệm vụ, xâm phạm quyền của người tạm giữ, tạm giam, xâm phạm quyền nhờ người khác bào chữa. Có như vậy thì mới hạn chế oan sai được.
“Mong ông Huỳnh Văn Nén tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi”
PV: Sau khi xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén, bước tiếp theo của các cơ quan chức năng cần làm là gì để bồi thường và trả lại sự công bằng cho ông Nén?
Luật sư Trần Thu Nam: Sau khi đình chỉ bị can và xin lỗi ông Nén rồi thì các cơ quan tố tụng phải khởi tố vụ án với những người đã làm sai trong quá trình tố tụng. Không thể không khởi tố được bởi đã làm oan sai như thế là lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Cũng giống như trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, việc bồi thường thiệt hại rất khó vì chứng minh về chi phí cho những thiệt hại xảy ra. Do đó, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để ông Nén chứng minh và phải xem xét những quyền lợi của ông ấy, tổn thất về tinh thần, về gia đình,.v.v..để có những tính toán đền bù chính xác, khách quan nhất.
PV: Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn và một số vụ án oan khác, tiền bồi thường lấy từ tiền ngân sách – tiền thuế của dân trong khi người thực thi công vụ gây oan sai lại không phải bồi thường hoặc bồi thường rất ít. Điều này khiến dư luận không đồng tình. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Luật sư Trần Thu Nam: Đây là vấn đề còn thiếu sót, là kẽ hở của pháp luật Việt Nam. Trong quá trình làm luật, các nhà làm luật chưa tính toán hết được việc này.
Phải có trách nhiệm của những người đã gây ra oan sai. Họ phải lấy lương, lấy tài sản cá nhân ra mà bồi thường. Hoặc phải có một quỹ giống như bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì mới hạn chế được oan sai và tránh việc lấy tiền thuế của dân ra đền bù, nếu không thì sẽ gây bức xúc cho người dân.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đoàn luật sư thành phố HCM cũng cho rằng: Ngoài việc minh oan, xin lỗi, bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén, tới đây các cơ quan tư pháp phải tiến hành điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tư pháp. Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có trách nhiệm làm rõ xem quá trình điều tra, xác minh đơn của Nguyễn Phúc Thành tố cáo hung thủ phạm tội là người khác có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật không? Có vì một lý do nào đó mà việc xác minh không được bảo đảm khách quan, trung thực không…? Việc làm này không chỉ trả lại sự công bằng cho ông Huỳnh Văn Nén, đưa những người thực thi công vụ làm sai ra ánh sáng, mà quan trọng hơn, rút ra kinh nghiệm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để tránh những vụ án oan sai trong tương lai.