Vụ thảm sát ở Bình Phước: Giải đáp việc có hay không nghi phạm thứ 4?
VOV.VN - Kết quả điều tra cho thấy chỉ có 3 bị can Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại liên quan vụ thảm sát, không có nghi can thứ tư
Theo công an nhân dân, sau hơn 2 tháng tích cực điều tra, ngày 10/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã kết luận điều tra vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 7/7/2015 tại ấp 2, xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành), đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố đối với 3 bị can về hành vi trên.
Bản kết luận xác định nhân thân của 3 bị can trong vụ trọng án đều rất “sạch”, chưa hề có tiền án, tiền sự.
Bị can Nguyễn Hải Dương. |
Sau khi học lớp 12 tại quê xong, Dương theo cha lên TP Hồ Chí Minh ở và học Trung cấp công nghiệp tại tỉnh Bình Dương.
Đến năm 2011, đi làm công nhân (thợ mộc) tại công ty của người chú (Công ty TNHH TM T.H., tọa lạc huyện Hóc Môn) và ở cùng với cha ruột.
Bị can Vũ Văn Tiến (tức “Bé”, 24 tuổi, ngụ xã Phú Riềng, Bình Phước). Vốn gốc quê ở tỉnh Cà Mau nhưng cha mẹ lên Bình Phước lập nghiệp nên Tiến cũng đi theo cùng gia đình từ cuối năm 1991.
Tiến học đến lớp 4 thì nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình và học nghề sửa xe máy. Đến năm 2010, Tiến đi làm công nhân (thợ mộc) tại công ty của chú Dương.
Còn Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long, tạm trú phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Thoại học hết lớp 8 ở quê thì nghỉ học và học nghề điện lạnh tại Trường dạy nghề quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh.
Sau đó, Thoại đi làm thuê ở nhiều nơi mưu sinh. Đến tháng 11/2012, Thoại phụ bán quán ăn cho người chị họ tại đường Phạm Văn Đồng, phường 3, quận Gò Vấp. Cả 3 chưa từng có tiền án, tiền sự cho đến khi gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Tuổi trẻ đưa tin, Đại tá Trần Thắng Phúc - Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, kết quả điều tra cho thấy chỉ có 3 bị can Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại liên quan vụ thảm sát, không có nghi can thứ tư. Cơ quan điều tra có đủ chứng cứ khẳng định các bị can này phạm tội Giết người và Cướp tài sản theo điều 93 và điều 133 Bộ luật hình sự.
Thanh niên đưa kết luận điều tra nêu rõ, từ tháng 10/2013, Nguyễn Hải Dương tình cờ quen Lê Thị Ánh Linh (nạn nhân trong vụ trọng án) qua mạng xã hội (Zalo) khi Linh đang học tại Bình Dương và có quan hệ tình cảm yêu đương.
Sau đó, Linh đưa Dương về nhà giới thiệu với gia đình thì cha mẹ Linh (ông Lê Văn Mỹ và bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga) đồng ý. Từ đó, cứ vào dịp cuối tuần Dương về nhà Linh chơi. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 2/2015, Dương phát hiện Linh quen người thanh niên khác và biết được nguyên nhân là do ý muốn của mẹ Linh nên cả hai đồng ý chia tay.
Không lâu sau, Dương yêu bạn gái mới nhưng cảm thấy sống không thể thiếu Linh được. Từ đó Dương đem lòng thù hận bà Nga vì nghĩ rằng do bà ngăn cản. Vì vậy Dương nảy sinh ý định giết Linh và cả gia đình rồi tự tử.
Tuổi trẻ dẫn Kết luận của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước cũng đã “giải mã” những dấu hỏi về những bất thường trong vụ án này.
Trước hết là những cuộc gọi tại hiện trường khi xảy ra án mạng từ máy của hai nạn nhân Dư Ngọc Tố Như và Nguyễn Lê Thị Ánh Nga.
Cơ quan điều tra xác định sau khi bị Dương và Tiến trói ở trên lầu (lúc này hai bị can đã xuống tầng dưới khống chế chủ nhà), Dư Ngọc Tố Như có lấy máy gọi cho một người em trai của bà Ánh Nga. Như chỉ nói được hai từ “Cậu ơi” thì cúp máy. Sau đó người cậu này gọi lại thì máy của Như bị tắt nguồn. Sốt ruột, người cậu này gọi lại vào máy của bà Nga nhưng lúc này bà Nga đang bị Dương khống chế nên khi được hỏi, bà Nga chỉ nói “Không có chuyện gì đâu, thôi ngủ đi” rồi Dương tắt máy.
Về cuộc gọi cho người chở củi, Dương và Tiến lần lượt tra hỏi các nạn nhân nhưng không tìm thấy tiền. Trong lúc bị khống chế, bà Nga có nói với Dương và Tiến: “Trong cốp xe của chị có ba triệu đó, mấy em lấy xe lấy tiền đi đi. Tài xế của chị 4 giờ đến lấy củi đó”. Vì vậy, sau đó Dương đã lấy máy của bà Nga gọi cho người tài xế, bắt bà Nga nói với tài xế “7 giờ hãy đến”.
Về việc trên người bà Nga và ông Mỹ có nhiều vết đâm hơn so với lời khai của Dương, cơ quan điều tra xác định Tiến không đâm mà chỉ có Dương dùng dao đâm (đâm bằng hai dao) nhưng có thể do Dương không nhớ hết.
Về việc sau khi gây án, tại sao Dương còn quay lại đám tang của các nạn nhân? Kết luận xác định sau khi vụ việc bị phát hiện, người giúp việc cho gia đình Linh có nhắn tin cho Dương biết gia đình Linh đã bị giết chết.
Dương dò hỏi người giúp việc có biết nguyên nhân các nạn nhân bị giết không thì người giúp việc nói không nên Dương đã lên đám tang. Khi bị cơ quan công an mời làm việc Dương không thừa nhận hành vi phạm tội. Sau khi được cho về thì Dương ghé một tiệm thuốc mua được 10 viên thuốc ngủ, với ý định sau đám tang của Linh sẽ mua thêm thuốc ngủ để tự tử, nhưng chỉ vài ngày sau thì Dương bị công an bắt giữ.
Còn theo Thanh niên, cơ quan điều tra kết luận, quá trình thu thập những dấu vết tại hiện trường và khám nghiệm tử thi các nạn nhân đối chiếu với lời khai của 3 bị can Dương, Tiến và Thoại là trùng khớp. Tổng trị giá tài sản mà Dương và Tiến chiếm đoạt là trên 49 triệu đồng. Kết luận giám định tâm thần đối với Dương và Tiến khẳng định cả 2 đều không có bệnh tâm thần, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự trước, trong và sau khi gây án.
Đại diện TAND tỉnh Bình Phước cho biết do đây là vụ án được dư luận quan tâm nên dự kiến xét xử lưu động.
Về thời gian, vị này cho biết do phải chờ hồ sơ từ Viện KSND tỉnh chuyển sang nên chưa ấn định thời gian cụ thể, nhưng có thể sẽ diễn ra trong tháng 11 hoặc 12/2015.
TAND tỉnh Bình Phước cũng đã yêu cầu cơ quan điều tra phải giám định tâm thần các bị can, giám định kỹ các vật chứng. Kết quả giám định cho thấy hai bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến không mắc bệnh tâm thầm, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự./.