10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2018

VOV.VN - Năm 2018, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều hoạt động tích cực tạo nên những sự kiện nổi bật góp phần vào sự phát triển chung của đất nước

1, Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36 – NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết mang tính thời đại của Đảng trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước liên quan đến biển, đảo diễn biến phức tạp; đặt ra yêu cầu đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biến đóng góp vai trò quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Xuyêt suốt Nghị quyết là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng phát triển xanh. Nghị quyết đề ra 5 chủ trương lớn để phát triển kinh tế biển và ven biển; 3 khâu đột phá; 7 nhóm giải pháp chủ yếu.

2, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật đo đạc bản đồ.

Lần đầu tiên, hoạt động chuyên ngành lĩnh vực đo đạc và bản đồ của nước ta được chuẩn hóa thành luật, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, làm nền tảng để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, cơ sở nghiên cứu khoa học trái đất; cung cấp dữ liệu cơ bản đề điều tra phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai, góp phần bảo vệ vững chắc và khẳng định chủ quyền quốc gia và nâng cao dân trí.

3, Nhiều chủ trương của Đảng về quản lý tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được sơ kết, tổng kết đánh giá một cách toàn diện.

Điển hình như sơ kết đánh giá Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Qua đó khẳng định kết quả đã đạt được cần phát huy; chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục tập trung chỉ đạo trong hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức thực thi để phát huy nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững đất nước giao đoạn tới.

4, Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị số 27-CT/Ttg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Trước thực trạng tồn đọng số lượng lớn phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển, Chỉ thị yêu cầu trách nhiệm quản lý của bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra đánh giá toàn diện công tác cấp giấy xác nhận trong nhập khẩu phế liệu; không cấp mới hoặc gia hạn giấy xác nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu và chỉ cấp mới, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; phương án giải quyết, xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...

Cũng trong năm 2018, Bộ TN&MT ban hành các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 chủng loại phế liệu nhập khẩu có nhu cầu sử dụng lớn hiện nay là sắt, thép; nhựa; giấy; thủy tinh; kim loại màu; sỉ hạt lò cao.

5, Đại hội đồng quỹ môi trường toàn cầu lần thứ VI (GEF6): Sự kiện quốc tế quy mô toàn cầu do Việt Nam đăng tổ chức.

Kỳ đại hội có sự tham dự của gần 1500 đại biểu gồm 1 số nguyên thủ, lãnh đạo chính phủ, bộ trưởng, lãnh đạo cơ quan môi trường của 183 quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức chính phủ về môi trường, các định chế tài chính quốc tế, đại diện 1 số đối tác phát triển tại Việt Nam, các chuyên gia về môi trường..., để thảo luận những vấn đề môi trường của thế giới.

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát đi thông điệp kêu gọi cùng đoàn kết để hiện thực hóa ước vọng về một “hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”.

Cũng trong năm 2018, nhiều hội nghị quốc tế quan trọng được tổ chức thành công như khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế; đại hội địa chất, Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Đông á lần thứ 15; phiên họp lần thứ 25 hội đồng ủy hội sông MêKông quốc tế... qua đó khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

6, Sáng kiến về thiết lập cơ chế hợp tác toàn cầu, mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hướng tới mục tiêu đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa được thủ tướng chính phủ Việt Nam đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada và tại kỳ họp đại hội đồng quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Để thực hiện sáng kiến, năm 2018 Bộ TN&MT phát động phong trào chống rác thải nhựa, giảm dần sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần đã được nhiều cơ quan tổ chức và cộng đồng hưởng ứng tích cực; triển khai xây dựng kế hoạch hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương.

7, Công viên địa chất non nước Cao Bằng được công nhận công viên địa chất toàn cầu tại phiên họp lần thứ 204 hội đồng chấp hành UNESCO được tổ chức tháng tư 2018 tại Paris (Cộng hòa Pháp).

Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ 2 của Việt Nam được công nhận tiếp sau cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); danh hiệu thứ 38 của Việt Nam được UNESCO công nhận và là công viên địa chất toàn cầu thứ 8 khu vực Đông Nam Á.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao Bằng rộng gần 3300 km2 trải rộng trên địa bàn 9 huyện, có trên 130 điểm di sản địa chất, địa mạo độc đáo, giá trị tầm cỡ quốc tế điển hình thông qua các tháp, nón đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ, sông, hang ngầm liên thông; nhiều di sản giá trị minh chứng khoa học lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài đến hơn 500 triệu năm.

8, Hà Nội – thành phố đầu tiên của nước ta đầu tư mạng lưới quan trắc không khí theo tiêu chuẩn mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia đảm bảo đồng bộ, hiện đại.

Theo đó đến năm 2018, Hà Nội hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 1 xe quan trắc lưu động, 6 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu tài nguyên môi trường và nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại khác.

Số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24h; công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện khác nhau để người dân có thể tiếp cận, nắm bắt diễn biến chất lượng môi trường không khí theo khu vực sinh sống.

Tuy nhiên kiểm soát ô nhiễm môi trường trước các tác động và áp lực mạnh mẽ của nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên đại bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn; cần các giải pháp quản lý, kỹ thuật đồng bộ và tổng thể.

9, Đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Năm 2018, ứng dụng thành công hệ thống tương tác, liên thông, xử lý, gửi, nhận văn bản, hồ sơ trực tiếp giữa bộ TN&MT với 63 sở TN&MT; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; các cơ quan thuộc chính phủ.

Chính thức cắt giảm 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 62,6% vượt chỉ tiêu của chính phủ 12,6%); cắt giảm 38/74 hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (đạt 51,3%) được quy định nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 5/10/2018 của Chính phủ và thông tư số 03/2018/TT-BTNMT ngày 14/8/2018 của Bộ TN&MT.

10, Tìm thấy nước ngọt tại đảo Bạch Long Vĩ.

 
Đầu năm 2018 đã tìm ra và khoan thành công 2 lỗ khoan (BLV1 và BLV2) tại huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng với độ sâu 80m, đạt lưu lượng tương đương là 0,5261/S,0,351/S nước ngọt, tương đương với lưu lượng tổng cộng là 75m3 trên ngày; xây dựng, chuyển giao trạm xử lý nước để đưa vào sử dụng cho sinh hoạt.

Phát hiện này góp phần quan trọng trong việc mở ra hướng giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho nhân dân các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của nước ta cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

10 sự kiện Giáo dục đáng chú ý năm 2017
10 sự kiện Giáo dục đáng chú ý năm 2017

VOV.VN - Báo Điện tử VOV bình chọn 10 sự kiện giáo dục và đào tạo được người dân quan tâm nhiều nhất trong năm 2017.

10 sự kiện Giáo dục đáng chú ý năm 2017

10 sự kiện Giáo dục đáng chú ý năm 2017

VOV.VN - Báo Điện tử VOV bình chọn 10 sự kiện giáo dục và đào tạo được người dân quan tâm nhiều nhất trong năm 2017.

TP HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2018
TP HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2018

VOV.VN - 10 sự kiện tiêu biểu thuộc 6 lĩnh vực của TP HCM năm 2018, như chính trị, kinh tế, đối ngoại và an ninh-xã hội...

TP HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2018

TP HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2018

VOV.VN - 10 sự kiện tiêu biểu thuộc 6 lĩnh vực của TP HCM năm 2018, như chính trị, kinh tế, đối ngoại và an ninh-xã hội...

10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2018
10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2018

VOV.VN - 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội 2018  đánh dấu một năm qua Hà Nội đã có những chuyển biến không ngừng 

10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2018

10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2018

VOV.VN - 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội 2018  đánh dấu một năm qua Hà Nội đã có những chuyển biến không ngừng