33,4% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19
VOV.VN - 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết, phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động trong bối cảnh bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý III vừa qua, đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp khiến cho 33,4% doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động so với cùng kỳ năm trước là 36,4%.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm phải cắt giảm lao động nhiều nhất, với lao động bình quân 9 tháng giảm khoảng 10,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ cắt giảm lao động của nhóm doanh nghiệp lớn ở mức 4,5%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, những ngành có số lao động sụt giảm đáng kể là: ngành vận tải hàng không và ngành du lịch giảm 30,4%; ngành dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; ngành hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí giảm 17,4%; ngành ăn uống giảm 15,4%; ngành xây dựng giảm 14,1%.
Trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp được khảo sát, tính đến thời điểm 10/9 vừa qua có 7,8% lao động bị giảm lương, 5,0% lao động giãn việc/nghỉ luân phiên và 2,4% lao động tạm nghỉ việc. Tỷ lệ lao động bị giảm lương trong các doanh nghiệp thuộc ngành vận tải hàng không là cao nhất, tiếp đó là ngành du lịch, ngành dịch vụ lưu trú...
Cũng theo báo cáo, trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 66,6% doanh nghiệp đã và đang áp dụng các giải pháp để ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Trong đó, giải pháp đào tạo nâng cao trình độ người lao động đã được 25,8% doanh nghiệp lựa chọn áp dụng, cao thứ hai chỉ sau giải pháp tìm thị trường tiêu thụ mới (41,4%).
Ngoài ra, khi được hỏi về các kỳ vọng đối với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian tới, khoảng 10% doanh nghiệp cho rằng: “Hỗ trợ về đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19” là một trong ba giải pháp mà Chính phủ cần ưu tiên triển khai nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ trên tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát là 17,9%, trong đó, 4,0% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ liên quan đến chính sách lao động và bảo hiểm xã hội./.