40% lao động Việt Nam trong tình trạng lao động cưỡng bức tại Malaysia
VOV.VN -32% trong tổng số gần 200.000 lao động nước ngoài làm việc trong ngành điện tử tại Malaysia trong tình trạng lao động cưỡng bức.
Ngày 20/9, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết: Verité, một tổ chức phi chính phủ quốc tế ngày 17/9 vừa qua công bố một báo cáo cho thấy 1/3 lao động nhập cư trong ngành điện tử tại Malaysia (bao gồm các lao động Việt Nam) ở trong tình trạng bị cưỡng bức lao động.
Báo cáo với tựa đề “Lao động cưỡng bức trong sản xuất đồ điện tử ở Malaysia – Nghiên cứu toàn diện về phạm vi và đặc điểm”, cho thấy 32% trong tổng số gần 200.000 lao động nước ngoài làm việc trong ngành này thuộc tình trạng lao động cưỡng bức, nghĩa là liên quan đến việc họ bị giữ hộ chiếu và phải làm việc thêm giờ để trả những món nợ do bị thu phí môi giới tuyển dụng quá cao và bất hợp pháp.
Theo Verité, mỗi lao động Việt Nam phải trả phí môi giới tuyển dụng là 3.500 Malaysian Ringgit (tương đương 1.080 USD) – mức cao nhất so với các nước, bao gồm cả Myanmar, Indonesia và Nepal. Trong khi đó, lao động Việt Nam nhận lương thấp nhất – chưa đến 1.000 Malaysian Ringgit (308 USD)/tháng. Có tới 40% lao động Việt Nam ở trong tình trạng lao động cưỡng bức. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các quốc tịch khác.
Lo ngại của ILO
Về vấn đề này, ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặc biệt lo ngại về những phát hiện đưa ra trong báo cáo của Verité. Mặc dù không ở vị trí xác minh các con số cụ thể đưa ra trong báo cáo, nhưng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định có tồn tại những vấn đề thực sự về điều kiện làm việc, công việc và quá trình tuyển dụng, đặc biệt là đối với người lao động nhập cư và những vấn đề này cần được giải quyết một cách cấp bách.
Với việc hướng sự chú ý tới những hành vi bóc lột này, báo cáo của Verité tạo cơ hội cho Chính phủ Malaysia và chủ sử dụng lao động ở Malaysia tiến hành rà soát lại cách thức tuyển dụng và các việc làm trong ngành chế tạo điện tử, cũng như xem xét lại các chính sách phần nào đặt người lao động vào tình huống dễ bị tổn thương.
Cụ thể, Malaysia có thể nỗ lực hơn trong việc hỗ trợ người lao động dễ dàng chuyển đổi công việc, bảo vệ quyền gia nhập các tổ chức công đoàn, và đảm bảo rằng những cuộc thảo luận về chính sách di cư có sự tham gia của các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động cũng như các cơ quan liên quan trong Chính phủ.
ILO đã nêu ý kiến với Chính phủ Malaysia, tổ chức của chủ sử dụng lao động và người lao động về việc dự thảo một dự án Luật nhằm thắt chặt các quy định đối với công ty tuyển dụng tư nhân. ILO khuyến cáo dự thảo Luật này cần phải được mở rộng độ bao phủ sang cả các công ty cho thuê lại lao động. ILO đã hỗ trợ đào tạo cho một số thanh tra lao động của Chính phủ Malaysia, giúp họ nhận biết và đối phó với nạn buôn bán người phục vụ bóc lột lao động.
ILO hiện đang làm việc với Liên đoàn Chủ sử dụng lao động của Malaysia (MEF) để xây dựng những hướng dẫn về tuyển dụng và bố trí việc làm cho lao động di cư. MEF cũng đã đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ nhằm làm giảm bóc lột, chi phí và làm cho quá trình tuyển dụng công bằng và minh bạch hơn.
Tổ chức Công đoàn Malaysia (MTUC) từ lâu đã luôn ủng hộ việc cải thiện các chính sách và thông qua trung tâm hỗ trợ lao động di cư, đã giúp đỡ nhiều trường hợp tìm lại công lý./.