40 năm chiến thắng Buôn Ma Thuật - Ký ức người trong cuộc

VOV.VN - Sử dụng chiến thuật nghi binh ta đã khiến địch không còn cách gì để cứu vãn khi lực lượng của ta đánh vào mục tiêu chính.

Cách đây tròn 40 năm, ngày 10/3/1975, với việc chọn Buôn Ma Thuật là điểm đột phá chiến lược trong Chiến dịch Tây Nguyên, chúng ta đã giành được thắng lợi vang dội, tạo ra thế và lực mới cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975. Ảnh: T.L
40 năm đã trôi qua nhưng trong hồi ức của các tướng lĩnh và cựu chiến binh, trận chiến Buôn Ma Thuật vẫn hiện rõ mồn một. Trong đó, ký ức rõ nhất là nghệ thuật nghi binh đã được chúng ta sử dụng một cách hiệu quả.

Được giao nhiệm vụ trực tiếp nghi binh, lừa địch, kéo lực lượng địch của Sư đoàn 23 ở Buôn Ma Thuật về Pleiku, Kon Tum, đại tá Đinh Xuân La, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 kể:

Chiến dịch nghi binh được thực hiện rất bài bản, bí mật. Sở dĩ ông được chọn vào vị trí nghi binh vì địch đã biết tiếng khi Đinh Xuân La ở chỗ nào thì Sư đoàn 10, Trung đoàn 66 chủ lực của mặt trận Tây nguyên ở  đó. Bên cạnh đó, Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên chỉ đạo, phát các bức điện về Tỉnh ủy Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk mang nội dung chuẩn bị tấn công Pleiku và Kon Tum. Cùng với đó huy động nhân dân cùng công binh mở đường phục vụ cho hai hướng tiến công này. Mặc dù lực lượng của ta đã dời đi để phục vụ giải phóng Buôn Ma Thuật, nhưng vẫn để nguyên hệ thống thông tin liên lạc và người vận hành, hàng ngày vẫn đều đặn phát điện tín từ khu vực Pleiku và Kon Tum. Do đó Mỹ và ngụy hoàn toàn bị lừa, hành động theo đúng kế hoạch của ta.

Đại tá Đinh Xuân La nhớ lại: “Sau 1 tuần chúng tôi nghi binh, địch đã điều động lực lượng của Sư đoàn 23 và các liên đoàn biệt động từ Buôn Mê Thuật, Đắk Lắk trở về Gia Lai, Kon Tum. Chúng đưa lực lượng biệt kích ra chặn không cho ta làm đường. Địch đã nhận định đây chính là hướng tiến công chủ yếu của ta vào Pleiku”. 

Chiến dịch nghi binh được thực hiện thống nhất từ đầu cho tới thời điểm mở màn chiến dịch Buôn Ma Thuột. Từ cuối tháng 2/1975, ta cho Sư đoàn 968 đánh thật để nghi binh tiến công vào các vị trí địch ở Tây Nam Pleiku và Kon Tum. Tiếp tục nghi binh thu hút sự chú ý của địch, ngay khi ta đã tiến công Buôn Ma Thuật, bộ đội đặc công và pháo binh của ta vẫn nổ súng đánh sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, khu kho Mai Hắc Đế. Do đó đến phút cuối cùng địch vẫn hoàn toàn bị động, quân chủ lực đã điều động về Pleiku và Kon Tum, trong khi đó các hướng phục vụ tiếp tế đã bị ta chốt chặn. Địa bàn chiến lược là Buôn Ma Thuột hoàn toàn sơ hở và trở nên yếu thế. Trong khi đó Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 của ta đã di chuyến về sát Buôn Ma Thuột phục vụ cho chiến dịch. Để chắc thắng, Bộ Tổng Tư lệnh tăng cường cho Tây Nguyên Sư đoàn 316 và Sư đoàn 968 từ Hạ Lào sang. Như vậy lúc này Tây Nguyên có 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, Tây Nguyên đã mạnh hơn một quân đoàn và như một tập đoàn chiến lược.

Ông Nguyễn Đình Thi, người được giao nhiệm vụ là Trung đội trưởng mở cửa thuộc Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 10 cho biết, nhiệm vụ của Trung đội là phá 9 hàng rào dây thép gai trong ngày 10/3 để bộ binh và xe tăng vào. Trong 4 mũi đánh Buôn Ma Thuột, thì chỉ có mũi của Trung đội mở cửa là mũi đánh thọc sâu, tức là đánh thẳng vào Sở chỉ huy địch.

Ông Nguyễn Đình Thi nhớ lại: “Chúng bắn ra rất ác liệt. Khi chiếm cửa mở, bị thương rất nhiều. Đánh chiếm khu cửa mở, lúc đầu là bộ binh, sau khi mở cửa thông thì xe tăng, xe bọc thép ầm ầm lao vào. Anh Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh – Thượng úy đi xe bọc thép đầu tiên hy sinh, tiểu đoàn phó bị thương, công vụ đi cùng anh Oánh cũng hy sinh. Nhưng lúc đó cứ tiếp tục đánh thôi”.

Thực hiện kế hoạch tiến nhanh, tiến mạnh, ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên lúc đó cho biết: Tận dụng sự hốt hoảng rút lui của địch sau thất thủ ở Buôn Ma Thuột, ta đã thừa thắng tiến công không chỉ giải phóng Đắk Lắk mà giải phóng hoàn toàn cả 4 tỉnh Tây Nguyên và tiến về giải phóng tiếp 3 tỉnh ven biển quân khu 5 là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Đến ngày 26/3, 7 tỉnh hoàn toàn giải phóng trong thời gian 26 ngày. Chiến dịch Tây Nguyên giành chiến thắng đã chia chiến trường miền Nam của Mỹ, ngụy làm 3 khúc. Ta chiếm hoàn toàn khúc giữa, ngăn cách Trị Thiên – Huế, Đà Nẵng với Sài Gòn. Do vậy đã tạo thời cơ để Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng giải phóng ngay sau đó.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: “Trước hết là sự sáng suốt của Bộ Chính trị, của Bộ tổng tư lệnh chọn Tây Nguyên làm điểm đột phá. Đó là nguyên nhân thắng lợi đầu tiên. Buôn Mê Thuột không chỉ là thị xã của Đắk lắk mà là thủ phủ của 5 tỉnh Tây Nguyên, đánh được trung tâm đầu não, lực lượng của địch vỡ rất nhanh. Tài nghệ của Bộ Tư lệnh chiến dịch là tạo ra thế lừa địch, kìm chế địch, khóa địch lại, theo hướng đánh vào mục tiêu chính, địch không còn cách gì để cứu vãn”.

Có thể nói Tây Nguyên giành chiến thắng đã tạo tiền đề chắc chắn để giải phóng hoàn toàn miền Nam, đúng như chủ trương của Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Và ngày 30/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Buôn Ma Thuột cất cánh từ khói lửa
Buôn Ma Thuột cất cánh từ khói lửa

VOV.VN - 40 năm sau khói lửa chiến tranh, Buôn Ma Thuột đã thành đô thị loại 1, là một trong 10 thành phố xanh nhất cả nước

Buôn Ma Thuột cất cánh từ khói lửa

Buôn Ma Thuột cất cánh từ khói lửa

VOV.VN - 40 năm sau khói lửa chiến tranh, Buôn Ma Thuột đã thành đô thị loại 1, là một trong 10 thành phố xanh nhất cả nước

Buôn Ma Thuột - Đường xuân lịch sử
Buôn Ma Thuột - Đường xuân lịch sử

VOV.VN -Buôn Ma Thuột hôm nay là sức hút của một đô thị đang chuyển mình mạnh mẽ để vươn lên trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.

Buôn Ma Thuột - Đường xuân lịch sử

Buôn Ma Thuột - Đường xuân lịch sử

VOV.VN -Buôn Ma Thuột hôm nay là sức hút của một đô thị đang chuyển mình mạnh mẽ để vươn lên trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.