43 lao động Việt Nam kêu cứu tại Nhật Bản
VOV.VN - Những lao động này sang Nhật Bản với hình thức hợp đồng cá nhân, không phải đi thông qua một doanh nghiệp hay tổ chức có giấy phép.
Liên quan đến vụ việc 43 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản vừa làm đơn kêu cứu đến Ban Bảo hộ công dân (Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản), phản ánh việc họ đang phải làm việc trong điều kiện độc hại nhưng không được bảo hộ và các điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Nhật không như các điều khoản đã được kí kết với công ty sử dụng lao động, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung này.
PV: Thưa ông, 43 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản vừa làm đơn cầu cứu gửi đến Ban Bảo hộ công dân, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, vậy Cục đã nắm được thông tin này hay chưa?
Ông Tống Hải Nam: Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin này từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, thuộc Cơ quan đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Theo thông tin mà chúng tôi biết, 43 lao động này đi làm việc tại Nhật Bản thông qua Chi nhánh của Công ty Freesia House Corporation.
Phòng trọ có giá quy ra tiền Việt gần 10 triệu đồng/người/tháng của công nhân Việt tại Iwate, Nhật Bản (Ảnh: Facebook nhân vật) |
Công ty này có văn phòng đại diện tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng đại diện của công ty này đã liên lạc với số lao động trên để ký hợp đồng đưa các lao động sang làm việc tại Nhật Bản theo hình thức là kỹ sư thực hành, với thời gian visa là 1 năm.
Theo thông tin xác nhận của Ban Quản lý lao động chiều qua (16/3) với chúng tôi, thì những lao động này sang với hình thức hợp đồng cá nhân chứ không phải đi thông qua một doanh nghiệp hay một tổ chức có giấy phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ban Quản lý lao động đã trực tiếp làm việc với các lao động tại Tokyo, cũng như gặp gỡ đại diện người lao động.
Hiện nay, Ban cũng có kế hoạch xuống tỉnh Iwate, nơi người lao động Việt Nam làm việc ở xí nghiệp tại tỉnh đó để khảo sát thực tế điều kiện ăn ở, làm việc của người lao động cũng như làm việc trực tiếp với chủ nhà máy để có những phương án đề xuất, hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
PV: Những thông tin bước đầu Cục nắm được cho thấy người lao động phản ánh về những điều kiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam: Đầu tiên là thông tin chúng tôi nhận được trên mạng xã hội về việc 43 lao động này phản ánh: trước khi đi làm việc họ được ký một hợp đồng, với những điều kiện tương đối tốt, phù hợp với những quy định của luật pháp Nhật Bản trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc.
Thế nhưng, theo phản ánh của người lao động thì khi sang đến Nhật Bản, những điều kiện ăn ở của họ không như trong hợp đồng mà họ đã ký kết. Cụ thể là điều kiện ở tồi tàn, tiền nhà, tiền điện, tiền nước đều bị khấu trừ ở mức tương đối cao, điều kiện ăn uống không đảm bảo. Đấy là những phản ánh của người lao động trên mạng xã hội, cũng như thông tin cho đại diện của chúng tôi ở Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Trước những thông tin này, theo chỉ đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban kiểm tra sẽ xuống tận nơi nhà máy ở tỉnh Iwate để khảo sát, kiểm tra điều kiện làm việc, ăn ở thực tế của người lao động. Lúc đó mới có kết luận chính xác là có đúng như phản ánh của người lao động hay không; cũng như có những giải pháp, đề xuất trong việc xử lý, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Ông Tống Hải Nam |
PV: Sự việc tương tự đã từng xảy ra tại thị trường Nhật Bản bao giờ chưa, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam: Có thể nói, thị trường Nhật Bản là rất tốt. Trong nhiều năm qua, số lượng phái cử thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng tăng. Năm 2013, chúng ta đưa được 10.000 thực tập sinh sang Nhật Bản, năm 2014 đưa được gần 20.000 và năm 2015 vừa rồi đưa được hơn 27.000 thực tập sinh sang Nhật Bản.
Số lượng tăng đều qua những năm gần đây cho thấy, nhu cầu của thị trường Nhật đối với lao động Việt Nam theo diện thực tập sinh kỹ năng là rất lớn, cũng như nhu cầu của lao động Việt Nam sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh rất nhiều. Trong cả quá trình hơn 20 năm đưa phái cử thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản, chúng tôi cũng chưa gặp trường hợp nào như phản ánh của 43 lao động của tỉnh Iwate vừa rồi.
Có thể nói đối với thị trường Nhật thì hình thức đưa lao động đi theo dạng thực tập sinh kỹ năng là chiếm phần đông. Vì theo chính sách, Nhật Bản không tiếp nhận lao động phổ thông. Những người sang với tư cách lao động thì chỉ có những lao động tay nghề, kỹ thuật cao, những lao động theo quy định của luật pháp Nhật Bản mà người Nhật Bản không thể đáp ứng làm việc được thì mới cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài.
Số lao động đi theo dạng kỹ sư sang Nhật không nhiều. Nếu như trong 3 năm gần đây, số thực tập sinh cử sang Nhật Bản là 10.000, 20.000 và 27.000 của năm 2013, 2014, 2015 thì cũng không quá 1.000 kỹ sư Việt Nam được đưa sang Nhật Bản theo hình thức lao động.
PV: Vậy xin ông cho biết số lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo các công ty phái cử chính thức đến thời điểm này là bao nhiêu?
Ông Tống Hải Nam: Qua 24 năm triển khai phái cử và đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản thì chúng ta đã đưa được 100.000 lượt thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Hiện nay có khoảng gần 50.000 thực tập sinh của Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản.
Số thực tập sinh này được đưa sang Nhật Bản thông qua các doanh nghiệp phái cử có giấy phép xuất khẩu lao động Việt Nam được giới thiệu với tổ chức JITCO của Nhật Bản. Hiện nay, trong tổng số 250 doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động thì cũng có 203 doanh nghiệp được chúng tôi giới thiệu và được phía Nhật Bản chấp thuận để phái cử và tiếp nhận thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản.
PV: Qua sự việc này, ông có khuyến cáo gì để người lao động tránh bị lừa và mất tiền oan cho môi giới?
Ông Tống Hải Nam: Thực tế đúng như vậy, giữa nguyện vọng mong muốn được đi làm việc chính đáng của người lao động Việt Nam thì có những cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài lợi dụng vào nguyện vọng và mong muốn của người lao động lừa đảo tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài thu tiền một cách bất hợp pháp, nhiều khi không đưa được người lao động đi làm được.
Với những trường hợp này, chúng tôi đã có rất nhiều lần khuyến cáo người lao động là cần phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký để đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động có thể liên hệ trực tiếp Cục Quản lý lao động ngoài nước của chúng tôi thông qua số điện thoại 04.38249517 với các máy lẻ 511, 512, 513 để nhận được những tư vấn hoặc cũng có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Cục chúng tôi ở địa chỉ: www.dolab.gov.vn để tìm hiểu những thông tin về những doanh nghiệp phái cử.
Những doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, những hợp đồng các doanh nghiệp đó đã đăng ký và được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận.
Đối với người lao động ở các địa phương xa không có điều kiện đến hoặc liên lạc với chúng tôi, thì cũng có thể thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người lao động cư trú hoặc Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh để được tư vấn thông tin chính xác nhất.
Khi người lao động có nguyện vọng, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nên đến trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động; không nên thông qua bất cứ một trung gian, môi giới nào khi làm thủ tục đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.
Với các doanh nghiệp đó, khi phải đóng bất cứ một khoản phí, một chi phí gì theo quy định của pháp luật thì nên yêu cầu các doanh nghiệp đấy cung cấp phiếu thu để làm cơ sở đảm bảo rằng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân của doanh nghiệp trong việc ký kết các hợp đồng đưa đi làm việc tại nước ngoài là cho đúng, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện tại.
PV: Xin cảm ơn ông!./.