5K liệu có còn phù hợp?
VOV.VN - Theo một số chuyên gia, hiệu quả bảo vệ phòng lây nhiễm của vaccine chưa cao, Covid-19 hiện cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 5K là các biện pháp dự phòng cá nhân hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, một chuyên gia y tế về dự phòng cho rằng, nguyên tắc 5K chính là biện pháp dự phòng cá nhân hiệu quả.
Nhóm biện pháp phòng dịch 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) được Bộ Y tế đề ra từ tháng 8/2021 khi dịch COVID-19 đang rất nóng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Chuyên gia này phân tích, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp, theo giọt bắn và vẫn có nguy cơ lây cao khi tiếp xúc gần, trong môi trường kín, đám đông; Bên cạnh đó, hiệu quả bảo vệ phòng lây nhiễm của vaccine chưa cao và Covid-19 hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 5K là các biện pháp dự phòng cá nhân vô cùng hiệu quả.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, có nhiều nghiên cứu cho rằng đeo khẩu trang có thể phòng được 50% nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây theo đường hô hấp và khi rửa tay với xà phòng có thể phòng được tới 44% các bệnh lây qua đường tiêu hoá và hô hấp.
Tuy nhiên, mọi người cần hiểu và linh hoạt khi thực hiện 5K, thực hiện ở đâu, khi nào chứ không phải bất kỳ nơi nào, bất kỳ lúc nào cũng phải thực hiện hết các biện pháp của 5K.
“Ví dụ ăn khi ăn uống thì không thể đeo khẩu trang được nhưng chúng ta có thể giãn cách. Hay khi đi du lịch, 5K thực hiện trong nhà khác với 5K ngoài trời. Hay khi làm việc trong phân xưởng sản xuất có nơi không thể thoáng khí được vì chống bụi bẩn bám vào sản phẩm nên việc đeo khẩu trang rất quan trọng mới đến khử khuẩn, giãn cách…” - chuyên gia chia sẻ.
Vì vậy, chuyên gia này cho biết, tùy theo hoàn cảnh nào mà thực hiện K nào. Trong đó cần thấy nguyên tắc nào là ưu tiên và nguyên tắc nào là hỗ trợ cho nhau và thực hiện tối đa có thể được tùy theo công việc, hoạt động.
Cũng theo chuyên gia này, việc thực hiện 5K phải linh hoạt trong từng hoạt động có tính chất đặc thù mà mỗi ngành, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi công ty, xí nghiệp, nhà máy... có những hướng dẫn và quy định phù hợp khi thực hiện.
Tuỳ đối tượng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… có những quy định phù hợp trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc giữ khoảng cách và không tập trung đông người tuy không còn phù hợp với phương án "thích ứng, an toàn, linh hoạt" như hiện nay nhưng vẫn nên được khuyến cáo.
PGS Nga cũng cho biết, hiện nay đã không còn xử phạt nghiêm khắc các trường hợp không đeo khẩu trang hay tụ tập đông người, vì còn tùy vào tình hình thực tế. Tuy nhiên, việc khuyến cáo vẫn nên thực hiện. “Biến chủng mới rất dễ lây lan, chưa thể xem COVID-19 là bệnh lưu hành thông thường thì tuân thủ được nội dung khuyến cáo nào ta cứ nên thực hiện"- ông Nga cho hay.
Theo Nature, trong hướng dẫn cập nhật mới nhất, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vẫn tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa COVID-19 đã được áp dụng trong suốt hơn 2 năm qua. Theo CDC Mỹ, vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Đây là cách tốt nhất để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó những giao thức y tế như đeo khẩu trang, thực hành giãn cách, tự xét nghiệm để ngăn ngừa lây lan cho người khác, rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho, hắt hơi vẫn là không thể thiếu để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Còn theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về biện pháp phòng chống biến chủng Omicron, giữ khoảng cách (physical distancing) và không tụ tập (avoidance of crowds) vẫn được xem là yếu tố then chốt để giảm lây nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, WHO cũng nhấn mạnh các yếu tố thông thoáng, thông khí (ventilation), đeo mặt nạ, vệ sinh tay./.