6 bến xe tại Hà Nội, 34 doanh nghiệp vận tải vào "tầm ngắm" kiểm tra
VOV.VN - Từ 7/11/2023 đến 18/1/2024, Sở GTVT Hà Nội sẽ làm việc với 34 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và 6 bến xe khách để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, điều kiện hoạt động.
Các nội dung cụ thể được Sở GTVT Hà Nội kiểm tra gồm điều kiện pháp lý để hoạt động; điều kiện phương tiện và công tác quản lý; nơi đỗ xe; điều kiện lái xe và công tác tuyển, quản lý lái xe; thiết bị giám sát hành trình; lắp đặt camera; lệnh vận chuyển; bộ phận quản lý theo dõi hoạt động của phương tiện; hồ sơ kê khai giá cước, niêm yết giá cước…
Cụ thể, các nội dung được Sở GTVT Hà Nội kiểm tra bao gồm: điều kiện pháp lý để hoạt động; điều kiện phương tiện và công tác quản lý; nơi đỗ xe; điều kiện lái xe và công tác tuyển, quản lý lái xe; thiết bị giám sát hành trình; lắp đặt camera; lệnh vận chuyển; bộ phận quản lý theo dõi hoạt động của phương tiện; hồ sơ kê khai giá cước, niêm yết giá cước…
Các đơn vị vận tải được kiểm tra hầu hết là các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhiều phương tiện xe khách hoạt động như: Công ty TNHH Vận tải Việt Thanh, Chi nhánh Công ty TNHH Hưng Thành, Công ty CP Ô tô khách Hà Tây, Công ty CP Xe khách Hà Nội, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Bắc Hà…
6 bến xe trong diện kiểm tra lần này gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Sơn Tây.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị lập lại kỷ cương quản lý phương tiện vận tải đường bộ và các bến xe khách.
Để sớm khắc phục những rủi ro trong quản lý điều hành ngành vận tải, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội kiến nghị các cơ quan liên quan của thành phố xử lý một cách quyết liệt tệ nạn “xe dù, bến cóc”, xe giả danh xe hợp đồng, xe limousine, xe ghép trên các tuyến…
Hiệp hội cũng kiến nghị TP Hà Nội quy hoạch lại hệ thống bến xe, trong đó bến xe phải gần dân, cho tăng thêm tần suất theo yêu cầu của thị trường, phải được đồng ý của địa phương và các bến xe sau khi được Bộ GTVT phê duyệt.