87% phụ nữ bị bạo lực đã không tố giác
VOV.VN -Theo nghiên cứu về bạo lực gia đình, 87% phụ nữ bị bạo lực được khảo sát chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ, cơ quan trợ giúp pháp lý.
Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo “Định kiến giới trong hệ thống tư pháp và tiếp cận công lý của phụ nữ trong những vụ án bạo lực trên cơ sở giới” do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay (1/4) tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, bạo lực đối với phụ nữ vẫn diễn ra phức tạp. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, bạo lực thân thể, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần là 3 dạng bạo lực phổ biến nhất ở Việt Nam với hơn 50% phụ nữ trong hôn nhân cho biết từng trải qua ít nhất một trong ba loại bạo lực này.
Bà Đào Lệ Thu, Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ không tố giác các vụ bạo lực giới mà thường im lặng hoặc chấp nhận biện pháp hòa giải là do ảnh hưởng của khuôn mẫu cổ hủ và định kiến giới và sự thiếu hiểu biết của phụ nữ.
Bà Lệ Thu nói: “Sự hiểu biết của phụ nữ Việt Nam nói chung còn hạn chế. Ở đây tôi muốn nói đến sự hiểu biết về chính sách, chủ trương về vấn đề bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Bên cạnh đó là thái độ, hành xử của cán bộ bảo vệ pháp luật xem nhẹ nạn nhân của nạn bạo lực giới. Trước thái độ đó nạn nhân cảm thấy không tin tưởng và ngần ngại trong việc quyết định tốt giác vụ việc của mình nữa hay không”.
Hệ thống pháp luật Việt Nam thời gian qua đã dần được hoàn thiện, góp phần đảm bảo quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quyền bình đẳng giữa nam và nữ về mọi mặt và nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
Theo đó, nhà nước ghi nhận trách nhiệm bảo đảm quyền, cơ hội bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò trong xã hội. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, những quy định của pháp luật vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận hệ thống tư pháp; có những quy định chưa đi vào thực tế…
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp cho biết: “Chúng tôi xây dựng các Dự án Luật, khi thẩm định về bình đẳng giới, cố gắng chú trọng xử lý vấn đề bình đẳng giới cho thật tốt. Những hành vi xâm phạm bình đẳng giới, bạo lực với phụ nữ phải được xử lý nghiêm minh. Để xử lý nghiêm minh và phòng chống các hành vi như vậy thì công tác phổ biến pháp luật phải tốt để mọi người biết được nếu bạo lực với phụ nữ sẽ bị xử lý và xử lý nặng hơn”./.