An cư trên mảnh đất Lục Khu - Cao Bằng
VOV.VN - Tết này, hàng trăm gia đình nghèo ở vùng đất Lục Khu, mảnh đất nổi tiếng bởi sự cằn cỗi, gian khó nhất của tỉnh Cao Bằng đã có những căn nhà ấm áp, vững chãi. Mùa Xuân trong những ngôi nhà mới như đến sớm hơn, góp phần cùng người dân vùng đất biên cương an cư, xây dựng cuộc sống.
Gần hết cuộc đời, bà Hoàng Thị Phúng, 76 tuổi, dân tộc Nùng tại xóm Thượng Sơn, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng cùng 2 cháu nội mới được sống trong ngôi nhà có nền xi măng, mái lợp tôn, vách cứng vững chãi thay cho căn nhà lá tuềnh toàng trước đây, chưa cho bà có một ngày đông ấm áp theo đúng nghĩa...
Ngắm ngôi nhà vừa hoàn thành nhờ sự hỗ trợ của Bộ Công an, chính quyền địa phương và cán bộ, đoàn thể xã, bà Phúng nghẹn ngào: Con trai bà không may mất sớm, con dâu cũng bỏ đi biệt tích. Tuổi già lại chăm sóc 2 đứa cháu côi cút nên nếu không có hỗ trợ của Nhà nước, chẳng biết khi nào các cháu của bà mới hết cảnh gió lùa, mưa dột.
“Nhà nước giúp nhà tôi hết mọi thứ, còn mang cả dồ dùng, giường ngủ về cho, tôi cám ơn lắm, không thì nhà tôi không biết khi nào mới có được. Năm nay có nhà thì không lo lạnh nữa, trời rét đi vào nhà thấy ấm lắm”, bà Phúng nói.
Còn với 2 anh em Nông Văn Tấn, Nông Văn Lợi, ở xóm Rằng Rục, xã biên giới Lũng Nặm, Tết năm nay đã quyết định chung nhau ngả một con lợn to để mời anh em, hàng xóm mừng Xuân trong ngôi nhà mới. Cuối năm 2021, từ số tiền dành dụm cộng với sự hỗ trợ từ Bộ Công an, 2 anh em đã chuyển từ trong bản ra cất nhà gần trung tâm xã để tiện cho con cái đi học và để tìm hướng phát triển kinh tế từ nương rẫy sang chăn nuôi, dịch vụ.
Anh Nông Văn Lợi phấn khởi: “Có cái nhà vững chắc rồi thì cũng an tâm hơn, không phải nghĩ đến nhà nữa, chỉ nghĩ làm kinh tế sao mạnh lên thôi, nhất là làm sao thay đổi cuộc sống cho con cái sau này. Tôi chỉ mong muốn con cái sau này sẽ phát triển vượt bậc hơn”.
Vùng Lục Khu gồm 6 xã khó khăn nhất của huyện Hà Quảng (Cao Bằng), trong đó có tới 4 xã biên giới là Lũng Nặm, Cải Viên, Tổng Cọt và Nội Thôn. Nổi tiếng bởi sự cằn cỗi bởi cả vùng đất rộng lớn này không có lấy một dòng sông, con suối. Nhiều người vẫn nói vui, đến chỉ tiêu nước sinh hoạt còn phải đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, chuyện thoát nghèo, có nhà to đẹp chắc chỉ có trong câu chuyện cổ tích. Không có nước làm ruộng, bà con chỉ trông vào những nương ngô lổn nhổn đá hay đi làm thuê, làm mướn... Tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xã lên tới gần 70%. Vùng đất này cũng chỉ phần lớn những triền đá nối dài, cao vút nên khí hậu cũng khắc nghiệt hơn bất cứ nơi nào dọc tuyến biên giới Cao Bằng. Mùa đông sương giá phủ trắng những ngọn cây, vạt cỏ nên những căn nhà tre, nứa tạm bợ không ngăn nổi những cơn gió rét cắt da cắt thịt.
Năm 2020 và 2021, huyện Hà Quảng đã được Bộ Công an và thành phố Hà Nội hỗ trợ tu sửa và làm mới gần 900 căn nhà, riêng 6 xã vùng Lục Khu là 350 căn. Hàng ngàn lượt cán bộ chiến sỹ công an, bộ đội biên phòng và cán bộ thôn, xã đã cùng nhau cõng từng tấm tôn, khuân từng bao xi măng đi bộ vượt những con dốc đá hàng cây số để giúp dân dựng nhà. Với bà con nơi đây, ngôi nhà không chỉ mang giá trị vật chất, không chỉ đủ che mưa, che nắng mà còn đượm nặng nghĩa tình quân dân.
Đại úy Trịnh Tạ Phin, Trưởng Công an xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng cho biết: “Được Nhà nước, Công an hỗ trợ làm nhà, bà con yên tâm sinh sống và càng thêm tin tưởng, gắn bó. Với Công an xã Lũng Nặm chúng tôi luôn được bà con tạo điều kiện, giúp đỡ nhiệt tình để hoàn thành tốt nhiệm vụ nên tình hình an ninh trật tự thời gian qua luôn được đảm bảo ổn định”.
Cùng với hỗ trợ đồng bào xây dựng, sửa chữa nhà ở, các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp cũng quan tâm, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm gần đây, người dân vùng Lục Khu đã dần chuyển những diện tích trồng ngô sang cây gừng, cây lạc và trồng cỏ để nuôi trâu bò vỗ béo... nhờ đó, đời sống từng bước được cải thiện. Những ngôi nhà vững chãi cũng là điểm tựa, là niềm tin để người dân mạnh dạn đổi mới mô hình sản xuất.
Bà Đàm Mai Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng nói: “Hiện nay tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 của xã Thượng Thôn là hơn 69% và qua rà soát xã còn hơn 130 hộ có nhu cầu về nhà ở. Với các hộ gia đình đã được hỗ trợ làm nhà ở, bà con đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, bây giờ yên tâm tập trung cho phát triển kinh tế”.
Trên triền núi, những vạt cải nương đã trổ bông vàng trong cái rét ngọt của ngày xuân sớm. Sự khởi sắc trong cuộc sống đồng bào Lục Khu bắt đầu từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ việc có đủ nước sinh hoạt và cũng từ chính những ngôi nhà đủ chắc, đủ ấm để đồng bào an cư trên mảnh đất biên cương./.