“Áo xanh tình nguyện” tiếp sức người bệnh
VOV.VN -Mỗi đội tình nguyện có từ 50 - 100 tình nguyện viên với nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ người dân về khám chữa bệnh…
Từ tháng 6 tới, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam bắt đầu tổ chức thành lập các Đội tình nguyện tiếp sức người bệnh tại các bệnh viện lớn. Đây là 1 trong 7 Đề án của Bộ Y tế, góp phần đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Mục tiêu của Đề án thành lập Đội tình nguyện tiếp sức người bệnh là hỗ trợ chăm sóc toàn diện cho người bệnh, làm giảm 70% tình trạng “cò” bệnh viện và giảm tải 30% công việc của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính tại những bệnh viện thực hiện đề án.
Mỗi đội tình nguyện có từ 50 - 100 tình nguyện viên với nhiệm vụ hướng dẫn người dân về quy trình khám chữa bệnh; hỗ trợ người bệnh nhất là người khuyết tật di chuyển trong bệnh viện; hỗ trợ người bệnh làm các thủ tục nhập viện, xuất viện; tham gia các hoạt động từ thiện và chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân. Đặc biệt, tham gia chăm sóc những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, phải nằm viện dài ngày để người nhà bệnh nhân vẫn có thể đi làm duy trì thu nhập.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Bá Tĩnh cho biết: “Chúng tôi mong muốn đưa thanh niên tình nguyện với màu áo xanh vào bệnh viện để góp phần giảm tải bệnh viện. Đề án này chúng tôi thực hiện với tiến độ từ tháng 6 – 12/2015 sẽ tổ chức lễ ra quân tại 30 bệnh viện ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm 2016 - 2019 chúng tôi sẽ thực hiện ở 100 bệnh viện trên toàn quốc”.
Theo Bộ Y tế, hiện chỉ khoảng trên 20% bệnh viện công lập có một nửa số khoa áp dụng chăm sóc người bệnh toàn diện. Trong đó, hầu hết các bệnh viện tuyến Trung ương chỉ triển khai việc này tại các khoa lâm sàng và hơn 50% bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện chăm sóc toàn diện cho người bệnh, nhưng chỉ tập trung ở một số khoa trọng điểm như hồi sức cấp cứu, khoa ngoại.
Do quá tải bệnh nhân nên đội ngũ điều dưỡng viên tại các bệnh viện công lập không thể thực hiện đầy đủ công tác chăm sóc cho người bệnh, buộc người nhà bệnh nhân phải chăm sóc./.