Áp dụng ngay các biện pháp quyết liệt chặn dịch cúm gia cầm
VOV.VN - Các tỉnh, thành phố áp dụng ngay các biện pháp khống chế và ngăn chặn dịch, đảm bảo nguồn gia cầm an toàn cho người sử dụng.
Chiều 28/2, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Nội dung công điện nêu rõ: Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm AH5N1, đồng thời để nhanh chóng khống chế và dập dịch trên gia cầm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ổn định sản xuất chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh có nguy cơ khẩn trương chỉ đạo áp dụng ngay các biện pháp quyết liệt để khống chế và ngăn chặn dịch cúm gia cầm, đồng thời để người tiêu dùng yên tâm sử dụng an toàn. Cụ thể:
1. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 200 ngày 14/2/2014 và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại Thông báo số 72 của Văn phòng Chính phủ.
2. Tổ chức quản lý đàn gia cầm nuôi trên địa bàn, đặc biệt lưu ý giám sát đàn vịt, cơ sở giống và ấp nở gia cầm; quản lý chặt đàn vịt chạy đồng và việc vận chuyển gia cầm sống, sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn, tại các chợ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc thú y phòng trị bệnh trên địa bàn, quản lý chặt người chăn nuôi mua thuốc thú y và xử lý nghiêm các vi phạm; khuyến cáo người chăn nuôi mua thuốc thú y từ những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng, không mua thuốc thú y không rõ nguồn gốc trên thị trường để điều trị bệnh cho gia cầm.
Hướng dẫn, kiểm tra chứng nhận và công khai địa chỉ cơ sở an nuôi an toàn dịch bệnh và có biện pháp khuyến khích tiêu thụ gia cầm từ các cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng không có dịch.
3. Tổ chức công bố ổ dịch và triển khai các biện pháp chống dịch theo đúng quy định và pháp luật. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện để công bố dịch thì phải công khai ổ dịch để người dân biết, chủ động phòng chống dịch cho đàn gia cầm và phòng tránh lây nhiễm cho người.
4. Rà soát, công khai mức hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục hỗ trợ kinh phí tiêu hủy gia cầm cho phù hợp thực tế với địa phương theo đúng Quyết định số 719 ngày 5/6/2008 và Quyết định số 1442 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo các cơ quan thú y có thẩm quyền của địa phương tổ chức xác định đúng bệnh và đúng đối tượng được hỗ trợ để tránh lợi dụng dịch cúm gia cầm lấy tiền hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời tổ chức giám sát chặt số lượng gia cầm phải tiêu hủy và quá trình tiêu hủy gia cầm.
5. Tổ chức ngay “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng chống dịch cúm gia cầm” trong toàn quốc từ 22/4 đến 21/3/2014 theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là khu vực có ổ dịch cúm, vùng nguy cơ cao như: các chợ, giết mổ gia cầm, cơ sở giống gia cầm.
6. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí trong dự toán được giao năm 2014 cho các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt cấp kinh phí ngay cho các hoạt động lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm trên địa bàn. Chỉ đạo hệ thống thú y địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay việc lấy mẫu giám sát chủ động để xác định chủng vi rút gia cầm đang lưu hành làm cơ sở lựa chọn vắc xin phòng chống dịch.
7. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp an toàn khi tiếp xúc, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm để đề phòng chống bệnh cúm gia cầm.
Nội dung tuyên truyền cần phản ánh đúng thực tế dịch bệnh, không gây hoang mang làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm ở những khu vực không có dịch bệnh. Tuyên truyền để người dân cùng tham gia giám sát và khai báo ổ dịch, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.
8. Rà soát và củng cố hệ thống thú y, đặc biệt là thú y tuyến cơ sở; đảm bảo mỗi xã có ít nhất có 1 nhân viên thú y để hưởng chính sách của Nhà nước theo quy định để thực thi nhiệm vụ; quy định rõ trách nhiệm của nhân viên thú y trong việc kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch, báo cáo ổ dịch và hướng dẫn xử lý ban đầu đối với đàn gia cầm nghi mắc bệnh.
Khi nhận được tin báo dịch, Chi cục Thú y cấp tỉnh hoặc trạm Thú y cấp huyện phải cử cán bộ xuống kiểm tra, chẩn đoán xác dịch bệnh; trong trường hợp nghi ngờ bệnh cúm gia cầm phải tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm và đề nghị tiêu hủy theo quy định. Khi xác nhận là ổ dịch cúm gia cầm, Chi cục Thú y tỉnh phải chịu trách nhiệm báo cáo dịch và đề nghị công bố dịch theo quy định.
9. Bộ NN&PTNT sẽ xem xét, hỗ trợ vắc xin tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch từ nguồn dự phòng của Trung ương và đề xuất Chính phủ hỗ trợ hóa chất khử trùng từ Quỹ Dự trữ Quốc gia cho các địa phương theo hướng dẫn của Cục Thú y về quản lý, sử dụng vắc xin và hóa chất khử trùng dự trữ Quốc gia.
10. Giao Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan Thú y cử cán bộ trực tiếp xuống các ổ dịch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương trong công tác phòng chống dịch; đồng thời báo cáo những tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch về Cục Thú y để tổng hợp báo cáo Bộ về đề xuất các giài pháp.
Đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 24 tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 113.000 con./.