Bà Rịa - Vũng Tàu không lo thiếu lao động
VOV.VN - Chính quyền và doanh nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã giữ chân người lao động bằng các chế độ chính sách chăm lo về cuộc sống, sức khỏe để cùng gắn bó, chia sẻ và đồng hành với nhau.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lo ngại khan hiếm lao động bởi “làn sóng” công nhân, người lao động về quê tránh dịch. Tuy nhiên, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chính quyền và doanh nghiệp đã giữ chân người lao động bằng các chế độ chính sách chăm lo về cuộc sống, sức khỏe. Từ đó, người lao động có niềm tin, cùng gắn bó, chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp, địa phương trong giai đoạn khó khăn.
Cách đây 21 ngày, anh Trần Văn Hiếu cùng hàng trăm người lao động khác được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạo điều kiện đưa về quê ở xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp theo nguyện vọng. Anh Hiếu chia sẻ, sau nhiều năm làm phụ hồ tại các công trình ở nhiều địa phương khác, đến năm 2019 anh chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm nơi để vợ chồng anh cùng 3 con nhỏ dừng chân tìm công việc ổn định.
Trước khi dịch diễn ra, vợ chồng anh làm việc cho nhà thầu phụ tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ. Tháng 7 và tháng 8, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giãn cách xã hội khiến vợ chồng anh mất việc, tiền tích luỹ cũng vơi dần nên quay lại quê nhà.
Giờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát, vợ chồng anh Hiếu đang tính chuyện quay lại Bà Rịa - Vũng Tàu kiếm việc làm: “Tôi làm công nhân ở Bà Rịa - Vũng Tàu được 2 năm, khi dịch bệnh xảy ra, gia đình tôi về quê. Tôi về Đồng Tháp đến nay được 21 ngày và nếu Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm soát được dịch chắc là tôi sẽ quay lại. Tôi có nhiều mong muốn, nhưng trước mắt quan trọng là không để đói ăn”.
Sau khi Bà Rịa - Vũng Tàu mở cửa nhiều hoạt động, Công ty giầy Uy Việt, Khu công nghiệp Sonadezi, huyện Châu Đức nhanh chóng sản xuất trở lại. Hiện có 3.100 công nhân, chiếm trên 90% số lao động đã quay lại làm việc.
Ông Ngô Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty giầy Uy Việt cho biết, hiện công ty đã có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo lao động. Trong thời gian đào tạo để công nhân thạo việc, công ty sẽ trả lương thử việc cùng các chế độ khác để người lao động ổn định cuộc sống.
Cũng theo ông Trung, để giữ chân người lao động, trong 2 tháng giãn cách phòng chống dịch, bệnh COVID-19, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này phải chi hơn 1 tỷ đồng để trả lương tối thiểu vùng cho người lao động.
“Những tháng nghỉ giãn cách xã hội, doanh nghiệp vẫn hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng cho người lao động, 170.000 đồng/ngày/người, một tháng 1 lao động nhận 4 triệu đồng theo quy định. Việc hỗ trợ cho lao động trong mùa dịch để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động vượt qua khó trong trong dịch bệnh” - ông Ngô Ngọc Trung nói.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn đã phục hồi sản xuất và sử dụng chủ yếu người tại địa phương nên không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.
Những ngày gần đây, tại Châu Đức, gần như không còn tình trạng lao động đăng ký về quê. Số lao động ngoài tỉnh chủ yếu từ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng sẽ quay lại địa bàn huyện để làm việc.
“Hiện nay, do dịch bệnh số lao động này tạm thời chưa vào Bà Rịa - Vũng Tàu, những ngày tới số lao động này (ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai) sẽ quay lại. Số lao động ngoài tỉnh phải cách ly theo quy định nên chưa vào làm việc, hiện số doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã phục hồi sản xuất, ổn định 100%” - ông Lê Thanh Liêm thông tin.
Thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có hơn 23.000 lao động thất nghiệp, chưa có việc làm, trong đó có 90% lao động có nhu cầu làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn chưa thể quay lại hoạt động do chưa đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch, bệnh COVID-19.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức đưa gần 2.000 trong số 6.000 lao động có nhu cầu về quê, chủ yếu là người lớn tuổi, trẻ em và lao động tự do. Số người đăng ký về các tỉnh Tây Nam bộ, Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên đang giảm từng ngày nên nguồn lao động cung cấp cho các doanh nghiệp vẫn đảm bảo.
Ông Trần Quốc Khách, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc tỉnh triển khai nhanh gói hỗ trợ thất nghiệp và tổ chức tiêm vaccine cho lao động mất việc cũng góp phần để lao động ở lại và có cơ hội sớm tìm được việc làm.
Có thể thấy, sau làn sóng người lao động “ồ ạt về quê”, cùng với các tỉnh, thành trên cả nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã rất quan tâm đến việc thu hút, giữ chân người lao động. Người lao động khi được chăm lo tốt về cuộc sống, sức khỏe, bảo đảm được chế độ an sinh, có tích lũy thì sẽ gắn bó, chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp và chính quyền địa phương vượt qua đại dịch./.