Bác sĩ bị hành hung: Cần có Luật phòng, chống bạo hành nhân viên y tế
VOV.VN - Tính chất răn đe luật pháp còn chưa cao dẫn đến tình trạng hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 nhiều đại biểu cho rằng cần thiết xem xét ban hành Luật về phòng, chống bạo hành nhân viên y tế.
Lý do cần thiết ban hành Luật này là do trong thời gian vừa qua, tình hình bạo hành đối với nhân viên y tế đã gia tăng ở mức báo động. Các bác sỹ, nhân viên y tế ở bệnh viện, trung tâm y tế trong cả nước liên tục bị hành hung
Vụ côn đồ hành hung y bác sỹ và nhân viên y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp (Hải Phòng) |
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) lấy con số cụ thể, tính từ năm 2016 đến nay, tại bệnh viện Bạch Mai đã có 23 vụ phạm pháp, bắt quả tang. Bệnh viện Thanh Nhàn, trong năm 2016 có 8 nhân viên y tế bị hành hung, ngoài ra còn một số vụ hành hung nhân viên y tế ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, Hải Phòng…
“Những con số đấy thực ra rất nhỏ so với thực tế, hiện nay có rất nhiều nhân viên y tế bị hành hung gây thương tích và không được báo cáo thống kê. Đã có nhân viên y tế bị hành hung, gây thương tích nghiêm trọng, có những côn đồ manh động vào tận bệnh viện truy sát, cắt cổ, giết người…”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, không thể không phủ nhận sự cố gắng của Bộ Y tế, các địa phương, Bộ Công an đã có những việc làm để củng cố an ninh trong bệnh viện. Ví dụ như cắt cử các chiến sỹ công an, tức trực 24/24h giờ. Bệnh viện lớn nhanh chóng truy bắt các đối tượng manh động, tập huấn các bộ phận chức năng trong việc phòng, chống, bạo hành y tế. Tuy nhiên, tính chất răn đe luật pháp còn chưa cao dẫn đến bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang). |
“Việc bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác chính là phương pháp tốt nhất để người bệnh có sự chăm sóc chu đáo và đạt được hiệu quả cao nhất trong việc điều trị”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, trên thế giới, theo tìm hiểu một số quốc gia đã có Luật phòng, chống bạo hành nhân viên y tế, tiêu biểu là luật của bang Maharashtra Ấn Độ ban hành ngày 30 tháng 3 năm 2009, “Tôi và một số các chuyên gia về luật pháp đã nghiên cứu kỹ lưỡng ví dụ này và nhận thấy luật tương đối đơn giản, ngắn gọn mới có 8 điều khoản và có tổng cộng 3 trang giấy khổ A4, nhưng rất dễ hiểu.
Luật quy hoạch: Giá trị cốt lõi giúp tăng hiệu quả nguồn lực quốc gia
Dự án Luật hỗ trợ DNNVV “nóng” vấn đề thuế, thanh tra, quỹ
Do đó, vị đại biểu này đề nghị Quốc hội có một lộ trình xem xét thảo luận để ban hành Luật về phòng, chống bạo hành nhân viên y tế và hủy hoại tài sản đối với các cơ sở dịch vụ y tế hoặc ít ra cũng cũng có điều khoản trong điều luật Bộ luật hình sự đang được chỉnh sửa.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng bạo lực học đường cũng như tình trạng dùng hung khí tấn công bác sĩ, y tá và bệnh nhân trong các bệnh viện cũng diễn biến hết sức phức tạp, cần phải có giải pháp về pháp luật để ngăn chặn./.