Bài 2: Công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các vi phạm

(VOV) -Chỉ sau 6 tháng thực hiện Chỉ thị 14 số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm mạnh

Trong bài viết trước chúng tôi đã phân tích những nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp. Nhưng với sự chủ động tìm giải pháp khắc phục, Thanh tra Chính phủ đã triển khai khá hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó đã giải quyết về cơ bản 528 vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới thì cần nhiều giải pháp khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Thực hiện Chỉ thị 14 giúp giải quyết tốt công tác khiếu nại

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khiếu nại, tố cáo, ngày 18/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14 nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này. Thanh tra Chính phủ cũng có kế hoạch rà soát và giải quyết 528 vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài. Đây là những giải pháp quan trọng, bước đầu đã có tác dụng tích cực làm giảm khiếu nại tố cáo. 
Theo đó các Bộ, ngành và địa phương cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; coi công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, nhạy cảm, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm và các cơ quan chức năng có ý kiến khác nhau thì Chủ tịch UBND tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết. 

Chỉ thị nhấn mạnh, trong quản lý đất đai, phải chú trọng, làm tốt công tác lập, xét duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải dân chủ, công khai, đúng chính sách pháp luật, sát với thực tế, nhất là các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp. 

Kết quả chỉ sau 6 tháng thực hiện Chỉ thị 14 số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011. Nhiều bức xúc trong nhân dân đã được giải tỏa, mức độ gay gắt của khiếu kiện nói chung, khiếu kiện đông người, phức tạp nói riêng trong cả nước dịu bớt. Kết quả cụ thể sau 6 tháng cả nước đã giải quyết hơn 5.600 vụ việc khiếu nại, tố cáo; thu hồi cho các tập thể, công dân 6.200 tỷ đồng, 15 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính là 18 người, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc và 4 người. Đến nay Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc kiểm tra, rà soát và sẽ giải quyết 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài ngay trong quý 1 năm nay.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố có hơn 10 triệu dân, các quan hệ giao dịch cũng như các dự án đầu tư xây dựng rất lớn nên phát sinh nhiều đơn thư khiếu kiện, nhưng chủ yếu tập trung vào vấn đề đất đai và đền bù giải tỏa. Ông Lê Mạnh Hà đánh giá, thực hiện Chỉ thị 14 công tác giải quyết khiếu nại tố cáo ở TPHCM đã có những chuyển biến tích cực.

Thực hiện Chỉ thị 14 và kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ có thể nói rằng chất lượng tăng cường phối hợp của các cơ quan đơn vị trên địa bàn TP HCM, của hệ thống chính trị cũng tăng lên và đặc biệt phối hợp với các bộ ngành cũng có những chuyển biến tích cực trong giải quyết khiếu nại, nhất là những tồn đọng trên địa bàn. Thời gian qua đã làm tốt nhưng nếu nói về mặt quy chế, quy trình phối hợp, sắp tới cần được nâng lên một mức để trở thành một quy trình để các địa phương tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các bộ ngành Trung ương nhất là với những vụ tồn tại kéo dài, bức xúc. Nếu chúng ta không thống nhất được, không có sự đồng bộ thì có thể nói trong quá trình giải quyết sẽ khó khăn”. – Ông Hà nói.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích: Với 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai nên việc tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo cùng cơ quan chức năng khác như Thanh tra Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ.
Chỉ thị 14 đã tạo chuyển biến căn bản trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là các vụ khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Tuy nhiên để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại phức tạp, tồn đọng kéo dài khi các cơ quan chức năng đã giải quyết thấu tình đạt lý thì cần phải công khai, minh bạch để người dân chấm dứt khiếu nại. Ông Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị: cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi giải quyết sai vì trong thực tế có một số trường hợp giải quyết sai rồi đùn đẩy, né tránh làm cho người dân phải khiếu kiện lòng vòng. Thậm chí có trường hợp cố tình bao che, né tránh khi giải quyết sai do đó dẫn đến khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài. Xử lý nghiêm những trường hợp này sẽ tạo được kỷ cương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ông Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị:  “Cần nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp  trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, đối với các vụ việc phức tạp đông người thì trực tiếp phải là Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo giải quyết mới tạo chuyển biến được, nếu để cấp phó giải quyết thì chưa chắc có chuyển biến. Chúng tôi cũng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân”.

Để khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài bên cạnh việc cần thiết sửa đổi Luật Đất đai và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước năm 2015, các cơ quan Nhà nước cần làm tốt việc công khai, dân chủ, công bằng trong đền bù; xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án đầu tư xây dựng. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất, bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, quy định về thẩm định, phê duyệt và giám sát thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Tăng cường đối thoại, giải tỏa kịp thời những bức xúc, tạo sự đồng thuận của người dân ngay từ khi bắt đầu giải quyết khiếu nại tố cáo.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ phân tích: “Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến đền bù để xây dựng các dự án cần đặc biệt quan tâm đến quy trình giải quyết, công khai, dân chủ, minh bạch để người dân đồng thuận, chấp hành trên cơ sở các quy định của Nhà nước”.

Khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách, công khai, minh bạch trong thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng đồng thời nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, xử lý nghiêm những vi phạm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đây là những giải pháp để Thanh tra Chính phủ đề ra mục tiêu trong năm nay cùng các cơ quan chức năng giải quyết có chất lượng các khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh, hạn chế hình thành những điểm nóng, những vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, đông người, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bài 1: Cơ chế bất cập, quản lý lỏng lẻo
Bài 1: Cơ chế bất cập, quản lý lỏng lẻo

(VOV) -5 năm qua nội dung khiếu nại của công dân chủ yếu liên quan đến đất đai, chiếm trên 70%

Bài 1: Cơ chế bất cập, quản lý lỏng lẻo

Bài 1: Cơ chế bất cập, quản lý lỏng lẻo

(VOV) -5 năm qua nội dung khiếu nại của công dân chủ yếu liên quan đến đất đai, chiếm trên 70%