Bài học quý từ chiến thắng chống thủy lôi 40 năm trước

(VOV) - Phóng viên VOV phỏng vấn Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương - Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân.

Chiến công trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường là một trong những thành tích, chiến công tiêu biểu của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đó là chiến thắng của tư tưởng dám đánh, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng, là chiến thắng của trí thông minh, lòng quả cảm và sự sáng tạo ra nhiều cách rà phá, tháo gỡ để làm vô hiệu hóa thủy lôi và bom từ trường của địch. Đó là chiến thắng của sự kết hợp giữa kỹ thuật thô sơ và hiện đại với phát huy trí tuệ, ý chí, sức sáng tạo của con người, sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong và ngoài quân đội, trong đó Hải quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng chủ lực, tiên phong.

40 năm đã qua nhưng chiến công trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường vẫn còn nguyên giá trị với những bài học quý giá trong xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

PV: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Kết quả nổi bật của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường rất nhiều. Song tựu chung có một số kết quả nổi bật như sau: Thứ nhất, trước âm mưu, ý đồ của đế quốc Mỹ, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất tích cực bảo đảm sự chủ động ngay từ đầu trong cuộc chiến chống phong tỏa.

Thứ hai, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chủ động phối hợp hiệp đồng huy động và phát huy sức mạnh của nhiều lực lượng hình thành nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trong cuộc chiến chống phong tỏa (tổ chức huấn luyện, lực lượng quan sát, phát hiện đánh dấu các vị trí bãi thủy lôi, bom từ trường, trục vớt, nghiên cứu…)

Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương

Thứ ba, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh đi đầu trong tháo gỡ tìm ra cấu tạo, tính năng kỹ thuật của thủy lôi, bom từ trường, để từ đó chế tạo các thiết bị rà phá có hiệu quả.

Thứ tư, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng, nòng cốt là Trường Đại học Bách Khoa, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Giao thông vận tải, Cục Vận tải biển, Cục Công nghiệp thành phố Hải Phòng… nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường hiệu quả như HDL-9, HT-5, máy phóng từ 311 và 480 PĐ-67… tạo cơ sở rà phá thành công thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ.

Thứ năm, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã trực tiếp và là lực lượng nòng cốt tổ chức rà phá thủy lôi, bom từ trường phong tỏa sông biển miền Bắc. Tổng hợp cả hai cuộc chống địch phong tỏa, Quân chủng Hải quân đã cùng với quân, dân ta phá hủy được 13.346 quả thủy lôi và bom từ trường, đập tan âm mưu và hành động phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường vô cùng thâm độc và xảo quyệt của đế quốc Mỹ trên sông, biển miền Bắc nước ta những năm 1967-1968 và 1972-1973.

PV: Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà Hải quân Nhân dân Việt Nam phải trải qua trong cuộc chiến đó?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Thứ nhất là một hình thức tác chiến mới, chưa từng có trong lịch sử. Cái khó khăn thứ hai đây là cuộc chiến không cân sức giữa một bên là kẻ thù có trang bị kỹ thuật, vũ khí hiện đại, tối tân với một bên là quân, dân miền Bắc do lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam nòng cốt chủ lực, có phương tiện, vũ khí thô sơ. Khó khăn nữa là các chiến sĩ Hải quân phải đối mặt tử thần, sự nguy hiểm và có thể hy sinh trong rà phá, tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường.

Trong đó khó khăn hàng đầu là phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh để tháo gỡ, phát hiện cấu tạo, tính năng kỹ chiến thuật của thủy lôi, bom từ trường Mỹ, từ đó tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, chế tạo các thiết bị rà phá có hiệu quả.

Việc tháo gỡ thành công những quả thủy lôi MK-50, MK-52 và bom từ trường DST-36 giúp  nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công nhiều phương tiện, thiết bị rà phá thủy lôi đạt hiệu suất rà phá cao, làm cơ sở để nhân rộng, phát triển trang bị cho các lực lượng rà phá, trong đó có thể kể đến một số thiết bị như: HDL-9 (Hải quân diệt lôi 9), HT-5, máy phóng từ 311 và 480 PĐ-67…

Những thiết bị này đã phát huy tác dụng rất tốt trong rà phá thủy lôi, bom từ trường Mỹ.

PV: Chiến công trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường để lại cho chúng ta những bài học gì, thưa ông?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Chiến công trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường trên sông, biển miền Bắc những năm 1967-1968 và 1972-1973 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Hải quân và nghệ thuật quân sự Việt Nam, khẳng định một đội quân cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, đoàn kết một lòng, cùng toàn dân, toàn quân thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân thì khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Những bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trước hết, phải quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng vào nhiệm vụ chống địch phong tỏa sông biển, tích cực chủ động đề ra chủ trương, biện pháp chống phong tỏa quyết đoán, kịp thời.

Thứ hai là nắm vững âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động và vũ khí mới của địch; phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết hiệp đồng, tích cực, chủ động sáng tạo, mưu trí, dũng cảm kiên cường, khắc phục khó khăn, không sợ hy sinh gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ trong chống phong tỏa.

Thứ ba chúng ta phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân trên chiến trường sông, biển; xây dựng các thành phần lực lượng có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết chiến quyết thắng; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, chỉ huy thống nhất giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, lấy lực lượng Hải quân làm nòng cốt - một trong những yếu tố quyết định thúc đẩy thắng lợi trong chống phong tỏa.

Cuối cùng, nắm vững khoa học kỹ thuật, kiên quyết khắc phục khó khăn, đánh địch bằng mọi thứ vũ khí hiện có; kiên trì giữ vững bí mật, biết nắm và tranh thủ thời cơ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; thường xuyên kết hợp nghiên cứu vận dụng phù hợp khoa học quân sự với khoa học kỹ thuật để có hiệu quả cao nhất trong chống phong tỏa.

PV: Những bài học vô cùng quý báu đó đang được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam vận dụng như thế nào trong tình hình mới thưa ông?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Một là chúng ta phải chủ động nắm chắc tình hình, có sự chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng đương đầu với những thử thách và giành thắng lợi trong mọi tình huống.

Hai là để đi đến thắng lợi, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng phải thực sự là lực lượng xung kích, tiên phong dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiếp đó là biết tập hợp, phát huy sức mạnh của các lực lượng, hình thành được thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bốn là, phát huy tính sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại, đáp ứng với yêu cầu xây dựng và phát triển Quân chủng trong giai đoạn mới.

PV: Xin cảm ơn Chuẩn đô đốc!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dùng cờ lê phá thủy lôi, bom từ trường của Mỹ
Dùng cờ lê phá thủy lôi, bom từ trường của Mỹ

(VOV) -Chỉ với các dụng cụ rất thô sơ nhưng qua sự khéo léo và quyết tâm của các chiến sĩ, hiệu quả bất ngờ.

Dùng cờ lê phá thủy lôi, bom từ trường của Mỹ

Dùng cờ lê phá thủy lôi, bom từ trường của Mỹ

(VOV) -Chỉ với các dụng cụ rất thô sơ nhưng qua sự khéo léo và quyết tâm của các chiến sĩ, hiệu quả bất ngờ.