Bài học từ những thành phố khoa học của nước Pháp
VOV.VN -Những mô hình không gian khoa học rất hữu ích cho việc phát triển giáo dục khoa học đại chúng.
Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã chú trọng đầu tư, phát triển các mô hình khu công viên khoa học, bảo tàng khoa học, nhà mô hình vũ trụ... Đây là không gian giúp công chúng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên đến vui chơi, khám phá, trải nghiệm qua những thí nghiệm khoa học vui.
Trong chớp mắt, đã lên Sao Hỏa
Tôi khoan khoái thả mình trên 1 chiếc ghế đặc biệt ngả 140 độ và ngước nhìn bầu trời. Một bầu trời thật rực rỡ sắc màu được thắp sáng bởi các hành tinh, hàng triệu những vì tinh tú, nhỏ li ti như những hạt kim cương, cách xa mặt đất cả triệu triệu năm ánh sáng bỗng được “vít” lại thật gần. Bạn muốn thăm vì sao nào? Chỉ trong chớp mắt, tôi đã có cuộc đổ bộ lên Sao Hỏa. Hành tinh đỏ với những rãnh sâu nhằng nhịt trên bề mặt, mang dáng dấp các con kênh do nước chảy mà thành. Những góc cua gấp, những cú lướt trên bề mặt sao hỏa cho tôi cảm giác y như thật, thích thú tột bậc…
Nhà chiếu hình vũ trụ tại TP Khoa học và Công nghiệp |
Rồi cũng chỉ trong chớp mắt, tôi đã được trở về bầu trời của Việt Nam, nơi các chòm sao được hình dạng hóa thành các loài vật vô cùng sống động được thắp lên bầu trời. Sự thích thú khi được du ngoạn trên bầu trời, sự kinh ngạc bởi công nghệ hiện đại, và hơn cả, những cảnh chiếu dường như đã chạm đến được trái tim, khơi gợi sự khát khao khám phá trong mỗi con người.
Không giấu được vẻ mặt còn nguyên sự xúc động sau buổi chiếu đặc biệt của chủ nhà dành cho các vị khách từ phương xa, bà Trần Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: “Được xem, được khám phá bầu trời, biết được bầu trời hôm nay sẽ diễn ra hiện tượng gì, hoạt động của các hành tinh ra sao, quả thực tôi thấy vô cùng hấp dẫn. Chúng tôi chìm đắm trong mê say. Ước rằng học sinh, thanh thiếu niên Việt Nam cũng có được những trải nghiệm như vậy”.
Buổi chiếu hình tại Không gian Khoa học thành phố Rennes (cách thủ đô Paris 400 km) chỉ là một trong hàng trăm buổi công chiếu diễn ra hàng ngày tại rất nhiều nhà chiếu hình vũ trụ ở nước Pháp. Trong những ngày ở Pháp, chúng tôi được đi tham dự khá nhiều những buổi công chiếu như vậy. Với nguyên lý cơ bản: Nhà chiếu hình vũ trụ gồm phòng chiếu mái vòm hình cầu, tượng trưng cho bầu trời và thiết bị chính là máy chiếu hình vũ trụ, nhờ các hệ thống quang học, các động cơ điện làm cho các hình ảnh thiên thể dịch chuyển theo chuyển động nhìn thấy của chúng...
Các phòng thí nghiệm ở bảo tàng luôn là điểm đến hấp dẫn của người dân |
Không đơn thuần chỉ là nơi giới thiệu cho người xem những hiện tượng thiên văn, hình dạng các chòm sao, chuyển động của các hành tinh, nhật thực, nguyệt thực, sao chổi, sao băng... mà những nhà chiếu hình vũ trụ, nơi được ví như trái tim của các tổ hợp không gian khoa học, thực sự còn là nơi khơi dậy tinh thần yêu khoa học của mọi người dân, nhất là trẻ em.
“Choáng” với con số 150 triệu euro chi mỗi năm
Theo bà Lénäic Briéro, Phó thị trưởng phụ trách giáo dục TP. Rennes, Không gian Khoa học thành phố được xây dựng từ năm 1984 với mục đích thúc đẩy và quảng bá khoa học, kỹ thuật và công nghiệp cho mọi người dân. 30 năm qua, tổ hợp Không gian Khoa học thực sự là niềm tự hào của thành phố, là nơi sinh hoạt khoa học hấp dẫn của cả cộng đồng cũng như khách quan.
Thành phố của Khoa học và Công nghiệp (Cité des sciences et de l'Industrie) tại Paris thực sự khiến chúng tôi choáng ngợp trước quy mô hoành tráng và sự hiện đại. Với nhiệm vụ phổ biến các kiến thức về khoa học và kỹ thuật cho công chúng, hỗ trợ trong việc giáo dục trẻ em và thiếu niên nên, thành phố này đã trở thành địa điểm được nhiều người viếng thăm nhất Paris với khoảng 3,5 triệu lượt khách mỗi năm.
Hôm nay, cậu bé Bernard Pouliquen, HS lớp 9 ở một trường trung học vùng Normany cùng thầy cô và bạn bè có chuyến thực tế tại đây. Lần đầu tiên được tham quan nhiều không gian với các chức năng khác nhau, có các trang thiết bị chuyên sâu trong từng lĩnh vực và cũng là địa điểm để gặp gỡ, tranh luận về khoa học, được nghe một nhà khoa học thuyết trình về năng lượng, Bernard Pouliquen tỏ ra rất hứng thú: “Tất cả học sinh lớp 9 của trường tôi đều tham gia chyến đi này. Wow, chỗ này quá lớn, có rất nhiều thứ để xem, để học tập. Lớp chúng tôi vừa nghe một chuyên gia thuyết trình về năng lượng rất hứng thú. Qua buổi thuyết trình này, thì tôi biết được nước Pháp và các nước trên thế giới sử dụng năng lượng như thế nào. Rất hữu ích đối với chúng tôi”.
Bà Trần Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trao đổi với phía Pháp |
Không chỉ là những phòng trưng bày về các chủ đề: toán học, vật lý, hóa học, những vấn đề khoa học như đại dương, núi lửa, năng lượng, máy bay, xe hơi... được bài trí vô cùng ấn tượng, đánh vào giác quan của khách quan với những âm thanh, hình ảnh hấp dẫn, mà TP Khoa học và Công nghiệp Paris còn thực sự là nơi vui chơi hấp dẫn dành cho mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em.
Ngoài ra, còn có ba không gian dành cho lĩnh vực: nghề nghiệp, sức khỏe và kỹ thuật số. Tại khu vực dành nghề nghiệp, 2 cậu bé Victo và Nicolas trong trang phục của những công nhân xây dựng say sưa xây, trát. Hôm nay bà của 2 em đã dành hẳn một ngày để đưa các em tham quan nơi này.
Bà Caroline Turré - phụ trách mảng Quan hệ quốc tế của Cité des Sciences cho biết những năm qua TP Khoa học và Công nghiệp tập trung hơn tới việc giải thích những ứng dụng thực tiễn của khoa học trong mọi khía cạnh của đời sống. Và đối tượng ưu tiên lúc nào cũng là học sinh và trẻ em, bởi độ tuổi này có tới 5.000 lượt người tham quan mỗi ngày.
Một phần không thể tách rời trong hệ thống các tổ hợp, các thành phố khoa học ở nước Pháp đó chính là hệ thống các nhà bảo tàng. Cung điện khám phá nằm trên đại lộ Franklin D. Roosevelt, thành phố Paris với diện tích 25.000 m2 với khoảng 600.000 lượt khách tham quan mỗi năm, là một bảo tàng khoa học như vậy.
Lần lượt tham quan và khảo sát các khu: Động vật học, Thiên văn học, Khí quyển học, Phòng chiếu hình vũ trụ, Toán học, Hoá học, Địa chất học, Cơ học, Sinh học cơ thể người, Quang học, Âm thanh và sự rung động, Điện từ học… ở nơi đâu cũng dày đặc, sôi nổi không khí học tập, trao đổi của các đoàn học sinh, tôi phần nào cảm nhận được “sức sống” của hệ thống bảo tàng khoa học ở nước Pháp.
Tại bảo tàng nhiều khái niệm, nhiều định luật, nhiều kiến thức hàn lâm trên sách vở xoay quanh nhiều chủ đề: toán học, vật lý, thiên văn học, hóa học, địa chất học, sinh học được các gian triển lãm “giải mã” bằng các thí nghiệm khoa học, tương tác với các bài bình luận của các giảng viên.
Với chiến lược phát triển khoa học, kích thích tìm tòi, khám phá khoa học, khám phá tri thức mới đối với thanh thiếu niên và công chúng yêu khoa học, hàng thập kỷ qua, Chính phủ nước Pháp đã có sự đầu tư rất lớn cho các tổ hợp, các thành phố khoa học.
Con số 150 triệu euro mà Chính phủ Pháp chi hàng năm để vận hành riêng TP. Khoa học và Công nghiệp tại Paris cũng phần nào cho thấy sự đầu tư “khủng” cho hoạt động này. Chỉ sau một vòng tham quan các trung tâm khoa học nước Pháp cũng đã cho chúng tôi cảm nhận khoa học không xa vời, không bí hiểm mà thật gần gũi, dễ hiểu.
Với chiến lược phát triển giáo dục khoa học, công nghệ của nước ta, cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án Tổ hợp không gian khoa học, được xây dựng ở thành phố biển Quy Nhơn, Bình Định. Đây là Tổ hợp không gian khoa học đầu tiên ở nước ta với định hướng trở thành khu đô thị khoa học và giáo dục, là điểm đến và cầu nối của khoa học và giáo dục Việt Nam với các nước./.