Bài toán xử lý “rác khủng” để Mũi Né luôn thơ mộng
VOV.VN - Giải quyết triệt để tình trạng rác thải để Mũi Né mãi là hình ảnh đẹp trong lòng du khách, là bài toán lâu dài buộc phải tính đến.
Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10 Dương lịch, bờ biển ở vịnh Mũi Né, Bình Thuận lại bị rác thải trôi nổi dồn về, gây ô nhiễm các bãi tắm, khiến du khách ngán ngẩm. Sau khi du khách và báo chí phản ánh, ngành du lịch và chính quyền địa phương lại tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Làm thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này để Mũi Né mãi là hình ảnh đẹp trong lòng du khách, là bài toán lâu dài buộc phải tính đến.
Nhân viên khu nghỉ dưỡng cao cấp Hoàng Ngọc hôm nào cũng phải tổ chức vệ sinh bãi biển. |
Anh Võ Tấn Phương, nhân viên khu nghỉ dưỡng Hoàng Ngọc cho biết: “Từ đây đến hết tháng, phía trên Rạng đổ về dọc theo bờ biển này dày đặc. Anh em làm rất vất vả. Nhưng mà qua một đêm, rác nó đầy lại rồi. Du khách rất phàn nàn".
Tương tự vậy, nhiều cơ sở du lịch dọc vịnh Mũi Né cũng rất khổ sở với lượng rác khủng tấp vào bờ. Khách hàng, nhất là du khách quốc tế liên tục gửi email phàn nàn về vệ sinh môi trường ở đây cho các doanh nghiệp. Hứng chịu nhiều nhất là các khu du lịch ở khu vực Bãi Sau, khu Bờ Kè phường Mũi Né đến bãi biển Rạng, khu phố 2 và khu phố 4 của phường Hàm Tiến.
Nếu không có biện pháp bảo vệ môi trường biển, chắc chắn du khách sẽ quay lưng với Mũi Né. |
Ông Dũng nói: “Hiện nay, xử lý rác mình chỉ làm cái ngọn thôi. Còn cái gốc là mình phải xây dựng đề án, chiến lược lâu dài. Và việc này phải nhờ các cấp ngành của tỉnh, thành phố và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch hưởng lợi trên mặt biển cũng phải tham gia, chung tay góp sức cùng địa phương mới thực hiện được”.
Năm 2016, Ủy ban nhân dân phường Hàm Tiến đã lập đề án Thu gom rác dọc bãi biển. Theo đề xuất của phường, việc thu gom rác sẽ giao cho một tổ hợp quản lý đảm nhiệm. Tuy nhiên, đề án chưa thể triển khai vì một số khó khăn, nhất là về mặt kinh phí.
Trước sự cấp thiết, tháng 6 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết cũng đã lập phương án triển khai thu gom, xử lý rác biển trôi dạt vào bờ trên địa bàn. Không những dọn rác dọc bờ, phương án này còn đưa ra biện pháp thu gom ngay khi rác thải còn ở ngoài biển chuẩn bị tấp vào.
Để làm sạch bãi biển Mũi Né cần có biện pháp lâu dài và thường xuyên, không nên để rác tồn đọng phản cảm. |
Dự toán kinh phí dọn rác ở bờ biển và đầu tư các loại máy móc chuyên dụng thu gom rác từ xa lên đến cả tỷ đồng. Riêng máy sàng cát và làm sạch bãi biển đã tốn khoảng 400 đến 600 triệu. Kinh phí này, ngoài ngân sách nhà nước còn phải huy động từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết các doanh nghiệp du lịch địa phương rất mong mỏi điều này. Biển sạch là lợi ích chung của cả cộng đồng và các doanh nghiệp du lịch ở vịnh Mũi Né nổi tiếng thế giới: “Quan điểm này thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nếu có một đơn vị như vậy thì chúng tôi sẵn sàng cho ký hợp đồng với đơn vị đó để mà thực thi. Thí dụ anh chịu trách nhiệm dọn sạch bãi rác đó của khu vực dọc một tuyến như thế thì đỡ hơn. Anh đầu tư thiết bị đỡ hơn là từng doanh nghiệp đầu tư”.
Kinh phí xử lý thường xuyên rác thải dọc biển Mũi Né rất lớn, đòi hỏi có sự chung tay đóng góp của các khu du lịch. |
Bài toán xử lý rác ở vịnh Mũi Né cũng như các bãi tắm du lịch ở toàn thành phố Phan Thiết đã được gợi mở. Tuy nhiên, hiện nay những giải pháp đó từ cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương chỉ mới dừng lại ở mức ý tưởng và dự thảo. Bao giờ các bên liên quan cùng nhau bắt tay thực hiện ngay giải pháp ấy, tỉnh Bình Thuận mới mong giữ được hình ảnh Mũi Né luôn đẹp và thơ mộng trong lòng du khách./.