Bàn giải pháp để miền Trung sống chung với mưa lũ, sản xuất thích ứng thiên tai
VOV.VN - Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ có cơ chế chính sách về vay vốn ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người dân bị thiệt hại để sớm khôi phục sản xuất...
Ngày 27/11, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị cùng sự tham dự của hơn 150 đại biểu tại 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.
Các cơn bão, lũ từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11 vừa qua ở miền Trung làm hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240 nghìn nhà bị hư hỏng, tốc mái. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 30 nghìn tỷ đồng, riêng nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Quảng Bình và Quảng Trị là 2 địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do các đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão. Thiệt hại về người, tài sản, sản xuất nông nghiệp ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Đất sản xuất bị bồi lấp, thay đổi hiện trạng rất khó khôi phục. Nguồn giống cây trồng, vật nuôi bị thiếu hụt nghiêm trọng...
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trước mắt tỉnh ổn định sản xuất cho người dân, cải tạo 1.700ha diện tích cánh tác bị bồi lấp. Đây là lúc Quảng Trị rà soát cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng trong điều kiện thiên tai thường xuyên xảy ra, chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu ngắn ngày có hiệu quả.
“Chúng ta phải có 1 chương trình tổng thể, dài hạn trong đó chúng ta phải ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Hướng đến sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững và đảm bảo được cho người dân không bị đói, rét và chủ động vấn đề an ninh lương thực, tạo sinh kế mới, có cuộc sống ổn định hơn”, ông Hưng cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, toàn bộ lương thực, thực phẩm, tài sản và con người được sơ tán, di chuyển về nơi an toàn trước khi mưa lũ tràn về. Theo ông Trần Phong, sau bão lũ tỉnh Quảng Bình đã phân phối nguồn giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho người dân sản xuất ngay sau khi nước rút; dự kiến trong 15 đến 20 ngày nữa sẽ có đợt thu hoạch rau màu.
“Chúng tôi xây dựng kịch bản để ứng phó, để triển khai thực hiện, toàn bộ lương thực, thực phẩm, phương tiện và con người đều được cơ động đến vị trí xung yếu để ứng phó ngay. Thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ, chuyển lên thành cơ chế hành động 4 tại chỗ cho nên ảnh hưởng của thiên tai tại Quảng Bình được hạn chế thấp nhất”, ông Phong nói.
Để hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, Chính phủ đã xuất cấp gần 16.000 tấn gạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và gần 16 tấn hạt giống rau cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại, để giúp người dân các tỉnh này. Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung; Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và một số quốc gia hỗ trợ tiền, hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,5 triệu đô la Mỹ...
Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung tổ chức hôm nay (27/11), lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết đang đề xuất Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045;
Ban hành Nghị quyết của Chính phủ về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết một số vấn đề trước mắt cũng như lâu dài sau đợt thiên tai vừa qua. Bố trí nguồn vốn vay ODA để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai; Đầu tư nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững. Đồng thời, Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ có cơ chế chính sách về vay vốn ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người dân bị thiệt hại để sớm khôi phục sản xuất...
“Chúng ta phải xác định rõ việc sống thích ứng với tình hình lũ lụt, mưa bão là 1 việc bình thường để từ đó có khả năng thích ứng. Đâu là đối tượng sản xuất phù hợp, đâu là quy trình kỹ thuật, đâu là các giải pháp tổng thể để thích ứng. Về trung hạn, dài hạn thì các dải ven biển, dải sườn núi phía Tây, dải đồng bằng, vùng trũng đòi hỏi phải tính toán lại để tổng thể về quy hoạch, chiến lược phải triển, đề án phát triển đảm bảo làm sao không chỉ thích ứng còn thích ứng chủ động, thích ứng bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói./.